Như cánh hoa rơi

Nụ nhài thơm ngát chẳng ở đây/Một nhành hoa dại nhẹ rời cây/Trang hoàng cung thất trăm hương sắc/Muôn phủ hoàng gia đắm xuân đầy...

Một mai bóng nhài hương quay lại,

Đô hội rời xa, cánh hoa rơi

Tạ từ, hoa dại hương man mác

Về chốn thôn quê, khúc hát gầy!

Trong tất cả những câu chuyện gai góc, chuyện của U Thar Kyaw là khó tin hơn cả. Nhưng ông luôn bảo: “Chuyện thật đó nhé. Khin Lay giờ vẫn còn sống ở ngay làng tôi cơ mà”. Trong mịt mờ sương mù tháng ba, câu chuyện ông kể đơn giản nhưng hấp dẫn và giống cổ tích đến lạ. Trong câu chuyện, U Thar Kyaw chẳng tiết lộ tên ngôi làng.

*

* *

Cái sân trước làng là nơi mà hầu như mỗi nhà đều có một giàn bầu. Mỗi tối, lũ con gái trong làng ngồi dưới những giàn bầu đó mà nói chuyện trên trời dưới biển. Người ta kể rằng, Thakin Kyaw Zeya đã gặp Khin Lay ngay dưới giàn bầu đó. Khin Lay chẳng mấy khi ở làng vì cô bận đi học trên phố và thỉnh thoảng mới về quê. Mẹ cô thường bảo: “Dẫu cho con có đi tới bất cứ nơi nào thì cũng hãy trở về đây với bố mẹ”. Thực ra, mẹ Khin Lay luôn nghĩ rằng cô sẽ bỏ nông thôn để ở lại thành phố và đó không phải là nỗi lo vô lý. Mọi người đều ngưỡng mộ sắc đẹp của Khin Lay. Họ bảo rằng cô quá đẹp để ở nông thôn. Mỗi lần nghe thấy ai nói vậy, mẹ cô lại cương quyết lắc đầu: “Sắc đẹp đó sinh ra từ nông thôn thì tại sao lại không thể ở nông thôn? Đừng có để con bé nghe thấy điều này. Tự thân con bé đã mang làn hương thôn dã cơ mà”.

Minh họa: TÔ NGỌC

Minh họa: TÔ NGỌC

Khin Lay muốn trở thành một cô giáo và đó chính là lý do cô ra thành phố học. Trong khi đợi thi tuyển làm giáo viên, cô gặp Thakin Kyaw Zeya. Dưới giàn bầu, lời nói của Thakin như thơ rót vào tâm trí Khin Lay. Tất nhiên là mẹ cô không thích điều đó, không một chút nào! Nhưng đó là cuộc gặp gỡ của số phận và mẹ Khin Lay chẳng có cách nào để phản đối. Việc Thakin Kyaw Zeya mặc áo bông thô tự quay sợi và chiếc xà-rông bằng vải bông ở Pakokku là đủ để thấy anh ta cũng chẳng lạ lẫm gì với nghề nông. Nhưng mẹ Khin Lay vẫn không chắc lắm; bà thấy không an tâm.

Hoa hồng dại mọc thành hàng hai bên con đường đất bụi mù chạy ra khỏi ngôi làng. Chính trên con đường này, Thakin Kyaw Zeya đã đưa cô dâu của mình, Khin Lay, về nhà trên chiếc xe bò kéo. Đó là một buổi sáng rất sớm. Khin Lay ngồi sát bên Thakin, hối hả đi ngược gió. Mùi hoa dại ngòn ngọt ven đường như tiễn biệt. Cô cứ ngoái lại nhìn mãi vào làn sương mù phía sau xem còn thấy bóng dáng lờ mờ ngôi nhà của mẹ hay không. Sương rơi dày quá! Cô quay đi, nước mắt lưng tròng.

Còn mẹ Khin Lay thì không thể ngồi cầu kinh như mọi sớm. Bà cứ đứng trước cửa nhà, trong màn sương mù mịt cho đến khi không còn nghe tiếng bánh xe gõ lên mặt đường nữa mới thôi. Kể từ đó, bà thậm chí còn chẳng bước chân tới gần con đường.

