Nhu cầu của người tiêu dùng thúc đẩy 'nâng chất' cho ngành thực phẩm, đồ uống Việt

Việc người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được cho là nguyên nhân thúc đẩy quá trình đầu tư thiết bị công nghiệp thực phẩm và bao bì thực phẩm theo hướng hiện đại, an toàn và đạt chuẩn ngày càng cao.

Thông tin tại lễ khai mạc Triển lãm quốc tế thực phẩm đồ uống và Triển lãm quốc tế về thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống (Vietfood & Beverage Propack 2019), diễn ra sáng ngày 7/8 tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Vân Nga - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) - cho biết: Ngành thực phẩm, đồ uống của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng; được đánh giá là ngành có tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới, đặc biệt tại các thành phố và thị trấn, nơi có mức sống ngày càng được cải thiện.

Người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng thực phẩm, đồ uống

Người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng thực phẩm, đồ uống

Theo bà Nga, đi đôi với sự phát triển của ngành thực phẩm - đồ uống là sự phát triển của ngành thiết bị và bao bì thực phẩm. Lý do, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề vệ sinh, nguồn gốc thực phẩm. Do đó, thiết bị công nghiệp thực phẩm, bao bì thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp khi đầu tư các sản phẩm thực phẩm và đồ uống.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - bổ sung: Ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm được xem là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP. Hồ Chí Minh, không chỉ tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho cư dân thành phố; từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng các tỉnh lân cận.

Cũng theo bà Chi, TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung số lượng lớn nhất cả nước các doanh nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, ở tất cả các loại hình quản lý (Nhà nước, ngoài Nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài và 100% vốn đầu tư nước ngoài), với mức độ tập trung các mặt hàng sản phẩm đạt trên 70%. Hiện trang thiết bị, khoa học kĩ thuật và công nghệ trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm của thành phố cũng được xếp vào dạng hiện đại nhất cả nước so với các tỉnh thành và vùng miền khác.

Tuy nhiên, với xu hướng, tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng thì việc đầu tư cho phát triển thiết bị và công nghệ bao bì để có những sản phẩm tốt, chất lượng, mẫu mã đẹp là cần thiết. Do vậy đã từ nhiều năm nay, Hiệp hội phối hợp với Vinexad tổ chức Vietfood & Beverage Propack nhằm xúc tiến thương mại, tiếp cận học hỏi từ các sản phẩm và công nghệ của thế giới.

Theo ông Phạm Đăng Khánh - Giám đốc Công ty Vinexad Sài Gòn, Vietfood & Beverage - ProPack Vietnam 2019 sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10//8/2019 tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm năm nay thu hút sự tham gia của trên 550 doanh nghiệp với quy mô 650 gian hàng đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; trưng bày nhiều sản phẩm, công nghệ mới trong ngành chế biến và đóng gói thực phẩm đồ uống.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ riêng với Việt Nam mà còn với khu vực và quốc tế nhằm đảm bảo mục tiêu mở rộng kinh doanh phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu đối với các công ty trong nước và tìm kiếm đại lý phân phối tại Việt Nam đối với các công ty nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hội Bia - Rượu - Nước giải khát:
Trong những năm gần đây, ngành đồ uống Việt Nam đã đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, tạo ra gần nửa triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Nhờ hiện đại hóa, ngành công nghiệp đồ uống đã phát triển hiệu quả so với các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp đồ uống đã đóng góp đáng kể cho an sinh xã hội, giảm nghèo ở các địa phương nơi có các nhà máy sản xuất và các hoạt động cộng đồng khác.

Thùy Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhu-cau-cua-nguoi-tieu-dung-thuc-day-nang-chat-cho-nganh-thuc-pham-do-uong-viet-123480.html