Nhóm nông sản đỏ lửa, kim loại phủ kín sắc xanh

Kết thúc tuần giao dịch 18 – 24/7, giá các mặt hàng nông sản tiếp nối đà giảm của tuần trước. Tuy nhiên, nhóm kim loại bất ngờ khởi sắc sau chuỗi dài lao dốc, trong khi nhóm năng lượng chứng kiến sự tăng vọt của giá khí tự nhiên. Điều này đã kéo chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 1,42% lên mức 2.530,89 điểm sau 5 tuần liên tiếp suy yếu.

Dòng tiền trong tuần qua được phân bổ mạnh nhất vào nhóm năng lượng với mức tăng hơn 33%, giúp nhóm này tiếp tục duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng 9,5%, đạt mức trung bình gần 3.500 tỷ mỗi phiên.

Giá các mặt hàng nông sản đồng loạt đỏ lửa

Đối với nhóm nông sản, cả ba mặt hàng họ đậu đều tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm. Giá đậu tương đã suy yếu tuần thứ hai liên tiếp trong bối cảnh thời tiết tại Mỹ dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực. Ngoài ra, nhu cầu từ nhập khẩu đậu tương thấp hơn từ Trung Quốc cũng đã tạo sức ép lên giá trong tuần vừa rồi.

Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương của nước này trong tháng 6 đạt 8,25 triệu tấn, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Tính trong nửa đầu năm 2022, khối lượng nhập khẩu đậu tương Mỹ của Trung Quốc chỉ đạt 17,54 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 21,57 triệu tấn cùng kỳ năm 2021. Việc biên lợi nhuận ép dầu tại Trung Quốc giảm về mức âm kể từ giữa tháng 4 đã khiến cho nhu cầu nhập khẩu đậu tương của nước này suy yếu và gây sức ép đến giá.

Giá lúa mì hợp đồng tháng 9 đóng cửa tuần giảm hơn 2%. Hãng tin Reuters cho biết, các quan chức của Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã kí kết thỏa thuận về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen. Sau 1 thời gian dài đàm phán, một bản hiệp ước khác cũng được ký kết giữa Nga và Liên Hợp Quốc cho phép xuất khẩu số ngũ cốc của Ukraine thông qua các cảng ở Biển Đen.

Thông tin trên đã giúp xoa dịu nỗi lo về nguồn cung tại Biển Đen bị thắt chặt và gây sức ép mạnh đến giá. Tuy nhiên, cuối tuần vừa rồi, quân đội Ukraine cho biết tên lửa của Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng ở cảng Odessa. Hành động này đã xóa đi những kỳ vọng về việc nối lại xuất khẩu và giúp giá lúa mì có thể hồi phục trở lại vùng 800 trong tuần này.

Giá cà phê phục hồi sau 2 tuần giảm liên tiếp

Các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục diễn biến trái chiều. Bông tăng nhẹ sau 5 tuần giảm liên tiếp khi thời tiết khô hạn vẫn tiếp diễn tại Texas, Mỹ trong tuần vừa qua, gây lo ngại về nguồn cung bị hạn chế.

Đối với mặt hàng cà phê, giá tăng sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó. Lo ngại về nguồn cung ngày càng thu hẹp đang là yếu tố chính thúc đẩy giá cà phê tăng trong tuần qua. Cụ thể, tồn kho đạt chuẩn của Arabica tính đến hết tuần trước đã giảm xuống mức 705.727 bao (60kg), thấp nhất trong hơn 22 năm qua.

Với Robusta, xuất khẩu nửa đầu tháng 07 tại Việt Nam sụt giảm 13,64% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, xuất khẩu trong tháng 06 của Uganda giảm 14,2% so với cùng kỳ niên vụ trước. Điều này gây ra những lo lắng nhất định về nguồn cung, nhất là trong bối cảnh thu hoạch tại Việt Nam đã kết thúc và phải đến tháng 10 mới bắt đầu giai đoạn thu hoạch tiếp theo.

Ngược lại, giá đường 11 giảm 7,06 % và đường trắng giảm 6,47% trong bối cảnh giá xăng dầu tại Brazil giảm, sau khi Petrobras, công ty dầu khí đa quốc gia tại Brazil, giảm 5% giá dầu tại các công ty lọc dầu.

