'Nhóm Bộ tứ' hồi sinh: Khắc tinh của Trung Quốc hay 'sớm tan như bọt biển Thái Bình Dương'?

Nhóm 4 nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ được kỳ vọng sẽ là đối trọng với Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh chỉ 'cười khẩy' cho rằng 'tên gọi thì hay' nhưng liên minh này sẽ 'sớm tan như bọt biển'.

Nhóm 4 nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ được kỳ vọng sẽ là nền tảng đối trọng với Trung Quốc.

Nhóm 4 nước Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ được kỳ vọng sẽ là nền tảng đối trọng với Trung Quốc.

Cân bằng với Trung Quốc

Các quan chức cấp cao từ Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ - một nhóm các quốc gia được gọi là “Nhóm Bộ tứ" – đã có cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở Singapore trong hai ngày 14-15/11.

Đây mới chỉ là cuộc họp thứ ba của nhóm kể từ khi hồi sinh vào năm ngoái trong vai trò đối trọng với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Sự trở lại của Nhóm Bộ tứ - vốn được hình thành từ hơn một thập kỷ trước dưới thời chính quyền Bush - phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng của nhiều quốc gia đối với chính sách đối ngoại bị chỉ trích là “hung hăng” đến từ quốc gia châu Á.

Bốn quốc gia này muốn cung cấp một mô hình thay thế cho các quy tắc độc đoán của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, mà trong một số trường hợp đã gây ra nhiều vấn đề cho các quốc gia nghèo và gia tăng sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Australia nhìn nhận Nhóm Bộ tứ là một "cấu trúc quan trọng trong khu vực" trong các mục tiêu hợp tác kinh tế, quân sự và chiến lược, Thủ tướng Scott Morrison nói với các phóng viên hôm 14/11.

Nguồn gốc của Nhóm Bộ tứ bắt nguồn từ trận sóng thần năm 2004 với những tàn phá nặng nề đối với phần lớn châu Á. Sau đó bốn quốc gia này đã cùng nhau hợp tác trong nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo. Những người ủng hộ ban đầu bao gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney.

Các quan chức cấp cao của Nhóm Bộ tứ đã tổ chức cuộc họp đầu tiên vào năm 2007 và bốn quốc gia đã có với nhau các cuộc tập trận hải quân chung. Tuy nhiên, những động thái này đã gây ra các phản ứng từ Bắc Kinh.

Nhóm cũng bất ngờ tan vỡ khi Kevin Rudd – người có khuynh hướng chính sách hợp tác với Trung Quốc - trở thành Thủ tướng Australia cùng năm đó.

Kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã ngày càng trở nên tham vọng hơn bằng việc mở rộng ảnh hưởng ra Biển Đông, tiến hành quân sự hóa các đảo tranh chấp, thiết lập căn cứ quân sự tại Djibouti trên đường đến kênh đào Suez và tài trợ cho việc xây dựng các dự án hạ tầng trong khu vực.

Các đồng minh của Mỹ như Australia cũng rơi vào rắc rối bởi những cáo buộc về việc Trung Quốc đang cố gắng thao túng nền chính trị ở quốc gia này.

Ở thời điểm hiện tại, Nhóm Bộ tứ đang có những bước đi chậm rãi và dần dần thuyết phục các quốc gia khác về giá trị của mình. Quan trọng hơn, nhóm nhấn mạnh rằng, họ không phải là một phần của chiến lược đối đầu trực tiếp với Trung Quốc - mà là để cân bằng với quyền lực ngày càng tăng của quốc gia châu Á. Nhóm Bộ tứ muốn thể hiện mình là một câu lạc bộ các quốc gia tôn trọng pháp luật và tạo dựng một môi trường kinh tế công bằng, dân chủ, các bên cùng có lợi.

