Nhóm Visegrad phá vỡ châu Âu không biên giới

Nhóm bốn nước Visegrad kiên quyết cự tuyệt những người di cư vì đằng sau họ là tương lai của châu Âu.

Ảnh: Alkis Konstantinidis / AP

Ảnh: Alkis Konstantinidis / AP

Sự khoan dung, tôn trọng đa văn hóa, sự ôn hòa tối đa và mềm dẻo trong các quyết định chính trị là những thuộc tính không thể thiếu của một châu Âu hiện đại.

Nhưng trên thực tế, tình hình đã trở nên phức tạp hơn nhiều: Có nhiều quốc gia trong Liên minh châu Âu hiện không thể đáp ứng các tiêu chí này.

Họ cũng không thoát khỏi chủ nghĩa dân tộc, và dân chúng đang đồng loạt chống lại việc tiếp nhận người tị nạn. Xu hướng này ngày càng có ảnh hưởng nhiều hơn và có thể đó chính là hình ảnh của châu Âu trong tương lai gần.

Tháng 11/1335, thành phố Visegrad của Hungary sôi lên sùng sục: các vị vua của Séc, Hungary và Ba Lan đã tề tựu trong tòa lâu đài cổ, tọa lạc trên ngọn đồi nhìn xuống dòng sông Danube.

Các vị vua này muốn thỏa thuận với nhau, hợp tác chống lại triều đại Habsburg hùng mạnh và thiết lập nhiều tuyến đường thương mại có lợi, nhằm qua mặt Vienna.

Các cuộc đàm phán được tổ chức với một quy mô lớn - những người tham gia cuộc họp mặt này đã uống hết 180 thùng rượu, ăn hết 2,5 nghìn ổ bánh mì.

Kết quả chính trị cũng rất ấn tượng: một liên minh dài hạn đã được khởi xướng, và liên minh này vẫn còn ảnh hưởng đến chính trị châu Âu cho tới tận ngày nay.

Bảy thế kỷ rưỡi trôi qua, đại diện của các quốc gia nói trên gồm Tổng thống Ba Lan Lech Walesa, Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel và Thủ tướng Hungary Jozsef Antal đã gặp nhau tại chính thành phố này, tạo nên cái gọi là tam giác Visegrad. Cả ba quốc gia này đều là thành viên của Khối Hiệp ước Warsaw và đều trải qua sự sụp đổ của hệ thống các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, không chỉ điều này thống nhất họ lại với nhau: một trong những mục đích lập nên nhóm này là mong muốn sớm hội nhập vào cộng đồng châu Âu. Tiệp Khắc đã phân chia thành Cộng hòa Séc và Slovakia, và tam giác Visegrad đã trở thành nhóm Visegrad. Năm 2004, cả bốn quốc gia này đã gia nhập Liên minh châu Âu.

Ngay từ đầu, các nước này đã không phát triển như nhận định của các chuyên gia. Nhà triết học, đồng thời là nhà xã hội học người Đức Jurgen Habermas đã lập luận rằng toàn cầu hóa cuối cùng đã mở rộng các bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, các nước vốn thuộc khối XHCN ở Trung Âu trước đây đã chống lại lý thuyết của ông ta và lập ra một đường lối riêng cho mỗi quốc gia.

Visegrad Ảnh: Civertan Grafik / Wikimedia

Đã đến lúc người di cư phải quay về nhà

"Tôi không muốn có cộng đồng Hồi giáo ở Slovakia. Tôi không muốn có hàng chục ngàn người Hồi giáo có mặt ở đây và đang dần phát triển ý thức hệ của họ.

Chúng tôi không muốn thay đổi truyền thống đã được xây dựng trên nền tảng Cơ đốc giáo của đất nước mình. Vì điều đó đã được hình thành trong nhiều thế kỷ.

Chủ quyền và lòng tự hào dân tộc là quan trọng đối với liên minh cầm quyền của chúng tôi. Chúng tôi buộc phải bắt đầu nói lên sự thật về vấn đề người di cư”- ông Robert Fico, thủ tướng Slovakia, quốc gia đang phải đối mặt với dòng người tị nạn, lên tiếng.

Trong 2 năm 2015-2016, đã có hơn 2,5 triệu người di cư từ Syria, Pakistan, Iraq và các nước Hồi giáo khác vượt qua biên giới EU. Trong năm 2017, đã có thêm 700 nghìn người nữa.

Họ đã đến châu Âu bằng đường biển hoặc đường bộ. Những vị khách không mời (chủ yếu là nam giới) yêu cầu được cư trú tại EU. Nhiều người trong số họ đã đạt được những gì họ mong muốn.

Nhưng 4 nước trong nhóm Visegrad ngay từ đầu đã giữ lập trường không nhân nhượng: chính phủ các nước này đã từ chối, không cho những người nhập cư vào lãnh thổ của họ, dù đây là hạn ngạch do thỏa thuận Brussels (Bỉ) phân chia.

Hungary đã cho dựng một hàng rào dây thép gai ở biên giới phía Nam, sau khi 400 ngàn người tị nạn vượt qua lãnh thổ của họ để sang Đức.

Các nước khác cũng thắt chặt kiểm soát biên giới, phá vỡ toàn bộ khái niệm một "Châu Âu không biên giới", do Liên minh châu Âu xây dựng từ lâu.

Nhìn vào mức độ gia tăng tội phạm, quấy rối và các cuộc tấn công khủng bố, "Những người anh em thuộc nhóm Veshegrad" đã gọi chính sách nhập cư của EU hiện nay là hành động tự sát.

Trong những năm khủng hoảng về người di cư, mỗi quốc gia này chỉ chấp nhận không quá vài trăm người di cư, và chính quyền Séc thậm chí còn tuyên bố rằng họ chỉ chấp nhận những người theo đạo Thiên chúa.

Những hành động và tuyên bố như vậy đã gây ra sự tức giận ngay trong chính cộng đồng châu Âu tiến bộ. Một ý kiến điển hình của giới trí thức phương Tây được thể hiện trong lời nói của Jean-Michel de Val, Trưởng Khoa Xã hội học của Đại học Tự do Brussels.

Ông cho rằng, quan điểm của các nhà lãnh đạo nhóm Visegrad "làm dấy lên tư tưởng thù địch, bài ngoại và mang nặng chủ nghĩa dân tộc"

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nhom-visegrad-pha-vo-chau-au-khong-bien-gioi-3358228/