Nhu cầu của người TQ có thể khiến cá mập ngoài đại dương... hết sạch?

Nhu cầu ngày càng tăng về vây cá mập ở Trung Quốc tạo ra làn sóng đổ xô săn cá mập ở đại dương, khiến các chuyên gia lo ngại.

Cá mập nằm rải rác trên bãi biển ở Puerto Lopez, Ecuador.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), vụ bắt giữ tàu Trung Quốc ở ngoài khơi đảo Galapagos, Ecuador, hồi năm ngoái được coi là sự kiện đáng chú ý.

Con tàu tên Fu Yuan Yu Leng dài hơn sân bóng đá này chở 150 tấn cá mập chết, đa phần là các loài cá mập bị đe dọa và bị cấm săn bắt. Chỉ một phần trong số hàng ngàn con cá mập bị săn bắt là có giá trị lớn, đó chính là vây.

Vây cá mập từ lâu được coi là món ngon ở Trung Quốc và rất phổ biến trong các cộng đồng người Trung Quốc trên toàn cầu. Đây là nguyên liệu xa xỉ cho các nhà hàng nổi tiếng.

Ở thời cao trào nhất, vây cá mập sấy khô tính theo kg được bán với giá còn đắt hơn cả heroin. Đó là bởi sự bùng nổ về nhu cầu ở thị trường Trung Quốc, tạo nên các tàu công nghiệp chuyên đi săn cá mập.

Một ngư dân chụp ảnh với số cá mập mà mình săn được.

Công nghệ săn bắt cá mập hiện đại đến mức các tàu cỡ lớn có thể bắt hàng trăm con cá mập cùng lúc. Ước tính hàng chục triệu con cá mập bị bắt lên từ biển hàng năm, trong khi một nhà khoa học ước tính tới hơn 100 triệu.

“Với tốc độ săn bắt như hiện tại, chúng ta đang tận diệt loài cá mập”, Ben Harris, chuyên gia bảo tồn sinh vật biển nói.

Khu vực ngoài khơi Thái Bình Dương cho đến Trung Mỹ đã trở thành điểm nóng trong cuộc chiến bảo vệ loài cá mập. Nơi đây tập trung số lượng cá mập đông đảo nhất Trái đất.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu cá mập sẽ biến mất trước hay con người sẽ ngừng mua bán vây cá mập trước. “Đây thực sự là một cuộc chiến. Chúng ta đang chống lại những kẻ bất chấp việc tàn phá hệ sinh thái để thu về nguồn lợi khổng lồ”, Jessie Treverton, một cựu thuyền trưởng tàu tuần duyên Mỹ nói.

Tàu hải quân Ecuador chặn bắt tàu Trung Quốc.

Liên Hợp Quốc từng ước tính ngành công nghiệp săn bắt cá mập lấy vây thu về tới 1 tỷ USD/năm, trong khi vụ bắt giữ tàu Trung Quốc với hơn 6.000 con cá mập chỉ như “một hạt cát” trong quy mô toàn cầu.

Ít nhất một nửa số loài cá mập ở đại dương hiện nay đang nằm trong danh sách bị đe dọa. Các nhà khoa học dự doán, nếu không thay đổi, một số loài cá mập sẽ tuyệt chủng ngay trong tương lai gần.

Randall Arauz, một chuyên gia bảo tồn Costa Rica nói các tàu Trung Quốc luôn tìm ra kẽ hở để săn bắt cá mập lấy vây. Mặc dù việc lấy vây cá mập là trái phép, nhưng các tàu đi săn vẫn có thể bắt cá mập đem vào bờ, miễn là con cá mập còn nguyên vẹn.

Trong trường hợp của tàu Fu Yuan Yu Leng, thuyền trưởng nói điểm đến là Peru. Nhưng tàu Trung Quốc có thể tìm đến nơi chế biến vây cá mập ở bất cứ đâu, từ châu Á cho đến châu Phi.

Người dân trên đảo Santa Cruz giơ cao khẩu hiệu phản đối Trung Quốc tháng 8.2017.

“Thay vì dừng lại ở Trung Mỹ, các tàu Trung Quốc có thể đem số lượng cá mập đánh bắt khổng lồ về châu Á, chẳng ai biết họ bắt được loài cá mập nào”, Arauz nói.

Theo các nhà hoạt động, các công ty Trung Quốc còn hoạt động mạnh ở Costa Rica, nơi cung cấp 500.000 vây cá mập mỗi năm. Mới đây nhất, các tàu săn bắt cá mập của công ty Wang Group đã bị chính phủ Costa Rica cấm nhập cảng.

“Họ phải tuân thủ luật pháp. Nhưng họ cũng hoàn toàn có thể chuyển sang El Salvador hay Guatemala”, Arauz nói. “Tại đó, họ không bị cấm đem cá mập lên bờ để lấy vây”.

Ngược lại, việc Costa Rica thắt chặt các quy định về săn băt cá mập khiến những người dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập chính của họ từ cá mập và họ cũng muốn bảo vệ “miếng cơm manh áo” của mình.

Một ngư dân địa phương Costa Rica nói các quy định nghiêm ngặt chưa thể bảo vệ được loài cá mập. Bởi vì khi bắt phải những con cá mập nằm trong danh sách bị cấm, các ngư dân đơn giản là vứt nó trở lại biển, dù còn sống hay đã chết.

“Chúng tôi phải ném cá mập trở lại biển trong khi các tàu nước ngoài săn bắt tất cả mọi thứ và đem đi nơi khác”, một ngư dân Costa Rica nói. “Chúng tôi có quy định ở đây, nhưng ai sẽ quản lý các tàu nước ngoài ở ngoài kia?”

Chỉ trong giai đoạn 2015-2017, một công ty Costa Rica đã xuất 80.000kg vây cá mập khô đến châu Á, với giá trị hàng hóa lên tới 2,5 triệu USD.

Ngư dân cắt vây cá mập trên bãi biển Manta, Ecuador.

Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu vây cá mập, nếu các công ty xuất khẩu không chứng minh được nguồn gốc.

Trên thực tế, không thể biết được liệu vây cá mập xuất khẩu từ Trung Mỹ có nằm trong số các loài bị đe dọa hay không.

“Có quá nhiều cá mập bị giết”, Arauz nói. “Cách tốt nhất để cứu loài cá mập là ngừng việc săn bắt”.

Nhưng dù thế nào, số lượng cá mập ở đại dương vẫn đang tiếp tục giảm mạnh. Mỗi năm đều có thêm các loài được đưa vào danh sách bị đe dọa, theo SCMP.

“Cá mập đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái biển, bởi chúng góp phần duy trì trạng thái cân bằng đa dạng sinh học”, Danny Rueda, giám đốc trung tâm bảo tồn sinh vật biển ở Galpapagos nói.

Theo các chuyên gia, một khi hoạt động săn bắt cá mập lấy vây chấm dứt, số lượng cá mập cũng không thể sớm tăng trở lại trong vòng hàng chục năm tới. Bởi cá mập có tốc độ phát triển và sinh sản khá chậm.

Đăng Nguyễn - SCMP

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/nhu-cau-cua-nguoi-tq-co-the-khien-ca-map-ngoai-dai-duong-het-sach-907350.html