Nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi dài hạn từ EVFTA?

So với các ngành hàng như hóa chất, điều, cà phê, thủy sản, dệt may, gỗ và sữa thì ngành gạo được SSI đánh giá sẽ hưởng lợi theo hướng rất tích cực trong dài hạn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.

 Ngành gạo sẽ hưởng lợi tích cực từ EVFTA

Ngành gạo sẽ hưởng lợi tích cực từ EVFTA

Theo báo cáo “Tác động của EVFTA đối với các ngành và doanh nghiệp niêm yết” của CTCP Chứng khoán SSI (SSI), ngành gạo Việt Nam được đánh giá là ngành sẽ hưởng lợi theo hướng rất tích cực ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực.

Bên cạnh đó, một số ngành cũng được hưởng lợi theo hướng tích cực khác có thể kể đến như rau củ quả, hóa chất, điều, cà phê, thủy sản và dệt may. Trong khi ngành gỗ có ít tác động, còn ngành sữa sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực theo mức độ nhẹ.

Ngành gạo

Theo báo cáo của SSI, việc EVFTA giảm thuế nhập khẩu sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp gạo tại Việt Nam xây dựng mô hình sản xuất gạo khép kín, cải thiện chất lượng và củng cố thương hiệu trên toàn cầu.

Tuy sản lượng xuất khẩu sang Châu Âu không nhiều so với các thị trường khác, nhưng giá xuất khẩu gạo thương hiệu sẽ cao hơn giá gạo hàng hóa.

Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 21.300 tấn gạo sang thị trường châu Âu, tương đương giá trị 11,4 triệu USD, chỉ chiếm 0,3% tổng sản lượng xuất khẩu gạo.

Trước EVFTA, thuế nhập khẩu đối với gạo Việt Nam là 65-211 EUR/tấn, tương đương từ 5-45%. Khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế này được giảm về 0%, với gạo theo hạn ngạch là 80.000 tấn/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm).

Ngoài ra, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ đối với gạo tấm sau 5 năm và các sản phẩm từ gạo sau 3-5 năm.

Trong quá khứ, sản lượng gạo xuất khẩu sang châu Âu rất ít do: (i) chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng và (ii) châu Âu chủ yếu tiêu thụ gạo basmati của Ấn Độ thay vì gạo thơm từ các nước như Thái Lan, Việt Nam.

Rau quả

Trong 2019, rau quả xuất khẩu sang Châu Âu đạt giá trị 150 triệu USD, chiếm khoảng 4% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Các mặt hàng rau quả rất đa dạng, bao gồm chuối, dứa, đu đủ, chanh dây, xoài, ... Doanh nghiệp có thể xuất khẩu ở dạng tươi, đông lạnh, dạng sấy hoặc nước ép cô đặc.

Trước khi EVFTA có hiệu lực, rau quả Việt Nam xuất sang Châu Âu đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi GSP, nhưng vẫn ở mức cao, từ 0- 20%.

Từ ngày 1/8/2020, khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được cắt giảm về 0%. Đối với rau quả, EVFTA không hạn chế về kim ngạch và hạn ngạch.

Việt Nam có thể xuất khẩu bất kỳ loại rau quả sang châu Âu, miễn là đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, trong đó có Global GAP và các điều kiện nguồn gốc xuất xứ.

Trong 2 năm đầu tiên kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được phép lựa chọn giữa GSP hoặc EVFTA. Nếu chọn GSP thì phải đáp ứng quy định của GSP, và nếu lựa chọn EVFTA thì phải đáp ứng quy định của EVFTA.

Trong 5 năm tiếp theo, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn được phép lựa chọn giữa GSP hoặc EVFTA. Tuy nhiên, cho dù chọn mức thuế theo GSP hay EVFTA thì đều phải tuân thủ quy định của EVFTA. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế và tuân thủ hoàn toàn theo EVFTA.

Thủy sản

Theo SSI, tôm nguyên liệu và cá tra sẽ được hưởng lợi ngay lập tức từ EVFTA. Đơn vị này có biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỉ USD, chiếm 3,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2 tỉ USD.

