Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ 'dằn mặt' tàu ngầm Nga ở Đại Tây Dương

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman vừa rời khỏi khu vực Địa Trung Hải sau 3 tháng hoạt động tại đây và đang phối hợp tập trận với hải quân Pháp ở Đại Tây Dương.

Từ ngày 2 đến 6-7, không đoàn máy bay trên tàu sân bay USS Harry S. Truman sẽ tiến hành các hoạt động bay tập với không lực hải quân Pháp.

Cuộc diễn tập được thực hiện trên không phận của Pháp và vùng biển quốc tế ngoài vịnh Biscay.

Mục đích của bài tập trận này là tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu và phô diễn sự phối hợp trong không chiến của hải quân 2 nước ở những điều kiện chiến đấu đặc biệt.

“Pháp là đồng minh thân cận nhất của chúng tôi trong việc đảm bảo an ninh và ổn định khu vực cũng như trên thế giới. Cơ hội hợp tác với không lực hải quân Pháp giúp chúng tôi duy trì được sự tập trung và đạt được những mục tiêu chung”, Chuẩn Đô đốc Gene Black của hải quân Mỹ cho hay.

Máy bay của không đoàn 1 hải quân Mỹ tham gia cuộc diễn tập bao gồm nhiều tiêm kích hạm F/A-18 và máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeyes, trong khi Pháp triển khai tiêm kích Dassault Rafale M.

Theo trang USNI News, việc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman được triển khai đến Đại Tây Dương là điều ít khi xảy ra, nhưng nó lại đúng với 2 học thuyết mới được Mỹ đề cập đến trong bản Chiến lược an ninh quốc gia mới công bố năm 2017.

Một là đưa Mỹ tập trung trở lại những cuộc cạnh tranh với các cường quốc khác trên thế giới và biến quân đội Mỹ thành lực lượng có “hoạt động không thể được đoán trước”.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman bao gồm 6 tàu khu trục tên lửa và một tàu hộ tống của Đức, vốn đều có khả năng chống tàu ngầm tốt nhất trong các nước NATO.

Từ năm 2016, các lãnh đạo hàng đầu của NATO đã nhiều lần bày tỏ quan ngại đến hoạt động của tàu ngầm hải quân Nga tại Đại Tây Dương.

Theo Đô đốc James Foggo, Tư lệnh hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi, Nga đã tăng cường triển khai tàu ngầm đến Địa Trung Hải, biển Đen và Bắc Đại Tây Dương ở cường độ nhiều chưa từng có từ thời Chiến tranh lạnh.

Các mẫu tàu ngầm của Nga cũng được nâng cấp với khả năng tàng hình và hỏa lực vượt trội, điều là dấu hiệu cho thấy Nga đang xây dựng lực lượng để chuẩn bị cho bất kì cuộc xung đột nào với NATO trên Đại Tây Dương.

Sự tập trung của Mỹ và NATO vào khu vực Bắc Đại Tây Dương còn được thể hiện ở việc rất nhiều lần chiến hạm hải quân Anh theo dõi tàu chiến Nga hoạt động tại đây.

Lần gần nhất là vào tháng 1, khi tàu hộ tống HMS Westminster đã bám theo một nhóm tàu Nga đi qua eo biển Manche để đến cảng Tartus ở Syria.

Vào năm 2017, nhóm tàu tác chiến tàu sân bay George H.W. Bush cũng tham gia cuộc tập trận Saxon Warrior cùng với Anh, Đức, Thụy Điển và Na Uy. Đây là lần đầu tiên cuộc tập trận này được tổ chức trở lại từ năm 2011 đến nay ngoài khơi nước Anh.

Vào hồi tháng 5, hải quân Mỹ còn tuyên bố tái thành lập hạm đội 2, từng bị giải tán từ năm 2011, với lý do phản ứng với những mối đe dọa từ Nga ở Đại Tây Dương.

Đặng Vũ (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-nhom-tac-chien-tau-san-bay-my-dan-mat-tau-ngam-nga-o-dai-tay-duong/773672.antd