Nền tảng không vững bền

Nhóm Bộ tứ sẽ không thể là một "NATO phương Đông"

Nhóm Bộ tứ vẫn chưa được chính thức hóa bằng một cuộc họp cấp bộ trưởng trong bối cảnh các nước thành viên lo ngại rằng điều đó sẽ gây nguy hiểm cho mối quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang nhìn họ bằng ánh mắt hoài nghi, với việc Ngoại trưởng Vương Nghị chế nhạo nhóm chỉ là một ý tưởng “nghe thì hay” nhưng sẽ tan biến "giống như bọt biển ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương".

"Lập trường chính thức của bốn quốc gia đó là không nhắm vào ai", ông Vương nói hồi tháng 3. "Tôi hy vọng những gì họ làm sẽ phù hợp với những gì mà họ nói. Ngày nay, việc châm ngòi cho một cuộc Chiến tranh Lạnh mới là không phù hợp với thời đại và một cuộc đối đầu giữa các khối sẽ chẳng có nghĩa lý gì”.

Một mục tiêu chính của Nhóm Bộ tứ là tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng được hoạch định đúng đắn và bền vững về mặt tài chính - mặc dù họ không có nhiều tiền mặt để cung cấp giống như sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, như theo Morgan Stanley tiết lộ sẽ là 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2027.

Điều này cũng trở nên khó khăn đối với các nền kinh tế nhỏ không có khả năng xoay xở - đặc biệt là ở Myanmar và Sri Lanka, nơi các khoản thanh toán nợ chiếm khoảng 80% doanh thu quốc gia.

Các quan chức từ các quốc gia Nhóm Bộ tứ nhấn mạnh rằng họ là một phần của một chiến lược lớn hơn có thể bao gồm nhiều quốc gia khác nhau. Ví dụ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Mỹ đang lên kế hoạch tài trợ cho chương trình cơ sở hạ tầng điện và internet trị giá hàng triệu đô la cho Papua New Guinea, theo tờ The Australian.

Nhóm Bộ tứ trong tương lai cũng có khả năng là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ nhằm thúc đẩy một khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói với các phóng viên hôm 13/11 tại Singapore.

"Đây là một chiến lược vẫn đang được định hình, nhưng nó đang nhận được những kết quả rất tốt và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi nó", ông Bolton nói. "Mức độ hoạt động ngoại giao đã tăng lên".

Đầu tháng này, Thủ tướng Morrison đã thông báo về một quỹ cơ sở hạ tầng trị giá 2 tỷ USD cho khu vực Nam Thái Bình Dương, mô tả khu vực này là “miếng vá” của Australia.

Nhật Bản đã đồng ý với Ấn Độ vào tháng 5 năm ngoái để phát triển một loạt các dự án chung theo những gì họ gọi là "hành lang tăng trưởng châu Á - châu Phi", kết nối châu Phi với Ấn Độ và các nước Đông Nam Á thông qua các tuyến đường biển.

Mặc dù sự phát triển của Nhóm Bộ đang tỏ ra khả quan, vẫn còn đó những trở ngại. Trên thực tế, cấu trúc này vẫn chưa định hình được rõ ràng mục tiêu của mình là gì và Ấn Độ vẫn tham gia một cách khá miễn cưỡng.

Thủ tướng Narendra Modi gần đây đã tập trung vào việc hàn gắn quan hệ với chính quyền Bắc Kinh, và đầu năm nay ông nói Ấn Độ “không nhìn thấy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một chiến lược hay một câu lạc bộ hạn chế thành viên”.

John Blaxland, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Australia nhận định, đang có quá nhiều hy vọng và niềm tin được đặt trong một cấu trúc có một số nền tảng yếu kém cơ bản như Nhóm Bộ tứ.

"Mặc dù có chiều sâu hợp tác nhưng sẽ là sai lầm khi nhìn vào sự sắp xếp của Nhóm Bộ tứ như một NATO ở phía Đông và lục địa Á-Âu", Blaxland nêu quan điểm.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhom-bo-tu-hoi-sinh-khac-tinh-cua-trung-quoc-hay-som-tan-nhu-bot-bien-thai-binh-duong-a411149.html