Nhóm thanh, thiếu niên cướp 8 con gà bị xử lý ra sao?

Sau cuộc nhậu, nhóm trai làng cầm hung khí đến nhà dân đe dọa, bắt 8 con gà để nướng ăn. Công an đã khởi tố 5 bị can để điều tra hành vi cướp tài sản.

Ba trong số 5 thanh niên bị khởi tố vì cướp gà.

Ba trong số 5 thanh niên bị khởi tố vì cướp gà.

Lên kế hoạch cướp gà để... nướng

Công an huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 thanh niên về hành vi cướp tài sản.

Nhóm đối tượng bị khởi tố gồm: Kpuih Tương (25 tuổi), Kpuih Thoan (15 tuổi, cùng trú tại làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ); Siu Si Mít (17 tuổi), Rơ Châm Thuin (18 tuổi, cùng trú tại làng Chan, xã Ia Pnôn); Rơ Mah Tương (20 tuổi, trú tại làng Sung Kép, xã Ia Kla).

Theo thông tin ban đầu, khoảng 1h30 ngày 13/6, sau khi ăn nhậu cùng nhau, Tương rủ đồng bọn cầm theo hung khí gồm nhiều dao, gậy, gạch đến nhà anh Đỗ Văn Q. ở tổ dân phố 7, thị trấn Chư Ty để trộm gà.

Và nhóm đối tượng đã tiếp cận đến khu vực nhốt gà của gia đình anh Q. nghe tiếng động vợ chồng anh Q.N. thức dậy ra chuồng gà và phát hiện có nhiều đối tượng đang có ý định trộm cắp. Thấy có người, nhóm đối tượng dùng dao, gậy đe dọa chủ không được báo công an, nếu không sẽ chém chết cả nhà. Sau đó, các đối tượng bắt 8 con gà với tổng trọng lượng khoảng 23kg rồi bỏ đi.

Ngày 14/6, Công an huyện Đức Cơ đã tiến hành bắt giữ Tương. Tại cơ quan công an, Tương khai nhận sau khi cướp được 8 con gà đã đến một bãi đất trống thịt toàn bộ số gà trên để nướng ăn. Sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ các đối tượng còn lại trong nhóm cướp 8 con gà này.

Đủ yếu tố cấu thành tội Cướp tài sản

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng mất khả năng chống cự nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.

Hành vi chiếm đoạt là hành vi mong muốn dịch chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình trái pháp luật và trái ý chí của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

Vị luật sư phân tích thêm, đối với tội Cướp tài sản, khách thể của tội phạm bao gồm cả quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân. Nói cách khác, tội Cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, nhưng khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản (dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản). Nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội Cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của tội này, nếu chỉ xâm phạm đến một trong hai quan hệ xã hội thì chưa phản ảnh đầy đủ bản chất của tội Cướp tài sản. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội Cướp tài sản với các tội khác xâm phạm sở hữu và các tội mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo dõi vụ án hi hữu xảy ra ở huyện Đức Cơ, luật sư Thơm nhận định Tương và đồng bọn đã chuẩn bị phương tiện nguy hiểm (dao, gậy) đe dọa chủ nhà để chiếm đoạt 8 con gà.

Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn “phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ nếu tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. Các loại dao sắc, nhọn hay gậy gộc đều được coi là phương tiện nguy hiểm.

Tội Cướp tài sản là tội phạm có cấu thành tội phạm hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, không kể người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.

Như vậy, hành vi cướp 8 con gà đã cấu thành tội Cướp tài sản. Tội phạm và hình phạt quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 168, Bộ luật Hình sự 2015. Tùy mức độ phạm tội, người vi phạm có thể đối mặt với mức án từ 7 năm đến 15 năm tù.

Xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội

Trong số 5 bị can, có người đang ở lứa tuổi trẻ em (dưới 16 tuổi) và ở tuổi vị thành niên (từ 16 đến dưới 18 tuổi).

Đánh giá về hướng xử lý các bị can này, luật sư Nguyễn Văn Hùng (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích, căn cứ Điều 101, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tù có thời hạn, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định. Luật sư Hùng nhấn mạnh, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

"Đây là bài học cảnh tỉnh về sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình và công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các thanh niên dân tộc thiểu số. Chỉ vì thiếu hiểu biết về pháp luật đã có hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác...", luật sư Hùng chia sẻ.

PV

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 103

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/nhom-thanh-thieu-nien-cuop-8-con-ga-bi-xu-ly-ra-sao-a282030.html