Nhộn nhịp thị trường cà phê hòa tan

Thị trường cà phê hòa tan Việt Nam vừa chứng kiến cùng lúc 2 DN lớn vốn là 'kẻ ngoại đạo' trong ngành cà phê gia nhập thị trường là Vinamit với sản phẩm cà phê sấy và Nutifood với Nuticafe – cà phê sữa đá. Đây là minh chứng cho thấy, sức hấp dẫn của thị trường cà phê hòa tan với rất nhiều tiềm năng và cơ hội.

Nhiều thương hiệu mới gia nhập thị trường giúp hạt cà phê Việt Nam có cơ hội gia tăng giá trị. Ảnh: N.Hiền.

Sản phẩm theo "gu" của người tiêu dùng

Ông Lê Nguyên Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT NutiFood, thừa nhận thị trường cà phê hòa tan ở Việt Nam hiện đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu lớn, lâu năm cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi quyết định bước chân vào lĩnh vực này, Nutifood đã chấp nhận đương đầu với tất cả. Theo đó, công ty đã tận dụng lợi thế của công nghệ mới và nội lực R&D (nghiên cứu và phát triển) nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế về một sản phẩm chất lượng, đảm bảo vị tươi ngon, thuận tiện trong thời đại công nghiệp.

Ông Hòa tỏ ra tự tin về sức cạnh tranh của sản phẩm Nuticafe – cà phê sữa đá nhờ vào công nghệ trích ly, cô đặc lạnh cà phê tươi hiện đại, nhờ đó dù là cà phê hòa tan nhưng hương vị tương tự như cà phê rang xay pha phin với sữa đặc có đường. Theo đó, công ty kỳ vọng sẽ thu hút được các khách hàng sử dụng café rang xay chuyển sang Nuticafe sữa đá tươi vì tình tiện lợi và đúng “gu”.

Trong khi đó, Công ty Vinamit lại cho ra đời một sản phẩm lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường, đó là cà phê tươi sấy khô được chế biến từ loại cà phê tươi, pha chế và đông khô thành bột, giữ nguyên màu và mùi vị. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit chia sẻ, công nghệ đông khô giúp giữ và kéo dài 100% chất lượng sản phẩm ở thời điểm ngon nhất. Đồng thời, có thể lưu trữ ở điều kiện bình thường trong thời gian dài.

Với sự tham gia của ngày càng nhiều thương hiệu mới, người tiêu dùng sẽ có cơ hội lựa chọn nhiều sản phẩm đa dạng. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với sự gia tăng sức ép cạnh tranh giữa các DN trong cuộc chiến giành thị phần. Việc phát triển ra sản phẩm mới, khác biệt và đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng luôn là bài toán khó cho mỗi doanh nghiệp.

Mới đây, Công ty Nestle Việt Nam cũng đã khánh thành nhà máy sản xuất viên nén Nescafe Dolce Gusto tại tỉnh Đồng Nai. Được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 10 năm 2015, dòng sản phẩm cà phê viên nén cao cấp sử dụng máy pha cà phê thương hiệu NESCAFÉ Dolce Gusto đã được đông đảo người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng. Việc sản phẩm viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto được sản xuất tại Việt Nam sẽ góp phần đáp ứng hơn nữa nhu cầu nội địa, giúp người tiêu dùng Việt Nam thưởng thức cà phê cao cấp với giá cả hợp lý. Đại diện Nestle cho biết, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục giới thiệu những sản phẩm cà phê mới đa dang phù hợp với khẩu vị và gu thưởng thức cà phê của người tiêu dùng Việt Nam.

Dư địa tăng trưởng cao

Theo khảo sát của BMI Research, lượng tiêu thụ cà phê của Việt Nam vào cuối năm 2017 đã đạt mức 1,38kg/người/năm và sẽ tiếp tục tăng lên 2,6 kg/người/năm vào năm 2021. Riêng thị trường cà phê hòa tan được dự báo (từ năm 2018 về sau) sẽ đạt đến 7.000 tỷ đồng/năm, với mức tăng trưởng từ 8% - 10%/năm trong tổng cầu của thị trường cà phê Việt vào khoảng 20.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng to lớn của thị trường cà phê hòa tan.

