Nhóm G20 thống nhất đưa ra quy tắc chung về AI

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 đã thống nhất về việc xây dựng một 'khu vực lưu thông dữ liệu' - nơi dữ liệu được truyền tải tự do vượt qua biên giới quốc gia.

Các Bộ trưởng nhóm G20 vừa thống nhất các quy tắc chung về trí tuệ nhân tạo (AI)

Các Bộ trưởng nhóm G20 vừa thống nhất các quy tắc chung về trí tuệ nhân tạo (AI)

Các quy tắc cũng bao gồm việc kêu gọi các chính phủ đảm bảo công bằng cho người lao động thông qua các chương trình đào tạo và tiếp cận các cơ hội việc làm mới. Đồng thời, nhóm bộ trưởng G20 cũng đồng ý phối hợp để cho phép việc luân chuyển dữ liệu tự do xuyên biên giới dựa trên niềm tin, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho luồng dữ liệu miễn phí và củng cố niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Để tạo niềm tin và tạo điều kiện cho luồng dữ liệu tự do theo thuật ngữ “Data Free Flow with Trust” (DFFT), nhiều ý kiến cho rằng cần phải tôn trọng các khung pháp lý cả trong nước và quốc tế. Do đó, các quốc gia sẽ phải hợp tác để khuyến khích khả năng tương tác của các khung pháp lý khác nhau để tích hợp với bộ quy tắc của G20.

Ấn Độ đã tuyên bố rằng các quốc gia phải có quyền chủ quyền sử dụng dữ liệu của họ cho phúc lợi và sự phát triển của người dân; đồng thời vận động về thương mại tự do và không nhất thiết phải dẫn đến việc chứng minh luồng dữ liệu tự do.

Trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển mạnh mẽ công nghệ AI, 5G và những ứng dụng tiên tiến khác theo những cách thức khác nhau, sự hợp tác và phối hợp toàn cầu trong việc đưa ra bộ quy tắc chung được kỳ vọng đem lại một khung chuẩn chung cho các nước để mỗi quốc gia có thể dễ dàng soi chiếu và đưa ra những nguyên tắc riêng.

Một số khu vực khác trên thế giới như EU đã nỗ lực xây dựng các chính sách AI, tuy nhiên, bộ nguyên tắc của OECD đã được nhiều chuyên gia và các bộ trưởng nhóm G20 đánh giá đã tìm cách hợp nhất các quốc gia trong thời điểm các thỏa thuận quốc tế rất khó để đạt được sự đồng thuận. Đáng chú ý nhất, các nguyên tắc này đã được Mỹ xác nhận.

Phó Giám đốc Công nghệ Hoa Kỳ và Phó Trợ lý của Tổng thống tại Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng Michael Krasios cho biết, bộ nguyên tắc được đưa ra sẽ ngăn chặn một cuộc "chiến tranh lạnh" về AI mới khi tạo chuẩn mực chung cho thế giới và ngăn chặn sự bảo hộ dữ liệu giữa các quốc gia.

Mặc dù bộ quy tắc mới chỉ có 40 quốc gia thành viên tham gia kí kết, tuy nhiên OECD vẫn chào đón thêm sự tham gia của các quốc gia có chung giá trị dân chủ. Cách thức cạnh tranh về AI giữa các quốc gia đã làm gia tăng mối quan tâm về các tiêu chuẩn và giá trị thông qua việc phát triển và phân tán các hệ thống AI.

Bằng việc nhấn mạnh sự sáng tạo, đáng tin cậy và tôn trọng quyền con người và các giá trị dân chủ, các quốc gia phát triển AI sẽ phải thực hiện các bước cụ thể để đảm bảo mọi công dân đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng tự động hóa, giúp cuộc sống của người dân trở nên thoải mái và tiện nghi hơn thay vì khiến những người lao động rơi vào nguy cơ mất việc làm.

Một trong những thách thức của chính sách liên quan đến AI của các quốc gia là tính điều hướng. Theo chuyên gia Jessica Cussins Newman, thành viên nghiên cứu tại Trung tâm An ninh mạng UC Berkeley, các chính sách liên quan đến AI cần phải đảm bảo rằng việc phát triển công nghệ AI tuân thủ theo luật pháp hiện hành và bao gồm các điều khoản có thể sử dụng để đánh giá sự phát triển của công nghệ, cũng như biện pháp đối phó với những rủi ro có thể phát sinh bất ngờ.

"Đây là một yếu tố quan trọng của việc chuẩn bị cho một tương lai khi sự xuất hiện của các hệ thống AI tiên tiến trở nên phổ biến hơn. Mặc dù vậy, mỗi quốc gia vẫn cần tích hợp các nguyên tắc và những khuyến nghị vào các chiến lược và chính sách quốc gia riêng biệt", chuyên gia này cho biết.

Sự thống nhất về quan điểm và các thức ứng xử với công nghệ mới cho thấy các nền kinh tế đã cùng đứng chung một chiến tuyến để đối phó với những thách thức và "không để ai bị bỏ lại phía sau". Có lẽ đây sẽ là một tín hiệu mới, đem lại sự cạnh trang công bằng hơn và chia đều cơ hội cho các quốc gia trong cuộc "chạy đua" công nghệ hiện nay.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nhom-g20-thong-nhat-dua-ra-quy-tac-chung-ve-ai-151835.html