Nhu cầu hoa, cây cảnh dịp tết rất lớn

Bên lề hội thảo trên, NNVN đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả về tình hình SX hoa cây cảnh...

PGS.TS Đặng Văn Đông

Ông đánh giá thế nào về SX hoa, cây cảnh ở các tỉnh miền Bắc từ đầu năm đến nay và dự báo thị trường hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán sắp tới?

Có thể nói thời tiết khí hậu thủy văn gần 1 năm qua đã có sự biến đổi rất rõ nét. Cụ thể như, vụ ĐX đầu năm ấm nóng điển hình, thời tiết vụ xuân không như thường lệ, vụ HT có mưa lớn kéo dài lịch sử, làm cho mực nước các con sông trên miền Bắc dâng cao bất thường, gây ngập úng lũ quét và sạt lở đất ở nhiều địa phương, cây nhãn bị mất mùa, lúa và rau màu bị ảnh hưởng nặng.

Tuy nhiên ngành SX hoa, cây cảnh vẫn tăng trưởng 7 - 10% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân do 100% các loại hoa cao cấp (lily, hồ điệp, tulip) và nhiều loại hoa dân dụng (dạ yến thảo, đồng tiền, lan ý...) đều được trồng trong nhà lưới, nhà màng, trồng chậu, giỏ treo, trên giá thể... nên không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khí tượng thời tiết cực đoan, do đó nâng sản lượng, chất lượng hoa, tăng giá trị kinh tế.

Mặt khác, thị trường hoa, cây cảnh bây giờ cũng đã có sự thay đổi, người tiêu dùng chơi quanh năm chứ không còn tập trung vào một số ngày tết như trước kia. Chủng loại cũng rất phong phú đủ loại hoa chậu, hoa cắt cành, hoa cao cấp, hoa dân dụng, hoa truyền thống, đã đáp ứng được nhu cầu thị hiếu tiêu dùng.

Dự báo nhu cầu thị trường hoa, cây cảnh dịp tết sẽ tăng khoảng 10%. Người tiêu dùng sẽ tập trung mua hoa, cây cảnh từ trước tết 15 - 20 ngày (do nhiều loại hoa chậu, hoa cắt có độ bền sử dụng rất cao). Nhu cầu chơi hoa, cây cảnh sẽ có sự gia tăng trên các chủng loại hoa mới lạ và cao cấp hơn như lan hồ điệp, lan rừng, hoa tulip, hoa đồng tiền lùn...

Từ nay đến Tết Nguyên đán còn trên 2 tháng nữa, thời tiết sẽ biến động khó lường, ông có khuyến cáo gì với các nhà vườn ở miền Bắc?

Vụ đông năm nay đã có rét sớm, rét đậm. Dự báo từ nay đến hết vụ sẽ có rét đậm kéo dài hơn các năm trước. Vì vậy các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh cần chú ý:

Theo dõi sát dự báo thời tiết khí hậu thủy văn khu vực trên các phương tiện thông tin nhà nước, để sớm chủ động các biện pháp kỹ thuật chăm sóc hợp lý.

Tăng cường giao lưu với các nhà khoa học, các nhà làm vườn giàu kinh nghiệm, để nhận được những tư vấn kỹ thuật chính xác. Ví dụ như, khi thời tiết có rét đậm rét hại kéo dài, dự báo cây hoa khó nở trùng vào các ngày tết, cần bổ sung tro bếp hoặc phân bón kali cho các cây hoa cúc, lay ơn, lily, hoa hồng... Riêng cây hoa đào ngoài bón thêm tro bếp/kali cần tưới thêm nước ấm, và dùng màng nilon quây che chắn rét cho cây. Với các hoa, cây cảnh trong nhà lưới, nhà màng thì điều chỉnh tăng nhiệt độ cho phù hợp yêu cầu sinh trưởng của cây trồng bên trong...

Trồng lan hồ điệp trong nhà kính

Được coi là một trong những người đặt nền móng cho ngành SX hoa cao cấp trong nước, ông có lời khuyên gì với các nhà nông muốn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang thâm canh hoa, cây cảnh?

Chuyển từ cây trồng kém hiệu quả sang SX hoa, cây cảnh là hoàn toàn đúng hướng. Vì thị trường hoa, cây cảnh nước ta còn rất lớn. Hiệu quả SX rất cao. Hàng năm vẫn có khoảng 50% số lượng lan hồ điệp các loại từ Trung Quốc nhập vào nước ta qua con đường tiểu ngạch.

Tuy nhiên trước khi chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh, nhà nông cần tìm hiểu nắm vững quY trình kỹ thuật của giống định trồng và làm dần từng bước, từ các loại hoa dân dụng đơn giản đến các loại cao cấp, từ quy mô nhỏ lẻ để tích lũy vốn, kinh nghiệm rồi mới nâng dần lên SX quy mô lớn.

Nếu làm quy mô lớn ngay, nhất thiết phải tham vấn ý kiến từ các chuyên gia. Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hoa, cây cảnh (Viện Nghiên cứu Rau quả) đang có nhiều nhà khoa học chuyên sâu, có mô hình SX hoa trong nhà lưới nhà màng hiện đại, có đủ các loại giống hoa, cây cảnh (tulip, lay ơn, lily hồ điệp, cúc, lan rừng...), sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu tham quan, học hỏi, tìm mua vật tư SX của nhà nông.

Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG NGUYỄN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhu-cau-hoa-cay-canh-dip-tet-rat-lon-post208223.html