Nhu cầu của người già

Biểu đồ dân số Việt Nam vào năm 2016 (nguồn: Indexmundi) cho thấy nhóm người ở độ tuổi 20-34 (sinh từ 1982-1996) chiếm tỷ lệ lớn nhất ở Việt Nam; nhóm này sẽ trở thành lực lượng già chủ yếu của Việt Nam trong mấy chục năm sắp tới.

Phạm Hiệp tốt nghiệp tiến sĩ về quản trị kinh doanh tại Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan, năm 2017. Năm 2013, Phạm Hiệp từng nhận Giải khuyến khích Giải thưởng báo chí dành cho các nước đang phát triển tại châu Á (DAJA).

Từ năm 2017, cùng một số đồng nghiệp, Phạm Hiệp khởi xướng dự án Mạng lưới các nhà khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam (NVSSH) hướng đến mục tiêu phổ biến các kiến thức cập nhật về khoa học xã hội nhân văn từ các tạp chí khoa học chuyên ngành tới đại chúng.

1. Trong một chương trình về giáo dục chiếu trên VTV cách đây vài tuần, tôi có để ý đến phóng sự về một cụ ông đã ngoài 80, vừa tốt nghiệp chương trình thạc sĩ tại Đại học Duy Tân, Đà Nẵng.

Trả lời phóng viên, cụ nói đại ý, cụ muốn học vừa là để lấy kiến thức, vừa là để làm gương cho con cháu chứ bằng cấp hay việc dùng bằng này để kiếm việc thì không phải là vấn đề cụ đặt nặng.

Cụ cũng nói thêm, khó khăn nhất của cụ trong quá trình học không phải là khối lượng bài giảng mà là vấn đề đi lại. Lớp học chủ yếu tổ chức vào buổi tối để phù hợp với lịch của phần lớn các học viên khác (chủ yếu là người đi làm vào ban ngày) mà nhà cụ lại xa (Quảng Nam cách Đà Nẵng vài chục cây số) nên cụ đi lại khá vất vả. May mà cụ có đông con cháu, thay phiên nhau đèo nên cuối cùng cụ cũng hoàn thành chương trình học của mình.

2. Cô Mai, một người quen lớn tuổi khác của tôi thì không được may mắn như cụ ông quê Quảng Nam kể trên vì ý định đi học sau khi về hưu của cô đã không được toại nguyện. Cô Mai kể hồi học cấp 3, cô yêu văn học lắm, muốn thi vào Tổng hợp văn nhưng bố mẹ không cho, bắt cô học thương mại.

Thế rồi gần 40 năm trôi qua, cô Mai giờ đã về hưu, con cái trưởng thành, cô mong muốn quay lại “giấc mơ tuổi trẻ”, được ngồi ghế giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học KHXH&NV) để “được nghe thầy Hà Minh Đức giảng về thơ Xuân Diệu”.

Nhưng ý định của cô không thành sự thực, nhà trường không chấp nhận cho cô ghi danh học 1-2 môn, đi thi lấy điểm. Nếu muốn học, cô buộc phải đi thi đại học và học toàn bộ chương trình như những sinh viên bình thường khác, trong khi, cô chỉ có nhu cầu đi học 1-2 môn mà cô lựa chọn mà thôi.

3. Việt Nam, ở thời điểm năm 2018, vẫn là một nước dân số trẻ, tức là nơi số người trẻ đông hơn người già. Ở một nước dân số trẻ, người ta hay quan tâm đến người trẻ. Nhu cầu của người già, vì vậy, dường như ít được quan tâm hơn.

Ngay cả trường hợp cụ ông Quảng Nam kể trên, mặc dù mục tiêu học xong thạc sĩ của cụ đã được toại nguyện nhưng rõ ràng, cụ đã phải vượt qua một rào cản vô cùng khó khăn, đó là lịch học buổi tối, vốn được thiết kế dành cho người trẻ chứ không phải người già như cụ.

4. Chuang là một người bạn học của tôi tại chương trình nghiên cứu sinh ở Đài Loan. Năm nay bác gần 70 tuổi và đang là nghiên cứu sinh năm thứ 7.