Dầu thô tăng nhẹ trong tuần trước loạt lo ngại về nguồn cung

Giá dầu phục hồi nhẹ trong tuần, khi một loạt các sự cố về nguồn cung trở thành yếu tố hỗ trợ giá bất chấp các lo ngại về suy thoái. Cụ thể, giá WTI tăng 0,14% lên 94,7 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2,02% lên 103,2 USD/thùng.

Lo ngại về nguồn cung sụt giảm đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy giá dầu trong tuần vừa rồi, với một loạt các sự cố tại đường ống dẫn dầu Keystone từ Canada sang Mỹ. Bên cạnh đó, việc Nga đe dọa sẽ không cung cấp dầu cho các nước áp đặt trần giá lên sản phẩm của họ cũng hỗ trợ giá phục hồi, và đã có lúc giá WTI lấy lại được mốc 100 USD/thùng trong tuần vừa rồi.

Trong tuần qua, số giàn khoan dầu tại Mỹ không thay đổi ở mức 599 giàn khoan, cho thấy không có nhiều dấu hiệu các nhà sản xuất tại Mỹ sẽ nhanh chóng gia tăng sản lượng, bất chấp các nỗ lực của chính phủ Mỹ trong việc gia tăng nguồn cung. Tuy vậy, lo ngại về suy thoái kinh tế đã cản trở đà tăng mạnh mẽ của giá dầu. Đặc biệt, việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm như kỳ vọng trước đó, đã làm gia tăng nguy cơ suy thoái và ảnh hưởng đến kỳ vọng về sức tiêu thụ trong tương lai.

Sắc xanh bao phủ bảng giá kim loại, quặng sắt lấy lại mốc 100 USD

Tất cả các mặt hàng trong nhóm kim loại phục hồi trong sắc xanh sau nhiều tuần lao dốc. Bạc kết thúc tuần với mức giá 18,61 USD/ounce, tương đương với mức tăng nhẹ 0,12% sau 5 tuần liên tiếp đỏ lửa. Bạch kim bứt phá mạnh mẽ nhất trong nhóm kim loại quý, tăng 4,37% lên 867,2 USD/ounce.

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, vượt những kỳ vọng trước đó ngăn cản sự trượt giá của đồng Euro. Thêm vào đó, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bố sung 75 điểm cơ bản thay vì 100 điểm trong quyết định lãi suất. Những điều này khiến cho chỉ số Dollar Index hạ nhiệt và làm giảm sức ép trong chi phí nắm giữ các mặt hàng trong nhóm kim loại quý.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, cả đồng COMEX và quặng sắt đều kết thúc tuần với mức giá tăng khá mạnh. Quặng sắt tăng vọt lên gần 7% và đã lấy lại được mốc 100 USD, trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực trợ giúp cho việc bình ổn cuộc khủng hoảng thế chấp bất động sản. Bên cạnh đó, tồn kho thép trung bình các loại của 184 nhà máy Trung Quốc liên tục giảm trong thời gian gần đây, suy yếu 6,8% trong tuần vừa qua so với tuần trước đó đã hỗ trợ cho đà tăng của giá sắt.

Niken LME tăng vọt hơn 14% trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung thắt chặt khi LME trong tuần trước đã cân nhắc các lệnh cấm với Norilsk Nickel của Nga, công ty khai thác niken top 3 trên thế giới.

Trên thị trường nội địa, trong vòng hơn 2 tháng, giá thép đã có đợt điều chỉnh giảm lần thứ 10 liên tiếp vào cuối tuần trước. Cụ thể, tại miền Bắc, thép Hòa Phát giảm 300 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, xuống mức 15.690 đồng/kg. Trong khi đó, thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 16.390 đồng/kg, giảm 110 đồng. Như vậy, trong lần điều chỉnh này, giá theo trong nước giảm khoảng 100.000 - 310.000 đồng/tấn tùy từng sản phẩm.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/nhom-nong-san-do-lua-kim-loai-phu-kin-sac-xanh-20220725084203998.htm