Để tăng trưởng xuất khẩu được bền vững, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản nên có chứng nhận ASC. Tuy đây không phải yêu cầu bắt buộc, nhưng chứng nhận sinh thái này đang ngày càng phổ biến đối với các mặt hàng thủy sản nuôi trồng nhập khẩu vào EU. Chứng nhận này gồm có các tiêu chuẩn về tác động môi trường, bảo tồn tài nguyên nước và quần thể hoang dã, bảo đảm quyền lợi của người lao động, … được cấp bởi Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản.

Dệt may

SSI cho rằng, khả năng hưởng lợi của ngành dệt may phụ thuộc vào năng lực cung ứng vải nội địa trong 2 năm tới. Dẫn số liệu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 39 tỉ USD, chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 21,5 tỉ USD, chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trước EVFTA, xuất khẩu dệt may và da giày của Việt Nam sang EU đang được hưởng ưu đãi theo chế độ GSP tiêu chuẩn, trong đó thuế nhập khẩu hàng may mặc của EU đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam là 9,6% đối với hàng may mặc và 11,9% với da giày.

Sau khi EVFTA có hiệu lực, đa số các mặt hàng dệt may sẽ được giảm thuế về 0% theo lộ trình 5 năm (chiếm 77,3% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chính) hoặc 7 năm (22,7% còn lại). Trong khi đó, đa số các mặt hàng da giày sẽ được giảm thuế ngay lập tức về 0%.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA, các doanh nghiệp dệt may cần sử dụng vải sản xuất trong nước hoặc vải nhập khẩu có xuất xứ từ Hàn Quốc. Hiện tại, các sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc khoảng 60-70% vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Vải nhập từ Hàn Quốc hiện chỉ chiếm 15% tổng nhu cầu vải.

Ngành gỗ

EVFTA được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường cho các hàng hóa của Việt Nam, bao gồm cả gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu vào EU. Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU bình quân mỗi năm đạt trên 500 triệu USD trong giai đoạn 2017-2019.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU chiếm 6-7% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ vào tất cả các thị trường. Trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU đạt hơn 254 triệu USD (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, Pháp, Đức và Hà Lan là 3 quốc gia tiêu thụ các sản phẩm gỗ và các sản phẩm gỗ lớn nhất trong khối EU- chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hiện nay, có 117 dòng sản phẩm - chiếm 88% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019 - đã có mức thuế suất 0% trước khi EVFTA có hiệu lực do đó sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của các dòng sản phẩm này tại thị trường Châu Âu. Đồng thời, có 104 dòng sản phẩm - chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2019 - sẽ được giảm thuế ngay lập tức từ mức 4-1,7% thuế suất về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. Các dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng 1% kim ngạch xuất khẩu, sẽ giảm dần thuế trong 4-6 năm sau khi EVFTA có hiệu lực.

Ngành sữa

Sữa là một trong những ngành nông nghiệp phát triển nhất ở châu Âu, hàng năm sản lượng sữa từ châu Âu chiếm khoảng 20% tổng sản lượng sữa trên thế giới. Về thị phần xuất khẩu, châu Âu dẫn đầu với 29% thị phần, tiếp theo là Newzealand với 26,5% thị phần. Chuỗi giá trị ngành công nghiệp sữa ở châu Âu đã tồn tại lâu đời, có hiệu quả kinh tế cao.

Châu Âu ưu tiên bảo hộ cho ngành sữa trong khối, các quy định về tổ chức thị trường chung đã được ban hành từ những năm 1960.

Lộ trình giảm thuế nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa từ EU (Nguồn: SSI)

Rất ít quốc gia có thể xuất khẩu sữa vào châu Âu, và khu vực này cũng đang áp dụng triệt để các biện pháp bảo hộ, cũng như hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo vệ ngành sữa trong nước. Hiện nay, châu Âu chưa cấp phép nhập khẩu các sản phẩm sữa từ Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu sữa từ châu Âu với giá trị đạt 215 triệu USD năm 2019, chủ yếu từ các nước như Ireland, Đức, Hà Lan,Pháp và Ba Lan. Sản phẩm Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là Sữa gầy (Skimmend milk powder), bột whey, bơ, pho mát./.

Đồng Tiến

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nhom-nganh-nao-se-huong-loi-dai-han-tu-evfta-post140272.html