ĐBQH Lê Thanh Vân: Cần xem xét địa vị pháp lý của Tổng cục Thống kê

'Thống kê là ngành kinh tế phục vụ đắc lực cho việc phân tích chính sách. Nếu chúng ta không liệt kê ra hết các tiêu chí để thống kê, từ đó định lượng được, thì sẽ không tính toán được biến số của ngành kinh tế' - ĐBQH Lê Thanh Vân cho hay.

Nêu ý kiến tại buổi thảo luận tổ, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật thống kê cần đánh giá tổng kết kỹ hơn chứ ở đây chỉ sửa một phần cục bộ. Đã đến lúc phải thay đổi cả mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của ngành Thống kê.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trong đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2021, số liệu của Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vênh nhau. Cụ thể, dự báo tăng trưởng bình quân 9 tháng của năm 2021 của Tổng cục Thống kê là 2,5%, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là 3,5-4%.

ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Theo điểm của đại biểu Lê Thanh Vân, tính lệ thuộc về đầu mối, các quan hệ công tác có thể khiến cho tính toán, số liệu thống kê không khách quan, đồng nhất. "Ở nhiều quốc gia, ngành Thống kê hoàn toàn độc lập, do đó, chúng ta cần xem xét địa vị pháp lý của Tổng cục Thống kê" - đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ.

Tán thành với việc bổ sung nhiều tiêu chí thống kê, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, cần nghiên cứu kỹ các quốc gia có cùng mức độ tăng trưởng như chúng ta. Bởi, thống kê là ngành kinh tế phục vụ đắc lực cho việc phân tích chính sách. Nếu không liệt kê ra hết các tiêu chí để thống kê, từ đó định lượng được, thì sẽ không tính toán được biến số của ngành kinh tế.

“Thống kê phải luôn song hành với cuộc sống, liệt kê được những diễn biến, biến số của cuộc sống” - ĐBQH Lê Thanh Vân nêu ý kiến.

ĐBQH Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, phạm vi sửa đổi Luật Thống kê cần rộng hơn để phục vụ việc hoạch định chính sách, quan trọng hơn là đảm bảo thông suốt cùng một mặt bằng, phù hợp thông lệ quốc tế.

Hệ thống chỉ tiêu quốc gia phải đảm bảo được 3 yếu tố: Thứ nhất phải phản ánh khách quan, toàn diện tình hình thực tiễn thì mới phân tích, đánh giá được. Thứ hai giúp các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạch định chính sách. Thứ ba phải phù hợp với thông lệ quốc tế. "Có chỉ tiêu mình đánh giá cao nhưng quốc tế lại đánh giá mình thấp, ngược lại, có những chỉ tiêu mình thấy chưa cao khi so sánh ra lại cao. Tình trạng này sẽ dẫn đến lạc hướng trong điều hành chính sách"- đại biểu Toàn cho biết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các chỉ tiêu quốc gia hiện chỉ phục vụ hoạch định chính sách của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Như vậy là chưa đủ mà còn phải phục vụ cho cả người dân, doanh nghiệp. Nhờ những thông tin đó giúp họ phân tích, đánh giá thị trường để quyết định đường lối kinh doanh.

Nhấn mạnh sự cần thiết của hệ thống đánh giá chỉ tiêu đánh giá GDP và GRDP rất cần thiết, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn bày tỏ, cần phải có sự thống nhất với nguyên tắc chung bởi phương pháp tính GDP rất nhiều, cách tính khác nhau sẽ dẫn đến sai số. Trước khi các địa phương công bố các chỉ tiêu tăng trưởng GDP và GRDP thì cũng cần có sự thống nhất các cơ quan Trung ương.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn thành phố Hà Nội cũng nêu rõ thực trạng hiện nay chưa có sự liên thông giữa các tỉnh, thành phố trong việc đánh giá Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), GRDP của các tỉnh nên trong quá trình thống kê, đánh giá vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, cần có bộ tiêu chí đánh giá chung của cả nước, tránh tình trạng mỗi bộ, ngành, địa phương có tiêu chí riêng, không thống nhất trong đánh giá.

"Không thể các ngành nào cũng đưa vào vài chục tiêu chí. Cần tạo thành sự thống nhất, chủ trương chính sách phát triển cho hội nhập. Phải xác định rõ các tiêu chí ấy để đánh giá GDP của đất nước, GRDP của các tỉnh, cần tạo sự thống nhất" - đại biểu Trương Xuân Cừ cho hay.

Trước đó, trình bày báo cáo Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như các lý do đã nêu trong Tờ trình số 378/TTr-CP của Chính phủ nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Minh Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/dbqh-le-thanh-van-can-xem-xet-dia-vi-phap-ly-cua-tong-cuc-thong-ke-899334.vov