Nhóm bác sĩ trẻ tình nguyện hỗ trợ từ xa cho 26 cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài chống dịch

Vào giữa những ngày dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, một nhóm bác sĩ chuyên khoa ở các bệnh viện hàng đầu của Việt Nam đã sáng kiến tổ chức tư vấn trực tuyến các biện pháp phòng, chống COVID-19 cho 26 Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam ở các châu lục: Bắc Mỹ, châu Âu, châu Phi, châu Á -Thái Bình Dương.

Các bác sĩ trao đổi trực tuyến với 26 CQĐD của Việt Nam ở các châu lục

Các bác sĩ trao đổi trực tuyến với 26 CQĐD của Việt Nam ở các châu lục

Khi COVID-19 dịch bùng phát trên toàn thế giới, những dòng người Việt ở khắp nơi quay trở về đất nước. Nhưng có những người phải bám trụ địa bàn để thực hiện nhiệm vụ đối ngoại và bảo hộ công dân Việt Nam ở sở tại. Hơn bao giờ, họ gặp nhiều khó khăn trước tốc độ lan nhanh của dịch.

BS. Phạm Thế Thạch, người sáng kiến tổ chức nhóm bác sĩ tình nguyện tư vấn cho các CQĐD ở nước ngoài, kể với tôi: Các CQĐD của Việt Nam ở nước ngoài không có nhân viên y tế, mà việc đi khám bệnh trong thời điểm có dịch rất khó khăn, nên mọi người hết sức lo lắng và lúng túng. Chúng tôi biết rằng, bà con mình ở xa Tổ quốc đang rất cần được giúp đỡ để có thể vượt qua dịch bệnh.

"Khi Đại sứ Việt Nam ở Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc ngỏ ý muốn lập nhóm tư vấn hỗ trợ trực tuyến cho các Đại sứ quán và người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi đã nhận lời tình nguyện hỗ trợ các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán những kiến thức về thức phòng, chống dịch COVID-19, với mong muốn mọi người có hiểu biết cơ bản để yên tâm phòng chống dịch, giữ gìn sức khỏe. Chúng tôi hy vọng, sự giúp đỡ này như một nhịp cầu tình cảm giữa Tổ quốc với những người con đang làm nhiệm vụ ở nơi xa, cũng là để gửi gắm sự quan tâm của những "chiến sĩ áo trắng" tới những "chiến sĩ ngoại giao" giữa mùa dịch" - BS. Thạch chia sẻ.

Nhóm bác sĩ tư vấn cho các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài

Nhóm bác sĩ nhanh chóng chuẩn bị những kiến thức thiết thực nhất với người Việt ở nước sở tại về dịch bệnh COVID-19, dựa trên những thắc mắc của họ gửi về.

Ban đầu, có 3 bác sĩ tham gia là BS. Phạm Thế Thạch, BS. Nguyễn Thị Hằng và BS. Đồng Phú Khiêm - một trong những người trực tiếp điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Buổi đầu tiên, các bác sĩ tư vấn cho toàn bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Khi thấy hiệu quả từ buổi tư vấn với những người xa xứ giữa lúc dịch hoành hành, Đại sứ Hà Kim Ngọc đã đề nghị nhóm bác sĩ tiếp tục hỗ trợ các CQĐD ở các điểm nóng có trên 10.000 người nhiễm.

Vì thế, BS. Thạch kêu gọi các đồng nghiệp thân thiết cùng tham gia tư vấn cho các CQĐD ở các châu lục. Lần này, 9 bác sĩ của 5 bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội tình nguyện tham gia tư vấn trực tuyến cho 26 điểm cầu ở 26 nước. Gần 20 vấn đề lớn liên quan đến COVID-19 đã được các bác sĩ giải đáp chu đáo, cặn kẽ, giúp cán bộ, nhân viên các CQĐD chủ động phòng, chống dịch.

Khi biết có nhóm bác sĩ ở Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ trực tuyến, nhiều bà con người Việt ở nhiều nước đã gọi về xin tư vấn vào những ngày sau đó. Không chỉ thế, khi nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam ở Hoa Kỳ đề xuất đến vấn đề kinh phí cho các bác sĩ, nhóm tư vấn đã thống nhất đây là hoạt động tự nguyện trên tinh thần đóng góp công sức của các bác sĩ giúp bà con sứ quán. Hơn nữa, các bác sĩ còn hy vọng, nếu sau này khi điều trị cho các bệnh nhân hiểm nghèo mà khó khăn, thì sẽ thông báo lên nhóm này để cho mọi người chung tay hỗ trợ bệnh nhân.

Thư cảm ơn của Đại sứ Hà Kim Ngọc

Cảm động trước tấm lòng của nhóm bác sĩ trẻ đã tận tình tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, sẵn sàng hỗ trợ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn dịch COVID-19 hiện nay cũng như thường xuyên sau này, Đại sứ Hà Kim Ngọc bày tỏ trong thư cảm ơn: Các Trưởng CQĐD hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của các bác sĩ trong việc xây dựng mô hình hỗ trợ từ xa cho CQĐD, và rất trân trọng sự thúc đẩy của BS. Thạch, BS. Điền và các bác sĩ để Bộ Y tế sớm cấp tài khoản tư vấn cho tất cả các CQĐD trên thế giới, thực sự thể hiện tinh thần Y tế đồng hành cùng Ngoại giao.

“Chúng tôi cảm thấy vững tin, vững tâm hơn và thấy gần đất nước hơn khi có sự đồng hành và hậu thuẫn của các bác sĩ” - Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.

Đại sứ Ngọc cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đang tổng hợp, biên tập lại các nội dung trao đổi và gửi đến tất cả các CQĐD Việt Nam trên toàn thế giới, đưa kiến thức mà các bác sĩ đã chia sẻ đến từng cán bộ, nhân viên và thành viên gia đình.

Chia sẻ với tôi, BS. Phạm Thế Thạch cho biết, nhóm bác sĩ sẽ tiếp tục giúp đỡ các Đại sứ quán và người Việt Nam ở nước ngoài cho đến khi nào hết dịch và người dân Việt ở nước ngoài hết cần thì thôi!

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nhom-bac-si-tre-tinh-nguyen-ho-tro-tu-xa-cho-26-co-quan-ngoai-giao-viet-nam-o-nuoc-ngoai-chong-dich-387203.html