Nhộn nhịp thị trường xe đạp điện trước mùa tựu trường

Sau một thời gian dài 'trầm lắng', thị trường xe đạp điện ở TP.HCM đã sôi động trở lại bởi nhu cầu mua sắm của phụ huynh và học sinh trước năm học mới tăng cao.

Đến hẹn lại lên…

Với hàng trăm cửa hàng kinh doanh lớn, nhỏ trên địa bàn TP.HCM, dịp tựu trường được xem là “mùa vàng” đối với thị trường xe đạp điện. Thời điểm này, dạo qua một số cửa hàng xe đạp điện trên tuyến phố như Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), Trường Chinh (quận Tân Phú), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)... chúng tôi cảm nhận không khí tấp nập vào ra của các “thượng đế” tuổi học trò và các bậc phụ huynh.

Theo các chủ cửa hàng, dòng xe đạp điện năm nay đa dạng mẫu mã, giá cả rất phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, các mẫu xe lắp ráp sẵn được khách hàng chọn mua, đặc biệt là những sản phẩm thương hiệu Việt Nam chất lượng cao và những nhãn hàng liên doanh với nước ngoài lắp ráp trong nước cũng được ưa chuộng.

Xe đạp điện đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng

Theo anh Nguyễn Văn Hùng - chủ cửa hàng xe đạp điện (trên đường Trường Chinh), giá mua một xe đạp điện không quá đắt so với túi tiền của đông đảo người dân, phổ biến ở mức 5 - 19 triệu đồng/xe. Cụ thể, dòng xe điện M133 Sport 2018 được bán với giá 7,3 triệu đồng/chiếc, xe đạp điện Juno Yadea bán với giá, 9,8 triệu đồng/chiếc; dòng xe đạp điện Ninja của Nhật được bán với giá từ 9 - 11 triệu đồng/chiếc; đối với dòng xe đạp điện Samurai DK được bán với giá từ 7 - 10 triệu đồng/chiếc, đối với dòng cao cấp như xe đạp điện Bridgestone SLI48 được bán với giá từ 15 - 19 triệu đồng/chiếc...

Anh Hùng cho biết thêm, một vài tháng cận kề năm học mới 2018- 2019, tại hầu hết các cửa hàng chi nhánh trên địa bàn TP.HCM, lượng tiêu thụ mặt hàng xe đạp điện đều tăng đột biến. Trong tháng 6 và những ngày tháng 7 vừa qua, lượng hàng bán ra được từ 170-230 chiếc, tăng lên từ 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dòng xe HKBike là một trong những dòng xe mới rất được khách hàng ưa chuộng bởi nó có rất nhiều ưu điểm vượt trội. Đầu tiên phải kể đến là pin. Pin được thiết kế theo công nghệ lithium nên có thể đi quãng đường dài nhất so với những dòng xe khác. Ngoài ra, dòng xe HKBike còn được thiết kế với 5 màu để khách hàng lựa chọn là đen - đỏ, đỏ - trắng, trắng, xanh lá cây và xanh tím than. Hiện tại, mỗi chiếc xe có giá bán từ 9 - 14 triệu đồng”, anh Hùng cho hay.

Vừa tậu một chiếc xe đạp điện cho con gái, anh Trần Thành Công chia sẻ: "Con gái tôi năm nay học lớp 12. Để cháu đạp xe đi lại hàng cây số mỗi ngày, tôi rất lo lắng cho sức khỏe của con, mà con bé cũng chưa đủ tuổi để được đi xe máy. Qua sự giới thiệu của người quen, tôi đã mua cho con một chiếc xe đạp điện. Xe sử dụng pin đi được quãng đường xa, giúp cho việc đi lại của con thuận tiện hơn, và gia đình cũng bớt lo lắng".

Thận trọng với hàng nhái

Theo tiết lộ của chính dân kinh doanh sản phẩm này thì có tới 60% xe đạp điện bày bán trên thị trường là hàng không chính hãng.