*

* *

Khi tiết trời chuyển sang xuân, cuộc chiến chống Nhật đã bắt đầu. Từ trong khu rừng rậm gần ngôi làng, những cuộc giao tranh với người Nhật đã nổ ra. Nhiều dân làng đã chết, máu còn vương trên đất. Để giúp Thakin Kyaw Zeya tham gia cuộc chiến, Khin Lay đi dạy học để kiếm tiền. Nhiều lần Khin Lay phải đội giỏ lương thực đi ra khỏi làng, qua gốc cây gạo to, vào khu rừng nơi Thakin Kyaw Zeya, U Thar Kyaw và những người khác đang trốn. Cô vào rừng thường xuyên đến nỗi mặt đất nơi gốc cây gạo có thể biến thành một dòng suối.

U Thar Kyaw bảo: “Hãy hỏi cây gạo và mặt đất nơi đó nếu muốn biết Khin Lay đã giúp chồng mình nhiều đến thế nào. Con người còn có thể nói dối, nhưng mặt đất thì không. Nó luôn chứng kiến tất cả những đổi thay theo luật vô thường”.

Ông U Thar Kyaw lại bảo rằng, người ta hay thay đổi lòng dạ khi hoàn cảnh thay đổi còn bản chất của con người thì chỉ có mặt đất này mới biết rõ được. Khi cơn gió nóng tháng ba thổi tung những chiếc lá già nua xơ xác thì cũng là lúc cuộc chiến thổi bạt đi những ác độc của phát xít Nhật. Máu cả hai bên đã đổ xuống mặt đất nhưng chỉ có mặt đất mới biết được đó là máu của những ai. Những bước chân chiến binh tự do lưu dấu khắp nơi trên mặt đất trong những trận đánh và nếu như các sử gia có vô tình bỏ sót bất cứ chiến binh nào thì mặt đất chẳng bao giờ quên.

Khi trăng lên, những cơn gió chẳng còn nóng gắt nữa. Chúng chỉ thổi đều đều từ phía nam lên. Mặt đất rắn đanh và khô nóng chuyển sang nâu mềm. Trong gió, người ta đã nghe mùi mưa và không khí ẩm ướt. Các loài hoa như bừng tỉnh và những vòm cây mướt xanh dưới những cơn mưa. Có tự nhiên không khi cái oi nóng đến khô héo và những thay đổi dữ dội của tháng ba được nối tiếp bởi cái mát lạnh đong đầy trong những cơn mưa sớm? Khi gió mùa tới thì cũng là lúc Khin Lay theo chồng về Yangon. Mẹ cô không đi theo.

Cơn mưa rào buổi sớm khiến mặt đường không còn bụi nữa. Bánh xe giờ lún xuống mặt đất mềm. Lần này mẹ Khin Lay cũng nhìn theo từ cửa nhà. Hai vệt bánh xe cứ kéo dài ra, dài mãi.

U Thar Kyaw và những người đồng đội của ông đi tiễn và chỉ chào tạm biệt khi chiếc xe khuất vào khu rừng nơi rất nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống. Lần đầu tiên Khin Lay không nhìn thấy ngôi làng nữa mà không phải do sương mù mà bởi nước mắt đã đẫm mi.

Bóng cây cao lắc lư như thể nói lời tạm biệt. Cô vẫy tay chào những thảm hoa dại dày hai bên đường, buồn bã khi phải rời xa ngôi làng của mình. Khi đi qua gốc cây gạo, cô chẳng ngẩng nhìn lên.

*

* *

Khin Lay viết thư thay vì về thăm mẹ. Ông U Thar Kyaw phải đọc to những lá thư đó cho bà nghe. Mỗi khi muộn thư, mẹ Khin Lay lại lo lắng, sợ rằng con gái đã quên mình.

Trong một bức thư gửi về, Khin Lay mô tả cuộc sống thế này:

“Ôi mẹ thân yêu của con!

Trước kia con quá bận rộn với việc giảng dạy, giờ lại là việc bếp núc, vì thế con không thường xuyên viết thư cho mẹ được. Ngay lúc này, khi đang viết thư cho mẹ, con phải tạm bỏ dở để vắt nước cam cho Thakin. Anh ấy vừa mới đi chơi tennis về. Ngày nào Thakin cũng chơi tennis để giữ gìn sức khỏe.

Con kể mẹ nghe những thay đổi nhé. Thakin bảo rằng anh ấy thường chơi tennis ở nhà Peggy. Anh ấy và Peggy cùng quê, nhưng trước đây cô ấy chẳng hề để ý tới Thakin vì anh ấy còn nghèo. Nhưng giờ thì cả gia đình cô ấy rất thân thiện với Thakin. Con rất vui vì điều đó.

