Nhóm 'cò' đấu giá ở Hải Dương mượn gió để bẻ gì?

Đằng sau việc một số cá nhân phản ánh, 'kêu cứu', cho rằng có khuất tất, tiêu cực tại cuộc đấu giá quyền sử dụng đất dự án EcoRivers gây ồn ào dư luận vừa qua đã hé lộ một đường dây cò đấu giá, có dấu hiệu mượn gió bẻ măng để trục lợi...

Ném đá giấu tay

Theo thông tin phản ánh thì dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (EcoRivers), được UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào ngày 2/6/2017 có tổng diện tích khoảng 109,2 ha. Đến cuối tháng 12/2017, UBND tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) dự án. Giá khởi điểm để đấu giá quyền SDĐ của dự án (khu đất đấu giá đã được giải phóng mặt bằng) gồm giá trị quyền SDĐ 350.407 m2 đất ở và 50.416 m2 đất thương mại dịch vụ là hơn 799 tỷ đồng.

Đến ngày 15/3/2018, có 3 đơn vị đăng ký mua hồ sơ tham gia đấu giá và trả giá là: Công ty Cổ phần Đầu tư Ecopark Hải Dương; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng 1 Hà Nội, Công ty cổ phần Thương mại LD Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn COTANA, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Nam Thành Đông, Công ty cổ phần Tư vấn, Đầu tư thương mại Nam Thanh (gọi tắt là Liên danh) và Tổng công ty MBLand.

Theo thông tin phản ánh, cũng trong ngày 15/3/2018, ông Nguyễn Văn Viễn đến nộp hồ sơ tham gia đấu giá, thì bị một người đàn ông túm cổ áo ngay trong phòng của Giám đốc trung tâm đấu giá và trước mặt các thành viên Hội đồng đấu giá một cách thô bạo.

Ngay sau đó, dù đã nộp được hồ sơ nhưng ông Viễn đã có đơn khiếu nại tố cáo gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và Công an tỉnh Hải Dương phản ánh sự việc.

Ngày 4/4 vừa qua, tỉnh Hải Dương đã công bố kết quả đấu giá. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần Đầu tư Ecopark Hải Dương với giá 805 tỷ đồng. Tổng công ty khác dù trả giá 1.100 tỷ đồng nhưng lại không nộp hồ sơ đấu giá và trước đó có đơn xin rút không tham gia đấu giá nên đã bị loại.

Thế nhưng điều lạ lùng là ngay sau đó, nhóm ông Nguyễn Văn Viễn và một số cá nhân khác vẫn tiếp tục có ý kiến phản ánh, kêu cứu tới báo chí và cơ quan chức năng, cho rằng cuộc đấu giá có tiêu cực, khuất tất chủ yếu xoay quanh nội dung cài cắm” tiêu chí: “Phải chứng minh có đủ điều kiện về năng lực kinh nghiệm, kỹ thuật để thực hiện dự án sau khi trúng đấu giá như đã và đang đầu tư ít nhất 01 (một) dự án phát triển đô thị sinh thái quy mô tương đương (trong đó có hạng mục cây xanh trồng trong khu đô thị có đường kính thân D>1m, chiều cao H>10m trên 300 cây”. Mặc dù chủ đầu tư đã chỉ rõ việc đưa ra tiêu chí này là phù hợp với yêu cầu quy hoạch khu đô thị sinh thái, tránh tình trạng đầu cơ, phân lô,bán nền và việc đưa ra tiêu chí đó không vi phạm pháp luật nhưng nhóm người trên vẫn tiếp tục “la làng”.

Là doanh nghiệp tham gia đấu giá hay chỉ là “cò”?

Ngoài Nguyễn Văn Viễn, được biết còn có một số cá nhân khác từ Hải Dương đã lên Hà Nội, trong vai “doanh nghiệp tham gia đấu giá bị xử ép” để kêu cứu. Vì thế, đã xuất hiện một số bài báo phản ánh sự việc theo ý kiến của nhóm người trên. Đáng chú ý, trong nhóm người trên còn có một người đàn ông tên K., hiện là công chức đang công tác tại một sở ở Hải Dương. K. đã “chém gió” mình là doanh nghiệp bị oan và kích động để các cơ quan báo chí và cơ quan chức năng vào cuộc theo kiểu “ném đá giấu tay”. K. cho biết dự án cần được hủy kết quả đấu giá, đấu thầu lại cho “minh bạch” và khi đó đơn vị của K sẽ vào làm dự án với giá cao hơn 300 tỷ đồng, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách.

Kịch bản kêu cứu của nhóm người trên đã tạo được sự chú ý của công luận và cơ quan chức năng với nhiều diễn biến khá hài hước mà chúng tôi sẽ trình bày ở những số báo tới. Nhưng điều khá bất ngờ là đi sâu tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhóm người trên hầu hết là những đối tượng không phải đại diện cho các doanh nghiệp thực sự có năng lực và nhu cầu tham gia đấu giá.

Cụ thể, trả lời phóng viên, ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương đã xác nhận người đàn ông tên K là cán bộ đang công tác tại sở nhưng ông Hải cho biết, chưa từng nghe thông tin ông này tham gia vào đường dây cò đấu giá.

Còn đối với người đàn ông tên Nguyễn Văn Viễn, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội, ông Viễn không có tên trong danh sách những người đóng bảo hiểm xã hội. Điều này cho thấy có đủ cơ sở chứng minh ông Viễn không phải là người của một doanh nghiệp nên việc ông tham gia nộp hồ sơ, gây ra sự việc tại cuộc đấu giá sau đó phản ánh ý kiến tới cơ quan chức năng hẳn có động cơ riêng tư nào đó?

Những dấu hiệu khó hiểu

Để những đối tượng trong đường dây “cò” đấu giá kia có nhiều hành vi bất thường, thậm chí lộng hành, theo tìm hiểu của phóng viên, họ đã lợi dụng công ty khác

Ngày 15-3, ông Nguyễn Văn Viễn xuống nộp phiếu trả giá nhưng không giao, nhận hồ sơ tham gia đấu giá và hồ sơ năng lực nhà thầu nhưng cũng mang theo có giấy giới thiệu (không ghi số).

Về nhân thân ông Nguyễn Văn Viễn, không phải trưởng phòng nhưng ông này lại không có tên trong hồ sơ đóng bảo hiểm của đơn vị nhưng lại ngang nhiên gửi đơn thư sai sự thật.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Quang Minh

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/dieu-tra-diem-nong/nhom-co-dau-gia-o-hai-duong-muon-gio-de-be-gi-252778.html