Sau gần 1 tháng ra mắt, ông Nguyễn Lâm Viên vui mừng cho biết hiện sản phẩm cà phê sấy của Vinamit đang được thị trường đón nhận rất nhiệt tình. Hiện nhà máy sản xuất cà phê sấy của Vinamit tại Bình Dương có công suất 600 kg/ngày nhưng gần như sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Trong đó, hầu hết được xuất khẩu đi Mỹ, chỉ một phần nhỏ được bán tại cửa hàng của Vinamit và kênh online nhằm thăm dò thị trường. Theo định hướng của ông Viên, trước tiên Vinamit sẽ đưa sản phẩm xuất khẩu đi các thị trường lớn để khẳng định chất lượng và thương hiệu rồi sau đó mới quay về chinh phục người tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, Công ty Nutifood đặt mục tiêu trước mắt là thâm nhập tất cả các điểm bán, từ kênh siêu thị đến các tiệm tạp hóa thông thường, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm và mua cà phê sữa đá tươi Nuticafe một cách đơn giản, dễ dàng và thuận tiện nhất. Tiếp đó, công ty sẽ hướng đến xuất khẩu với mong muốn đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam đi ra thế giới. Tương tự, Công ty Nestle cũng cho biết, khoảng 90% sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền Nescafe Dolce Gusto sẽ được xuất khẩu tới các thị trường như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Hong Kong, Đài Loan, Indonesia và các thị trường khác.

Những điều này mở ra cánh cửa sáng cho người nông dân trồng cà phê Việt Nam nói riêng và ngành cà phê Việt Nam nói chung khi hạt cà phê Việt Nam sẽ có đầu ra ổn định ngay tại thị trường trong nước. Đồng thời, sản phẩm cà phê xuất khẩu cũng sẽ từng bước chuyển từ đóng bao (xuất thô) sang đóng gói (sản phẩm chế biến sâu) với giá trị gia tăng cao hơn. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Bộ Nông nghiệp đến năm 2020 là tỷ lệ cà phê chế biến thành phẩm cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu chiếm hơn 25% trong tổng sản lượng cà phê nhân, so với tỷ lệ khoảng 10% hiện nay.

Cụ thể, viên nén Nescafe sử dụng nguyên liệu thô hoàn toàn từ hạt cà phê Việt Nam chất lượng cao. Hiện Nestle vẫn giữ vững vị trí là nhà thu mua cà phê hàng đầu tại Việt Nam với sản lượng thu mua mỗi năm từ 20-25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam. Từ năm 2011, công ty đã triển khai dự án Nescafe Plan nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng hạt cà phê nhân xuất khẩu, đồng thời công ty cũng không ngừng đẩy mạnh hoạt động chế biến và sản xuất cà phê thành phẩm. Dây chuyền sản xuất Nescafe Dolce Gusto vừa đi vào sản xuất có công suất khoảng 2.500 tấn cà phê/năm (tương đương 130 triệu viên) và dự kiến sẽ mở rộng thêm trong các năm tới.

Tương tự, Nutifood cũng đã đầu tư vào nông trường cà phê Phước An (Đắk Lắk) để có được nguồn cà phê nguyên liệu chất lượng cao. Nguyên liệu cho sản phẩm cà phê sấy của Vinamit cũng cũng được thu mua từ các nông trường chất lượng cao tại Quảng Trị, Lâm Đồng…

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 8 tháng năm 2018, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,3 triệu tấn, trị giá trên 2,5 tỷ USD, tăng 16,5% về lượng nhưng giảm 1,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Theo dự báo của Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa), Việt Nam sẽ xuất khẩu được 1,5 triệu tấn cà phê trong niên vụ 2017 - 2018, với kim ngạch đạt khoảng 3 tỷ USD. So với vụ trước, xuất khẩu cà phê tăng 0,8% về khối lượng nhưng lại giảm 10,5% về giá trị do giá cà phê nhân đang ở mức thấp.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhon-nhip-thi-truong-ca-phe-hoa-tan.aspx