Nhóm đối tượng cưa hạ cây thủy tùng hơn 500 tuổi có thể bị ngồi tù

Luật sư Hằng cho biết, hành vi của nhóm thanh niên chặt cây thủy tùng có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Vụ việc được đăng tải trên báo Tri thức trực tuyến như sau, tối 14/10, lợi dụng lúc mưa to, Y Truôi ADrơng (19 tuổi, xã Ea Rah, huyện Ea H’leo) cùng 6 thanh niên khác (chưa rõ lai lịch) vào Trạm quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước xã Ea Rah cưa trộm cây.

Đến 7h ngày 15/10, nhóm thanh niên cưa đứt cây thủy tùng trên 500 tuổi, có chiều cao 8m, đường kính thân cây 80 cm thành nhiều đoạn rồi vận chuyển ra ngoài. Trong lúc nhóm thanh niên vận chuyển đã bị cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ.

Đối tượng Y Truôi Adrong bên gốc thủy tùng trộm được (Ảnh: Tri thức trực tuyến)

Thông tin thêm trên báo Dân trí cho biết, tại cơ quan công an, bước đầu Y Truôi Adrong khai nhận đã cùng đồng bọn vào khu bảo tồn để bán lấy tiền tiêu xài vì thủy tùng là loài cây quý hiếm được trả giá rất cao.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật gia Đoàn Thị Thu Hằng - Thạc sĩ chuyên ngành luật Hình sự, khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội, để làm rõ những vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc này.

Luật gia Hằng nhận định, Y Truôi ADrơng và các đối tượng đã có hành vi chặt phá trái phép cây thủy tùng. Hành vi của các đối tượng không chỉ gây thiệt hại về loài thực vật quý hiếm, mà còn trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước trong việc nuôi trồng, khai thác, bảo vệ rừng.

"Căn cứ Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 về tội Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, các đối tượng có thể bị phạt tiền từ 4-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm", luật gia Hằng nêu quan điểm.

Căn cứ Nghị định 160/2013/NĐ-CP thì thủy tùng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Thủy tùng có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, thuộc họ hoàng dàn, ngành thông.

Hiện trên thế giới có ba khu vực còn ghi nhận loài này là Việt Nam, Lào, Trung Quốc. Trong đó, tại Việt Nam, thủy tùng chỉ còn phân bố 2 quần thể tự nhiên ở Đắk Lắk gồm xã Ea Ral, huyện Ea H’leo 140 cây, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng 21 cây và (1 cây) tại thị xã Buôn Hồ.

Hồng Nhung (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/phap-luat/nhom-doi-tuong-cua-ha-cay-thuy-tung-hon-500-tuoi-co-the-bi-ngoi-tu-a205516.html