Nhóm họa sĩ Hà Nội lần đầu tiên triển lãm tại TP Hồ Chí Minh

Từ ngày 15-20/11, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (số 97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM) diễn ra triển lãm 'Hiện thực'. Triển lãm quy tụ hơn 70 tác phẩm tranh, tượng của nhóm 'Hiện thực' gồm 13 họa sĩ Hà Nội, lần đầu tổ chức tại TP.HCM.

Tham gia triển lãm trưng bầy tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh lần này, nhóm "Hiện thực" mong muốn mang đến cho người xem những rung cảm sáng tác mới nhất với số lượng tác phẩm nhiều nhất trong các lần triển lãm của nhóm từ trước đến nay.

Họa sỹ Phạm Bình Chương vốn được biết đến là họa sỹ tiên phong vẽ về phố Hà Nội với bút pháp tả thực. Tham gia triển lãm nhóm lần này, anh mang đến cho khán giả TP Hồ Chí Minh những góc phố tiêu biểu nhất của Hà Nội.

Tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương

Sự tiêu biểu ấy không hẳn nằm ở địa danh, tên phố, tên đường... mà hơn cả là ở “trạng thái phố”, “tâm tình phố”... Ta có thể cảm nhận được sự nồng nàn của phố Hà Nội trong tranh anh với những khoảnh khắc giản dị của vạt nắng sớm, của một tán bàng xanh non mắt lá hay của dáng mẹ hiền bên gánh hàng xén thân quen. Cái chất Hà Nội phố khiến ai đi xa cũng nhớ ấy là một thế mạnh trong tranh anh mà chỉ người trải nghiệm, sinh ra từ phố, yêu phố cháy lòng... như anh mới diễn tả trúng, đúng và tinh tế được.

Cùng vẽ về phố, nhưng họa sỹ Phạm Minh Đức lại khai thác đề tài các con hẻm (kiệt) của Hội An. Anh không phải người bản địa ở đây, nhưng với con mắt khách quan của mình, anh vẽ phố Hội với những khám phá mới mẻ cùng một bút pháp quyết đoán, mạnh mẽ đúng như tính cách của anh. Tranh của anh vì thế khác hẳn với những họa sỹ khác đã và đang vẽ về phố Hội.

Tác phẩm cua họa sĩ Mai Duy Minh

Các tác phẩm của Mai Duy Minh lại đậm đặc sự u hoài, nuối tiếc và cô đơn. Anh có biệt tài diễn tả ánh sáng, một thứ ánh sáng ma mị, ám ảnh... khiến phố trong tranh anh mang nhiều tâm sự với những đối tượng bình dị được nâng thành biểu tượng.

Tác phẩm của họa sĩ Vũ Ngọc Vĩnh

Xem tranh của Vũ Ngọc Vĩnh, chúng ta cứ băn khoăn về những giá trị gia đình, nơi mà thiết tưởng gắn bó chặt chẽ nhất thì lại cứ mơ hồ một nỗi niềm chênh chao về sự đổ vỡ, về sự u hoài khó lý giải. Cái cảm giác về con người cô đơn trong tranh Mai Duy Minh một lần nữa ta bắt gặp ở đây, dù cho Vĩnh có vẽ cả một cơ số người. Cũng như cái cảm giác vô cảm trong tranh Vĩnh sẽ lại xuất hiện triệt để hơn, khái quát hơn, cô đọng hơn với hình tượng búp bê trong các gian phòng trống ở tranh của Lưu Tuyền, cho dù lần triển lãm này, anh không trưng bầy seri đó.

Nếu Đoàn Văn Tới là họa sỹ duy nhất dùng chất liệu acrylic thì Nguyễn Văn Toán là họa sỹ duy nhất vẽ mầu nước trong nhóm Hiện thực. Anh là người có kỹ thuật vẽ mầu nước cẩn trọng và căn bản. Đó là khả năng diễn tả mầu trắng của đối tượng chủ yếu qua kỹ thuật để chừa giấy; là khả năng diễn tả mầu tối rất chắc khỏe mà không bị đặc, chết mầu, tịt không gian. Loạt tranh tĩnh vật của anh thể hiện rất rõ những ưu việt này, khiến tranh của Nguyễn Văn Toán vừa có độ trong trẻo của mầu nước mà lại vẫn có sức đầm, độ nặng của tâm tình.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Toán

Vẽ về đề tài dân tộc vùng cao, nhóm Hiện thực có các họa sỹ: Lê Cù Thuần, Nguyễn Lê Tân, Nguyễn Đinh Duy Quyền và Lê Thế Anh.

Họa sỹ Lê Cù Thuần hiện đang sinh sống và làm việc tại Tuyên Quang. Có lẽ vì vậy mà đề tài dân tộc vừa là thế mạnh vừa là sự thúc đẩy tự thân trong cảm xúc của anh. Anh có kỹ thuật sơn dầu thấu đáo, diễn tả chất liệu tài tình nhưng trên hết là khả năng sử dụng đắc địa khoảng trống trong tranh. Đó là khoảng trống kể được rất nhiều câu chuyện, chất chứa rất nhiều tâm tư; khiến tranh anh có sự đương đại nhưng lại rất truyền thống và gần gũi.

Tranh của họa sĩ Lê Thế Anh

Cùng vẽ về trẻ em, Nguyễn Đinh Duy Quyền và Lê Thế Anh có một điểm chung là tình yêu con trẻ. Nếu Quyền thích vẽ trẻ em trong những trạng thái tự nhiên nhất thì họa sỹ Thế Anh lại vẽ họ trong những hình ảnh cô đọng nhất. Nếu tranh Quyền đẹp bởi các gam mầu tươi trẻ như đúng độ tuổi của anh thì tranh Thế Anh lại lôi cuốn bởi sự lắng đọng của các gam mầu trầm. Chính sự khác biệt thú vị này đã tạo ra phong phú về hình ảnh cho triển lãm.

Tác giả duy nhất và đặc biệt nhất trong nhóm "Hiện thực" là nhà điêu khắc Trần Thức. Anh vốn nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc như thật từ các bà mẹ Việt Nam tảo tần hôm sớm đến các danh tướng lẫy lừng. Tham gia triển lãm lần này, anh gửi gắm tâm tình của mình vào các tác phẩm điêu khắc về các mầm cây được phóng to gấp nhiều lần thực tế. Đó cũng là sự chiêm nghiệm, mong muốn về sự phát triển vĩnh hằng, về sức sống bất diệt của thiên nhiên, tạo hóa... khiến các tác phẩm của anh trở nên vừa thực vừa hư.

Với hơn 70 tác phẩm trên các chất liệu sơn dầu, mầu nước, acrylic cùng sự chuẩn bị kỹ càng, công phu đầy tâm huyết hết, nhóm Hiện thực mong muốn sẽ mang đến cho công chúng yêu nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh những cảm nhận thú vị. Đây cũng sẽ là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của nhóm.

Cẩm Tú

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nhom-hoa-si-ha-noi-lan-dau-tien-trien-lam-tai-tp-ho-chi-minh-d2058547.html