Nhóm trẻ tư thục khu công nghiệp: Khi ngân sách hỗ trợ dạy và học

TPHCM có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) đang hoạt động với tổng số lao động nữ gần 180.000 người. Ngoài sự nỗ lực của cơ sở GD công lập, nhóm trẻ độc lập, tư thục đã góp phần rất lớn giải quyết nhu cầu trông giữ trẻ của người dân, nhất là con em công nhân. Vì thế, thời gian qua, UBND TPHCM đã rất quan tâm hỗ trợ nhóm trẻ này.

Được thành phố hỗ trợ, chất lượng nuôi dạy của các nhóm trẻ độc lập, tư thục sẽ tốt hơn.

Quan tâm hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, hiện TP có hơn 1.200 trường mầm non và gần 2.000 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục với 400.000 trẻ theo học. Trong đó, các nhóm trẻ tư thục chiếm 70%. Việc quản lý và hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ này luôn được TPHCM quan tâm, nhất là ở các KCN, KCX thông qua đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN- KCX đến năm 2020”.

Theo đó, ngân sách TP chi hơn 2,1 tỷ đồng để hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ, ngoài ra còn có hơn 1,6 tỷ đồng tiến hành lắp đặt camera tại 60 nhóm trẻ. Như vậy, tổng kinh phí thực hiện đề án nói trên là hơn 3,8 tỷ đồng, thực hiện ở các quận gồm: 2, 7, 12, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân và 3 huyện gồm Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè. Trong đó, địa phương có số lượng nhóm trẻ tham gia đề án nhiều nhất là quận Thủ Đức (12 nhóm), Tân Phú (11 nhóm), Tân Bình (9 nhóm), Nhà Bè (8 nhóm)...

Bà Lý Thị Sương, Phó trưởng Phòng GD Mầm non, Sở GD&ĐT cho biết, để thực hiện đề án, Sở đã khảo sát các KCN, KCX trên địa bàn và chọn ra 60 nhóm trẻ, độc lập tư thục cần hỗ trợ. Tính đến đầu tháng 11, các công tác về bàn giao đồ dùng học tập ở các nhóm trẻ đã hoàn tất. Còn việc khảo sát, gắn camera sẽ hoàn tất trong tháng 11 này.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT chia sẻ thêm, việc hỗ trợ gắn camera các nhóm trẻ không phải để theo dõi các nhóm mà là giúp các chủ nhóm, các cơ sở ở đây quản lý hoạt động cơ sở của mình tốt hơn nhằm bảo đảm chất lượng chăm sóc trẻ tốt hơn. Vị trí gắn camera là hành lang, góc khuất, sân chơi, cổng ra vào…

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP chia sẻ: Với áp lực gia tăng dân số của địa bàn, các cơ sở công lập không thể đáp ứng hết nhu cầu của người dân, vì thế các nhóm trẻ tư thục, độc lập ở các KCX, KCN đã góp phần giải quyết nhu cầu học tập của con em người dân, nhất là con em công nhân. Vì vậy, ngành rất hoan nghênh và mong muốn các cơ sở quan tâm đến chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ.

Để đề án nói trên thực hiện có hiệu quả, Sở cũng đề nghị phòng GD&ĐT các quận, huyện khảo sát kĩ về nhu cầu gắn camera của các nhóm trẻ. Đơn vị nào đã gắn rồi thì không cần gắn nữa mà cần tích hợp vào để bảo đảm đường truyền chất lượng. Đồng thời, các Phòng GD&ĐT, UBND xã, phường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhóm này phát triển, góp phần trông giữ trẻ cho con em ở các KCX, KCN.