Anh Nguyễn Bá Hiệp ở quận 3, chuyên nhập hàng xe đạp điện về các tỉnh lân cận TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm mua xe. “Khi xem xét các thông tin khuyến mại, người mua phải chú ý xem cửa hàng có cắt giảm linh kiện, cắt giảm các chính sách khuyến mại, bảo hành… hay không. Nhiều cửa hàng vin vào cớ là hàng khuyến mại giảm giá nên tự ý cắt bỏ bảo hành hoặc giảm ngắn thời gian bảo hành xuống chỉ còn vài tháng”, anh Hiệp nói.

Theo anh Hiệp, khách không nên mua những chiếc xe đạp điện như thế bởi đa số chúng đã bị đánh tráo linh kiện hoặc là hàng Trung Quốc trôi nổi được “mông má” lại.

Hiện nay, những hãng nổi tiếng về xe máy như Honda, Yamaha đều có các dòng xe đạp điện chính hãng. Nhưng giá của các dòng xe này rất cao. Do vậy, nhiều xe nhái từ Trung Quốc có thiết kế giống các hãng lớn này và được gắn nhãn khiến người dùng lầm tưởng là mua xe chính hãng. Mức giá của các dòng xe “nhái” này chỉ giao động trên dưới 8 triệu đồng, trong khi đó hàng chính hãng nếu được phân phối thì giá phải tới 17- 25 triệu đồng/ chiếc chứ không rẻ như nhiều người lầm tưởng.

Nhiều xe đạp điện bị đánh tráo linh kiện hoặc là hàng Trung Quốc trôi nổi được “mông má” lại

Còn anh Hưng - Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu xe điện tại quận Tân Phú, cho hay đa số xe đạp điện nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay đều được dán nhãn hiệu của các tên tuổi lớn, như Honda, Yamaha, Bridgestone, Giant...

Đây đều là những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Đài Loan... nhưng thực chất đa phần những sản phẩm này đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Trong số đó có những sản phẩm do các nhà máy của Yamaha, Honda đặt tại Trung Quốc sản xuất nhưng cũng có những sản phẩm do những cơ sở khác làm giả.

"Chất lượng xe đạp điện giả rất kém ở 3 bộ phận quan trọng đó là ắc quy (hoặc là pin), động cơ và bộ điều khiển. Ắc quy hay pin có chất lượng kém sẽ nhanh bị sụt điện, làm cho quãng đường đi ngắn hơn và xe không đạt công suất mong muốn. Động cơ điện chất lượng kém làm cho xe có công suất yếu hay trục trặc, dễ bị ngấm nước khi gặp trời mưa to, đường ngập sâu. Bộ điều khiển sử dụng các thiết bị điện tử thiếu chính xác, không đáng tin cậy", anh Hưng nói.

Theo giới kinh doanh, bên cạnh xe thật thì có rất nhiều xe đạp điện giả, nhái tràn ngập ngoài thị trường

Theo anh Hưng, chất lượng kém sẽ khiến cho tuổi thọ của xe giảm dù có thường xuyên bảo hành hay thay thế các linh kiện. Nếu xe thật có thể sử dụng tốt trong 3 năm thì xe giả chỉ khoảng 1-1,5 năm.

Hơn nữa, giá nhập khẩu xe đạp điện giả rẻ chỉ bằng 2/3 so với xe đạp điện thật, tuy nhiên về Việt Nam, xe đạp điện giả được bán ra tương đương với giá xe thật. Những người bán xe đạp điện giả thường tham khảo giá bán xe đạp điện thật cùng thương hiệu để đưa ra giá bán cho mình. Làm như vậy sẽ vừa thu lợi lớn lại vừa đánh lừa được người tiêu dùng.

Để người tiêu dùng không phải mua nhầm hàng giả, anh Hưng khuyến cáo, xe đạp điện thật thường dập nổi thương hiệu của nhà sản xuất trên động cơ (ở mayơ bánh sau xe). Những xe giả hiện nay phần lớn không có. Xe thật đều có phiếu tiêu chuẩn chất lượng, trên mỗi dòng ghi các thông tin như tên xe, loại xe, thông số kỹ thuật... có đóng dấu của nhà sản xuất. Người tiêu dùng nên tham khảo các mẫu xe chính hãng thông qua các trang web trước khi đi mua xe.

PHẠM ĐỨC

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/nhon-nhip-thi-truong-xe-dap-dien-truoc-mua-tuu-truong-8602.html