Nhóm giả mạo tướng tá tình báo và trò lừa đầy 'ma mị'

Long tự nhận là thiếu tướng tình báo và thành lập tập đoàn 'ma' với văn bản giả của Bộ trưởng Quốc phòng để lừa tiền xin việc và xin dự án xây công trình 'phòng thủ ven biển'...

Thiếu tướng giả và tâp đoàn “ma”

Ngày 18-1, Hoa Hữu Long (SN 1964, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và vợ là Cao Thị Kim Loan (SN 1970) bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp.

Cùng hầu tòa về tội danh này có 12 bị cáo khác gồm Nguyễn Minh Sơn (SN 1971), Mạc Phúc Hải (SN 1964), Phùng Thị Thanh Huế (SN 1978), Trần Duy Hưng (SN 1981), Lê Hồng Giang (SN 1976), Hoa Bách Tùng (SN 1966, em ruột bị cáo Long), Phạm Thế Hùng (SN 1978), Lê Chí Thành (SN 1978), Nguyễn Tân Mão (SN 1963), Ngô Tuấn Anh (SN 1979), Vũ Khắc Thư (SN 1980), Hoàng Văn Khải (SN 1974).

Vợ chồng Hoa Hữu Long (bên trái) và đồng bọn bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Vợ chồng Hoa Hữu Long (bên trái) và đồng bọn bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Theo cáo trạng truy tố, Hoa Hữu Long tự nhận là cán bộ thuộc Tổng cục II (Tổng cục Tình báo) Bộ Quốc phòng và chịu sự chỉ đạo của một người tên Đức, bí danh là T1 (hiện chưa xác định được). T1 sau đó đưa nhiều tài liệu cho Long thể hiện việc Bộ Quốc phòng thành lập Tập đoàn Đông Dương (phiên hiệu S10).

Trong đó, Long được bổ nhiệm làm Tư lệnh, Chủ tịch S10 và mang quân hàm Thiếu tướng. Các đồng phạm khác được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh, Chánh văn phòng… của S10 và mang quân hàm từ cấp Úy đến Thiếu tướng.

Tập đoàn Đông Dương của Long không có hoạt động kinh tế gì, nhưng các bị cáo đưa ra nhiều giấy tờ, lừa đảo những người có nhu cầu xin việc vào doanh nghiệp của quân đội nộp tiền.

Từ năm 2016, nhóm này yêu cầu nạn nhân nộp từ 60 - 300 triệu đồng và thậm chí còn hứa hẹn “nộp ít tiền là sĩ quan kỹ thuật, nộp nhiều tiền được làm sĩ quan chỉ huy tham mưu”…

Năm 2017, một số tờ báo đăng tin khuyến cáo người dân cẩn thận với tập đoàn Đông Dương, kèm theo thông báo của Bộ Quốc phòng về việc tập đoàn này không có thật. Tuy nhiên, Hoa Hữu Long và đồng bọn vẫn tiếp tục hành vi lừa đảo.

“Bánh vẽ” dự án an ninh Quốc phòng

Ngoài ra, các bị cáo Mạc Phúc Hải, Lê Hồng Giang với danh nghĩa Thiếu tướng hoặc Đại tá và cùng là Phó Tư lệnh S10 còn sử dụng các văn bản giả mạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… để dụ dỗ 2 nạn nhân tham gia xây dựng các công trình phòng thủ ven biển, đường tuần tra biên giới… Các nạn nhân đã nộp cho 2 bị cáo hơn 23 tỷ đồng.

Tương tự, bị cáo Phạm Thế Hùng khi vào tập đoàn Đông Dương được phong quân hàm thiếu tá, giữ chức Tổng giám đốc Công ty Phát triển kinh tế Quốc phòng (Công ty con của Đông Dương).

Ngoài lừa tiền xin việc, Hùng còn nhận 400 triệu đồng của Công ty xây dựng hàng không ACC 18 để cho doanh nghiệp này tham gia xây dựng đường tuần tra biên giới. Sau đó, Hùng đã trả Công ty ACC 18 Nội Bài số tiền này, nên cơ quan tố tụng không xem xét.

Cơ quan truy tố xác định, thông qua việc lừa đảo xin việc và “chạy” dự án, vợ chồng Hoa Hữu Long đã lừa đảo tổng cộng hơn 99 tỷ đồng, hiện mới khắc phục được hơn 4,2 tỷ đồng. Tại nhà Long, cơ quan điều tra thu giữ tài liệu thể hiện vợ chồng đối tượng này đã thu hồ sơ và tiền của 951 người.

Quá trình điều tra cũng cho thấy, nhiều bị hại vì tin tưởng vợ chồng Long nên đã nộp tiền xin việc cho mình và giới thiệu thêm người khác nộp tiền để vào tập đoàn Đông Dương. Họ không có động cơ vụ lợi nên cơ quan tố tụng không xử lý.

Điều tra mở rộng vụ án, cơ quan chức năng đã thu giữ nhiều quân phục, quân hàm, quyết định phong quân hàm, văn bản liên quan tới Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu…

Trong khi ấy, Bộ Quốc phòng khẳng định, tập đoàn Đông Dương (S10) không có thật; các bị cáo trong vụ án cũng không phải sĩ quan quân đội. Giám định cũng thể hiện nhiều văn bản liên quan quân đội được tạo ra bằng cách in màu kỹ thuật số, không do cơ quan thẩm quyền ban hành.

Lâm Vinh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhom-gia-mao-tuong-ta-tinh-bao-va-tro-lua-day-ma-mi-post456030.antd