Nhu cầu năng lượng khó phục hồi nhanh

Đại dịch Covid-19 sẽ tác động lớn đến tiêu thụ năng lượng toàn cầu từ nay đến năm 2050, theo báo cáo triển vọng chuyển đổi năng lượng được công bố mới đây bởi Tập đoàn DNV GL của Na Uy, chuyên cung cấp các dịch vụ chứng nhận, giám định trong lĩnh vực hàng hải và dầu khí.

So với các dự báo được đưa ra trước đại dịch, DNV GL đã hạ thấp mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu 6-8%/năm trong kịch bản từ nay đến năm 2050 bởi khủng hoảng kinh tế và y tế đã gây ra những thay đổi lớn, trong đó có việc giảm vận chuyển đường dài và sự gia tăng làm việc online. Những tác động từ hai nguyên nhân đó sẽ tiếp tục được cảm nhận từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng trên toàn cầu chỉ có thể đạt mức cao nhất vào năm 2034.

Biểu đồ về mức tiêu thụ năng lượng giữa không có và có đại dịch Covid-19

Biểu đồ về mức tiêu thụ năng lượng giữa không có và có đại dịch Covid-19

Liên quan tới dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu trong thời gian tới, ngày 14-9-2020, trong báo cáo thường niên, Tập đoàn Dầu khí BP (Anh) nhận định thời kỳ tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu đã chấm dứt do hậu quả của đại dịch Covid-19 và quá trình chuyển đổi năng lượng. Nhu cầu dầu có thể đã chạm trần và sắp trải qua nhiều thập niên suy giảm chưa từng có tiền lệ. Trong báo cáo, BP đưa ra 3 kịch bản về việc chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn vào năm 2050, từ chậm nhất đến nhanh nhất.

Trong hai kịch bản lạc quan nhất, nhu cầu dầu thậm chí đã vượt qua mức đỉnh và sẽ không bao giờ phục hồi sau sự sụt giảm do khủng hoảng y tế hiện nay gây ra.

Báo cáo cho biết, nếu quá trình chuyển đổi năng lượng tiếp tục với tốc độ như hiện nay, trong kịch bản thận trọng nhất, tiêu thụ “vàng đen” sẽ ổn định trong những năm tới.

Theo BP, nhu cầu của riêng lĩnh vực vận tải sẽ chỉ giảm bất kể theo kịch bản nào, do sự sụt giảm về số lượng di chuyển ngắn hạn có liên quan đến đại dịch và sự gia tăng của các loại xe điện trong dài hạn.

Ngoài dầu mỏ, BP tin rằng khí đốt có thể đề kháng trong 30 năm tới, đặc biệt nhờ vai trò của khí đốt trong việc thay thế than gây ô nhiễm cao ở các nền kinh tế mới nổi. Năng lượng tái tạo sẽ phát triển nhanh nhất trên thế giới trong bất kỳ kịch bản nào, bao gồm cả năng lượng mặt trời và gió.

Covid-19 đã thúc đẩy các xu hướng hiện hữu, cụ thể là xu hướng của xã hội, các chính trị gia và các nhà đầu tư yêu cầu ít sử dụng dầu và khí đốt hơn do những lo ngại về môi trường - Russ Mold, nhà phân tích tại AJ Bell cho biết. Nhưng BP cảnh báo rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng chỉ có thể diễn ra nếu chính phủ các nước thực hiện các biện pháp mới nhằm hạn chế lượng khí thải CO2.

Theo kịch bản mới của DNV GL, điện gió và điện mặt trời có thể cùng nhau chiếm 24% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2030 và 62% vào năm 2050

Theo DNV GL, tiêu thụ năng lượng liên quan đến vận tải nói riêng có thể đã đạt mức cao nhất vào năm 2019 (xem biểu đồ). DNV GL dự báo ngành vận tải sẽ được điện khí hóa lớn trong những thập niên tới. Vào năm 2032, một nửa số xe cá nhân được bán trong thế giới sẽ là xe điện. Mức tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực nhà ở có thể tiếp tục tăng từ nay đến năm 2050, mặc dù có tiến bộ về hiệu quả năng lượng (năm 2050 chỉ tăng 24% so với năm 2018), do có sự gia tăng mạnh mẽ các khu vực nhà ở mới.

Kịch bản DNV GL đang “đặt cược” vào kịch bản chuyển đổi năng lượng nhanh chóng: Tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu có thể giảm xuống 54% vào năm 2050, so với 81% của năm 2018. Theo kịch bản này, tiêu thụ dầu toàn cầu có thể đã đạt đỉnh vào năm 2020. Khí tự nhiên sẽ vượt qua dầu sớm nhất vào năm 2026, trở thành nguồn năng lượng chính trong hỗn hợp năng lượng toàn cầu.

Theo DNV GL, tỷ lệ điện trong tiêu thụ năng lượng toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi vào giữa thế kỷ XXI, từ 19% năm 2018 lên 41% vào năm 2050. Sự gia tăng này chủ yếu để đáp ứng nhu cầu điện khí hóa ngành giao thông vận tải.

Nhu cầu năng lượng khó phục hồi nhanh

Cấu trúc của hỗn hợp sản xuất điện toàn cầu cũng sẽ bị phá vỡ, do chi phí giảm và tiến bộ trong lưu trữ. DNV GL cho rằng, năng lượng tái tạo có thể chiếm 78% tổng sản lượng điện toàn cầu vào năm 2050 (so với 26% năm 2018). Điện gió và điện mặt trời sẽ dẫn đầu và đạt tỷ trọng 62% trong hỗn hợp sản xuất điện, so với 17% đối với nhiên liệu hóa thạch và 5% đối với hạt nhân.

Trong kịch bản này, DNV GL dự kiến sẽ có một sự gia tăng khổng lồ về dung lượng lưu trữ (từ 650 GWh ngày nay lên hơn 30 TWh vào năm 2050), chủ yếu ở dạng pin, cũng như trên mạng lưới điện.

Bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng tăng tốc như DNV GL đã vạch ra, thực tế rất khó có thể đạt được các mục tiêu do Thỏa thuận khí hậu Paris đề ra: Lượng khí thải CO2 toàn cầu liên quan đến năng lượng vẫn có thể lên tới 17,1 tỉ tấn vào năm 2050, bằng gần 1/2 của năm 2018 và ước tính hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể đạt 2,3oC vào cuối thế kỷ XXI so với nhiệt độ trong thời kỳ tiền công nghiệp.

Năng lượng tái tạo có thể chiếm 78% tổng sản lượng điện toàn cầu vào năm 2050 (so với 26% năm 2018). Điện gió và điện mặt trời sẽ dẫn đầu và đạt tỷ trọng 62% trong hỗn hợp sản xuất điện, so với 17% đối với nhiên liệu hóa thạch và 5% đối với hạt nhân.

P.V

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nhu-cau-nang-luong-kho-phuc-hoi-nhanh-579544.html