Nhóm nghị sĩ Myanmar sắp thành lập chính phủ dân sự, thách thức quân đội

Các nghị sĩ được bầu của Myanmar đang công khai thách thức quân đội khi tuyên bố chuẩn bị thành lập một chính phủ dân sự song song trong thời gian tới.

"Chúng tôi sắp đạt được rồi", ông Zin Mar Aung, một nghị sĩ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) nói. "Một chính phủ đoàn kết lâm thời của Myanmar sẽ được thành lập và ra mắt vào khoảng cuối tháng".

Ông là người giữ quyền ngoại trưởng trong CRPH, hay Ủy ban Đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw, tổ chức do nhóm các nhà lập pháp dân sự thành lập để phản kháng lại chính quyền quân sự.

Myanmar chìm trong khủng hoảng từ đầu tháng 2. (Ảnh: AP)

Myanmar chìm trong khủng hoảng từ đầu tháng 2. (Ảnh: AP)

CRPH, chủ yếu bao gồm các nghị sĩ được bầu trong cuộc bầu cử năm ngoái tại Myanmar, đã đàm phán với các nhóm vũ trang dân tộc, đảng phái chính trị và các ủy ban phản đối quân đội. CRPH đã chỉ định một số quyền bộ trưởng, và danh sách này sẽ sớm được mở rộng. CPRH cũng ban hành các sắc lệnh, trực tiếp thách thức quyền lực của chính phủ quân sự.

Cùng thời điểm chính phủ lâm thời được công bố, CRPH có kế hoạch sẽ đưa ra một hiến pháp lâm thời mới.

Vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về độ tin cậy, thẩm quyền và khả năng tồn tại của CRPH. Một số tổ chức vũ trang dân tộc cho biết dù hỗ trợ bảo vệ CRPH nhưng họ chưa chính thức công nhận nhóm này. Hiện, CRPH là kênh góp phần lên tiếng tiếng cho các cuộc biểu tình và hoạt động phản đối quân đội.

Trong một diễn biến khác, đặc phái viên Myanmar tại Liên hợp quốc kêu gọi quốc tế có các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với quân đội Myanmar, trong khi tình trạng bạo lực tiếp diễn ở nước này.

“Chúng ta cần có các biện pháp trừng phạt phối hợp của quốc tế ngay lập tức, cả về ngoại giao và kinh tế”, Tiến sĩ Sasa, đặc phái viên Myanmar tại Liên hợp quốc cho biết.

Theo ông Sasa, ngoài các biện pháp trừng phạt, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng cần gửi một thông điệp “thống nhất và mạnh mẽ” để ngăn chặn “tội ác chống lại nhân loại” tại Myanmar.

Quốc gia Đông Nam Á lâm vào tình trạng hỗn loạn sau khi quân đội giành quyền kiểm soát và bắt giữ các lãnh đạo dân sự ngày 1/2. Hàng nghìn người xuống đường biểu tình, hơn 500 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ, theo Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị .

Một số nước trên thế giới đã chỉ trích tình trạng bạo lực tại Myanmar. Mỹ và châu Âu trừng phạt các cá nhân và công ty liên quan đến quân đội Myanmar.

Phương Anh (Nguồn: CNBC, Bangkok Post)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhom-nghi-si-myanmar-sap-thanh-lap-chinh-phu-dan-su-thach-thuc-quan-doi-ar604096.html