Vào các buổi chiều, con phải mang cà phê, bánh mì và bơ tới văn phòng cho anh ấy, vì thế trong ngày con không được rảnh rỗi. Con muốn về thăm và gửi tiền cho mẹ nhưng Thakin phải lo tiếp đón nhiều bạn bè nên con phải thường xuyên nấu nướng đãi khách. Con quá bận rộn và chẳng còn mấy tiền”.

Mẹ Khin Lay cười. Bà sống khá hạnh phúc bởi điều quan trọng là tâm trí được thảnh thơi.

Mấy tháng sau đó, Khin Lay viết về thường xuyên hơn.

“Bây giờ con có thể viết thường xuyên hơn vì Thakin ít khi ở nhà. Có lẽ anh ấy đi chơi tennis nhiều hơn. Anh ấy chỉ về nhà khi đã mười hay mười một giờ khuya”.

Mẹ Khin Lay vui vì nhận được thư của con thường xuyên hơn. Nếu con gái mà về thì bà sẽ còn vui biết chừng nào? Nhưng khi lá thư tiếp theo được gửi về thì bà chẳng hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Giọng U Thar Kyaw run run:

“Ôi, mẹ thân yêu của con!

Tháng ba này con sẽ về với mẹ. Mẹ và U Thar Kyaw hãy đợi con trên con đường làng.

Lần này con về và sẽ ở lại luôn với mẹ. Con sẽ không bao giờ rời xa chốn thôn quê nữa.

Mẹ đừng buồn vì con! Thay đổi là tự nhiên của cuộc sống, mẹ biết rõ điều đó mà. Chỉ có con là mắc lỗi. Con đã coi cái vô thường là bất biến”.

Mẹ Khin Lay nắm chặt lấy tay U Thar Kyaw: “Con bé nói gì thế?”.

U Thar Kyaw lắc đầu, đọc tiếp:

“Mẹ biết không, ngày mai chồng con sẽ cưới Peggy. Làm sao con có thể ở lại được chứ? Anh ấy bảo rằng con có quá nhiều khuyết điểm, nhưng lại chẳng nói rõ đó là gì. Có lẽ khuyết điểm của con là không biết mình có những khuyết điểm gì.

Con sẽ trở về mẹ ạ. Mẹ hãy hứa sẽ đợi con trên đường làng nhé.

Mong mẹ vui và mạnh khỏe!

Con gái của mẹ,

Khin Lay”.

Ông U Thar Kyaw ủ rũ nhìn bức thư, nhưng mẹ Khin Lay thì mỉm cười: “Nó đã đúng khi quyết định trở về. Khi yêu nhau, người ta chẳng thể nhìn ra lỗi lầm của người yêu dù nó có to như quả núi, nhưng khi không còn yêu nhau nữa, một lỗi nhỏ cũng sẽ cao như đỉnh Meru. Hãy cầu Phật cho con gái tôi trở về bình an!”.

Mẹ Khin Lay chắp tay mỉm cười, nước mắt ứa ra.

*

* *

Lần đầu tiên mẹ Khin Lay đặt chân lên con đường dẫn ra khỏi ngôi làng kể từ khi con gái bà rời đi nhiều năm trước. Từ trên con đường này con gái bà đã ra đi và cũng chính từ con đường này con gái bà sẽ quay lại.

Cái nắng hoàng hôn đã không còn nóng nữa và trải lên ngọn cây một lớp vàng nhạt. Từ đám cây bụi ven đường, sương đã bắt đầu dâng. Một chiếc xe bò kéo dừng lại dưới gốc cây gạo.

Khin Lay bước xuống xe, chậm rãi đi về phía mẹ. Mẹ Khin Lay ôm cô vào lòng, không thốt lên lời. Khin Lay chỉ thì thào: “Con đã về mẹ ạ!”.

Bà mẹ nắm chặt hai vai con gái: “Hãy hứa với mẹ rằng con sẽ không rời bỏ nơi này!”.

Khin Lay gật đầu, nước mắt lã chã rơi xuống đất, ngay dưới gốc cây gạo. Họ cùng nhau đi về làng.

Ông U Thar Kyaw kể rằng, từ đó dưới gốc cây gạo mọc lên một khóm hoa dại lớn, nhưng ông cũng không hề khẳng định khóm hoa dại đó có mọc lên từ nước mắt của Khin Lay hay không.

Truyện ngắn của Khin Hnin Yu (Myamar) MAI SƠN (dịch)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/nhu-canh-hoa-roi-574816