Bác bắt đầu học tiến sĩ khi khoảng 62 tuổi, tức là 2 năm sau khi về hưu. Khác với cụ ông Quảng Nam kể trên, bác Chuang đi học không phải vì “làm gương cho con cháu”.

Con bác Chuang học hành cũng rất thành đạt. 2 con trai bác đang có công việc rất tốt tại Hong Kong và Thượng Hải. Lý do đi học tiến sĩ của bác là để “vẫn giữ được đầu óc minh mẫn và có cơ hội tiếp xúc với người trẻ”.

Thực tế, việc người già, người về hưu quay trở lại trường học không phải là điều hiếm ở các nước có cơ cấu dân số già. Nghiên cứu về việc học của tuổi già thậm chí là một chủ đề nghiên cứu nóng của giới nghiên cứu về giáo dục, là một nhánh của lĩnh vực nghiên cứu học tập suốt đời (lifelong learning) mới xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây

5. Nhưng trở lại trường học không phải là nhu cầu duy nhất của người già. Không phải ai cũng như cụ ông ở Quảng Nam, như cô Mai hay như bác Chuang. Người già còn có nhiều nhu cầu khác.

Cách đây chừng một năm, tôi hỏi ông Chuang: “Vợ bác làm gì?”, ông nói: “Bà ấy mới về hưu được vài tháng và vẫn đang muốn nghỉ ngơi. Nhưng bà ấy cũng đang tính, hoặc là tham gia câu lạc bộ chuyên tổ chức tour du lịch cho các bà già, hoặc đi làm thêm việc lặt vặt chân tay gì đó, hoặc có khi là cả hai vì hai việc đó thực tế còn bổ trợ cho nhau. Đi làm thì có tiền, có tiền thì lại đi du lịch”.

6. Câu chuyện đi làm “lặt vặt chân tay” của vợ bác Chuang làm tôi liên tưởng đến các cụ già cần mẫn làm công việc dọn vệ sinh ở các sân bay, khu thương mại ở nhiều nước phát triển châu Á như Singapore, Nhật Bản, Đài Loan...

Tôi cũng từng nghe kể về chuyện một cụ bà, trước đây làm công chức ở Singapore, sau khi về hưu thì làm thêm nghề quét dọn tại sân bay quốc tế. Số tiền kiếm được cụ dành toàn bộ cho đi du lịch và thực tế là sau khi về hưu, khoảng 10 năm, cụ đi du lịch nhiều hơn toàn bộ quãng thời gian mấy chục năm tuổi trẻ bận bịu gộp lại.

7. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng sự phát triển của kinh tế sẽ kéo theo việc con người sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn. Và kết quả là có nhiều người già khỏe mạnh hơn. Khác với người già Việt Nam hiện nay chỉ thích ở gần con cháu, nhu cầu của người già ở các xã hội phát triển đa dạng hơn.

Riêng với gia đình bác Chuang, chúng ta đã thấy có 3 nhu cầu: bác Chuang muốn học thêm, còn vợ bác muốn vừa đi làm thêm, vừa đi du lịch. Tôi hỏi bác: “Thế sao vợ bác không về ở với con và trông cháu cho họ”.

Bác Chuang nói: “Bọn nó ở xa quá mà bọn nó cũng không thích”. Câu trả lời ngắn ngủi của bác hàm chứa 2 ý đối với xã hội phát triển và già hóa, ở đó, mối quan hệ gia đình trở nên xa cách hơn cả về mặt địa lý lẫn tâm lý. Xa cách về mặt địa lý nghĩa là con cái không dễ kiếm được việc ở cùng thành phố với cha mẹ (như đã nói ở trên, 2 con bác Chuang ở Hong Kong và Thượng Hải, còn bác và vợ ở Đài Bắc); xa cách về mặt tâm lý dẫn đến việc cha mẹ và con cái không thích ở cùng nhau, phụ thuộc vào nhau quá nhiều.

Nói cách khác, mô hình “tam đại đồng đường” vẫn còn phổ biến ở Việt Nam hiện nay (gia đình ông bà ở với vợ chồng trẻ và con cái) sẽ dần biến mất khi dân số Việt Nam trở nên già hóa và kinh tế phát triển tương tự như Đài Loan, Singapore hay Nhật Bản bởi cả nguyên nhân bên ngoài (điều kiện kinh tế) lẫn bên trong lẫn (tâm lý của những người trong cuộc).