 Nhóm trẻ độc lập, tư thục đã góp phần rất lớn giải quyết nhu cầu trông giữ trẻ của người dân. Ảnh minh họa/ INT

Nhóm trẻ độc lập, tư thục đã góp phần rất lớn giải quyết nhu cầu trông giữ trẻ của người dân. Ảnh minh họa/ INT

Mong muốn đề án tiếp tục được nhân rộng

Việc các nhóm trẻ được hỗ trợ lắp đặt camera, hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi khiến các phụ huynh có con theo học tại các nhóm trẻ này vô cùng phấn khởi. Họ hi vọng TP sẽ tiếp tục nhân rộng thêm. Bà Phạm Thị Hoa, Chủ nhóm trẻ Hoa Trà, quận Bình Tân cho biết: Được chọn tham gia đề án, khi nhận được đồ chơi và hỗ trợ gắn camera giáo viên, phụ huynh ai cũng rất vui, an tâm bởi nó sẽ góp phần giúp cơ sở chăm sóc trẻ tốt hơn. Điều này thể hiện sự quan tâm của TP và cơ sở sẽ cam kết bảo quản thật tốt.

Từ ý kiến của các nhóm trẻ, Sở GD&ĐT cũng cho biết thêm, sau khi triển khai việc lắp đặt gắn camera ở các cơ sở GD, Sở sẽ có đánh giá mô hình này và báo cáo UBND TPHCM trước khi triển khai nhân rộng.

Tính đến tháng 10/2019 đã có 3 nhóm trẻ trong tổng số 60 nhóm giải thể vì một vài lý do. Vì vậy, chúng tôi cũng yêu cầu các nhóm trẻ tham gia đề án cam kết hoạt động từ 3 - 5 năm. Nếu nhóm nào vì lý do gì phải dừng hoạt động, Sở sẽ thu hồi đồ dùng, đồ chơi, camera để lắp đặt và trang bị cho các đơn vị khác tham gia đề án.

Bà Lý Thị Sương, Phó trưởng Phòng GD Mầm non, Sở GD&ĐT

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM TP đang triển khai 18 dự án xây trường mầm non cho con em công nhân, trong đó 9 dự án do ngân sách TP đầu tư, 9 dự án nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp để giải bài toán hỗ trợ con em công nhân học tập.

Khó khăn của các cơ sở công lập ở các địa bàn có KCN, KCX là triển khai giữ trẻ ngoài giờ theo ca kíp của công nhân (giữ trẻ đến 19 giờ và ngày thứ Bảy hàng tuần). Kèm theo đó, sự gia tăng của dân số nhanh, sự phát triển của các KCN, KCX đòi hỏi lượng công nhân, nhất là công nhân nữ gia tăng hàng năm, việc phát triển về mặt chất lượng các nhóm trẻ độc lập tư thục vẫn được TP quan tâm, ưu tiên.

Vì vậy, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP, thời gian tới, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn phòng GD&ĐT 10 quận, huyện tham gia Đề án nói trên quan tâm nhiều hơn đến việc cấp phép, quản lý và kiểm tra tình hình hoạt động của các nhóm trẻ, qua đó góp phần tạo niềm tin cho người dân trên địa bàn. Sở cũng sẽ đánh giá tổng kết việc thực hiện đề án và có tham mưu cho UBND TPHCM để xem xét việc mở rộng hỗ trợ các nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX.

Ngày 7/12/2018, HĐND TPHCM đã thông qua tờ trình về quy định mức hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho các nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN-KCX tại TPHCM. Theo đó, đối với nhóm trẻ cần hỗ trợ nâng chất lượng (99 nhóm), mức hỗ trợ tối đa là 34,7 triệu đồng/nhóm trẻ; đối với nhóm trẻ cần hỗ trợ kiện toàn (6 nhóm), mức hỗ trợ tối đa là 78,6 triệu đồng/nhóm trẻ. Bên cạnh đó, TPHCM sẽ hỗ trợ lắp 315 camera cho tất cả 105 nhóm trẻ nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ. Tổng kinh phí thực hiện trên 3,2 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện các công việc trên trích từ nguồn ngân sách thành phố, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Sở GD&ĐT.

Thảo Nguyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhom-tre-tu-thuc-khu-cong-nghiep-khi-ngan-sach-ho-tro-day-va-hoc-4046274-b.html