Nhộn nhịp lò bánh ú tro 'nức tiếng' Hội An

Trên mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người Quảng Nam – Đà Nẵng ngoài hoa quả, xôi, chè, rượu nếp thì một sản vật không thể thiếu là bánh ú tro.

Cứ đến hẹn nhà chị Tý lại nhộn nhịp người đến gói phụ bánh

Đã bao nhiêu năm trôi qua, cứ đến đầu tháng 5 là nhà chị Lê Thị Tý (Phương Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam) lại nhộn nhịp người ra vào. Trong nhà lúc nào cũng náo nhiệt bởi tiếng nói, cười. Đây là gia đình làm bánh ú tro truyền thống nức tiếng tại phố Hội.

Cô Dư Thị Anh (64 tuổi) vừa gói bánh vừa chia sẻ, đến hẹn lại lên, không cần chị Tý phải gọi nhắc, cứ đến ngày 2/5 (Âm lịch) là Cô lại qua đây gói bánh ú tro. “Đã qua hơn 40 năm rồi, năm nào cũng thế, từ đời bố mẹ của cái Tý cơ. Mãi rồi thành quen, vừa là nghề phụ của mình, nhưng cũng là niềm vui và có thêm thu nhập.” Cô Anh cho biết bánh ú tro phục vụ cho Tết Đoan Ngọ mỗi năm gói 1 lần, bắt đầu từ ngày 2/5 đến hết ngày 4/5 (Âm lịch). Việc gói bánh sẽ bắt đầu từ khoảng một, hai giờ sáng đến xế chiều cùng ngày. Đã thạo việc, mỗi mùa bánh, cô gói được khoảng 4.500 – 5.000 chiếc bánh ú.

Chị Lê Thị Tý vừa gói bánh vừa chia sẻ qui trình làm ra 1 chiếc bánh ú tro

Bánh ú tro nhìn bề ngoài rất đơn giản, nhưng làm ra một chiếc bánh không phải dễ dàng. Chị Lê Thị Tý chia sẻ: “Nhìn nhỏ vậy chứ, của một đồng, công hẳn 1 lượng đấy.” Chị Tý cho biết, mỗi mùa bánh có khoảng 10 người đến gói bánh ú tro, và cũng toàn là người trong xóm. Mỗi người 1 việc, người cắt rửa lá, người sắp lá, người gói bánh, người cột bánh, người tiếp nguyên liệu….Để làm 1 chiếc bánh qua rất nhiều công đoạn như từ chuẩn bị nguyên liệu, đến gói bánh, đến luộc và cuối cùng là ra thị trường đến tay người dùng.

Bánh ú tro được làm từ gạo nếp quê ngâm với tro đã được lọc sạch lấy nước. Nếp sau khi ngâm có màu hơi ngả vàng. Lá dùng để dói bánh là lá kè (lá cây đót) được đặt mua từ Phước Sơn (Quảng Nam), lá được luộc qua, cắt gọn. Bánh ú tro có 2 loại không nhân và có nhân (đậu xanh). Bánh sau khi gói sẽ được đem đi nấu. Thời gian để cho nếp đủ nhừ và hòa quyện với tro và màu lá khoảng 6 tiếng. Sau đó, được vớt để ráo. Bánh ú tro ngon nhất là được chấm với đường mật.

Tờ mờ sáng mùng 5/5 (Âm lịch) là thời gian nhà chị Tý nhộn nhịp nhất. Bởi đây là thời gian vớt mẻ bánh cuối cùng để giao cho các bạn hàng để kịp bán cho người dân mua về cúng. Mỗi mùa bánh, lò bánh ú tro nhà chị Tý đưa ra thị trường khoảng 30.000 chiếc bánh. Và thường trong tình trạng “cháy hàng”. “Bạn hàng truyền thống năm nào cũng đặt, cũng có những tiểu thương mới nghe tiếng tìm đến, rồi bà con lối xóm cũng đặt mua. Không có sức mà làm thôi chứ làm ra thì bao nhiêu cũng được đặt mua hết.” Chị Tý chia sẻ. Bánh ú tro theo những thương lái đi khắp các chợ tại Hội An và ra thành phố Đà Nẵng. Mỗi gia đình người Quảng Nam – Đà Nẵng thường mua khoảng bốn chục đến năm chục bánh để cúng gia tiên.

Bánh ú tro - sản vật không thể thiếu ở mâm cúng Tết Đoan Ngọ của người Quảng Nam - Đà Nẵng

Lúi húi treo bánh lên xe, cô Thương (còn gọi là dì Sáu) - ở tổ 6, khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu nói: “Nhà này làm bánh lâu rồi, bánh ở đây thơm, ngon, sạch, nên năm nào Cô cũng ghé mua.”. Năm nay, cô Thương mua 250 cái bánh ú, để cũng ông bà, tổ tiên một ít, còn lại biếu bà con, cho con cái mỗi người 1 ít để cúng. “Hồi xưa cô cũng từng tham gia gói bánh ở đây đó chớ, bây chừ có tuổi rồi nên nghỉ thôi, cũng nhớ nghề lắm.”.

Sau mỗi mùa bánh, trung bình mỗi người tham gia làm bánh thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng. Riêng gia đình chị Tý, trừ mọi chi phí gia đình chị thu nhập được từ 7 – 8 triệu đồng.

“Nghề của gia đình mình bao đời truyền lại rồi. Mình cứ làm thôi, đến đời con mình thì không biết, nhưng đời mình còn làm được thì cứ làm. Làm bao nhiêu mùa rồi, vậy mà cứ đến gần mùa làm bánh lòng lại chộn rộn như ngày đầu, vẫn cứ háo hức như vậy.” Chị Tý bộc bạch.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nhon-nhip-lo-banh-u-tro-nuc-tieng-hoi-an.html