Một người già vô gia cư tại Đài Bắc (nguồn: tác giả chụp).

8. Giang Thanh Long là một phó giáo sư kinh tế đang làm việc tại Đại học Kinh tế quốc dân. Trong giới nghiên cứu, chúng tôi gọi anh là “nhà già học” bởi anh có khá nhiều công bố liên quan đến chủ đề người già ở Việt Nam, đăng trên các tạp chí hàng đầu thế giới như Journal of Population Ageing, Ageing International...

Nhưng cũng phải nói, anh Long là một “nhà già học” cô đơn, bởi ngoài anh ra, chúng tôi không thấy nhiều gương mặt nổi trội ở Việt Nam nghiên cứu về cùng chủ đề.

Cá nhân tôi nghĩ, nếu chúng ta coi rằng tuổi già cần phải được nghiên cứu thấu đáo thì hơn lúc nào hết, lúc này là lúc thích hợp nhất để đầu tư vào chủ đề này, cũng để phó giáo sư Long bớt cô đơn hơn.

Như đã nói ở trên, Việt Nam vẫn là nước có dân số trẻ nhưng các thông số hiện có cho thấy, tỷ lệ sinh ở nước ta cũng đã có xu hướng giảm từ giữa những năm 1990 trở lại đây. Điều đó có nghĩa là, chỉ khoảng 20-25 năm nữa thôi, khi lứa 8X - đầu 9X ở nước ta đến tuổi về hưu, chúng ta cũng sẽ trở thành nước dân số già tương tự như các nước láng giềng.

9. Xin kết thúc câu chuyện của người già bằng một bức ảnh mà tôi mới chụp vào lúc 5h30 sáng cách đây vài tuần tại khu vực Ximen, Đài Bắc. Tôi đã đi bộ theo chân người đàn ông trong bức ảnh này qua mấy dãy phố. Ông là một người già vô gia cư và ông đang làm một việc thường nhật là đi nhặt các hóa đơn mua hàng mà khách đi chợ đêm hôm trước vứt lại trên đường.

Ở Đài Loan, mỗi tờ hóa đơn là một lá phiếu xổ số và người ta sẽ quay thưởng 3 tháng 1 lần, giải thưởng có thể từ 100 Đài tệ (tương đương 75.000 VND) lên tới vài chục nghìn Đài tệ.

Việc cần mẫn nhặt phiếu hằng ngày của người đàn ông này có thể đem lại chút tiền nho nhỏ để tiêu vặt. Tất nhiên là trong quá trình nhặt hóa đơn kể trên, người đàn ông này cũng có thể tìm thêm nhiều thứ khác, 1 chai coca uống dở hay một gói bim bim chưa dùng, còn hạn.

Những người vô gia cư như người đàn ông này không phải hiếm ở Đài Bắc, họ chủ yếu sống ở quanh khu vực ga trung tâm và một số khu lân cận (như Ximen là một ví dụ). Thống kê không chính thức thì có khoảng 3.000 - 4.000 người như người đàn ông này. Và phần lớn họ đều là kết quả của một quá trình già hóa dân số rất nhanh diễn ra tại Đài Loan trong khoảng 30 năm vừa qua.

Và khi tôi nói về việc cần phải thúc đẩy nghiên cứu về người già ở trên, tôi không chỉ muốn nhắc đến những nội dung nghiên cứu tương đối dễ chịu như việc học của bác Chuang, cô Mai hay cụ già ở Quảng Nam; việc đi làm của vợ bác Chuang hay cụ già ở Singapore hoặc việc đi du lịch của vợ bác Chuang, tôi còn muốn nhắc đến cả những chuyện ít dễ chịu như vấn đề của những người già - vô gia cư như người đàn ông trong bức ảnh này.

Việc khởi động nghiên cứu về người già ngày hôm nay càng bài bản và nghiêm túc bao nhiêu thì những hệ quả tiêu cực của việc già hóa càng được hạn chế bấy nhiêu trong tương lai.

Phạm Hiệp

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/7gtthang__-nhu-cau-cua-nguoi-gia-500680/