Nhồi nhét 'kép' học sinh Tiểu học đến bao giờ?

Đa số gia đình chúng ta đều có các con, các cháu đang là học sinh công lập bậc Tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5). Và gia đình tôi ở Hà Nội hiện nay cũng có một cháu đang học lớp 5 bán trú. Có nghĩa là mỗi ngày cháu phải học liên tục ở trường cả 2 buổi: sáng, chiều (chỉ trừ thứ bảy, chủ nhật).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ấy vậy mà ngày nào cháu tôi tan học rồi, nhưng trong ba lô (của cháu) cũng bị nhồi nhét các tờ bài tập Toán hoặc Tiếng Việt về nhà làm. Thế nên mặc dù cháu đã phải học cả ngày ở trường; đến tối về nhà, lại phải cặm cụi làm các bài tập tới tận đêm khuya cháu mới được đi ngủ.

Có một buổi chiều, tôi đến cổng trường đón cháu tan học, tôi tranh thủ “phỏng vấn” một cháu lớp 4, một cháu lớp 3, thì cả 2 cháu cũng đều nói có các tờ bài tập về nhà hàng ngày.

Thế nên tôi muốn tìm hiểu, hỏi rõ nguyên do vì sao các cháu học sinh học bán trú cả ngày ở trường (kể cả sáng đi học không bán trú, để về nhà ăn trưa; nhưng chiều vẫn phải đến trường), mà vẫn bị nhồi nhét bài tập về nhà? Và tôi được mấy cô giáo giải thích “nước đôi” là: “Tuy trong ba lô có các tờ bài tập; song không bắt buộc các con phải làm”...

Trong khi đó tôi được biết: Yêu cầu đối với học sinh phổ thông - phải được hiểu bài lý thuyết ngay tại lớp, do các thầy cô giáo giảng chậm và kỹ. Trên cơ sở đó, học sinh sẽ được làm bài tập cũng ở ngay tại lớp.

Nhất là đối với học sinh bậc Tiểu học, không thể có chuyện giao bài tập về nhà theo kiểu “nước đôi” nêu trên. Học sinh nào “thích” thì làm bài, “không thích” thì thôi - cũng được sao?

Tất nhiên, học sinh từ bậc Tiểu học cũng bắt đầu được rèn luyện tư duy thông minh, sáng tạo. Đơn cử một phép tính cộng rất đơn giản, nhưng lại dài dằng dặc từ 1+2+3… cho đến 98+99+100=? Nếu học sinh nào cần cù thuần túy, “máy móc”, sẽ phải làm bài tính cộng này trình tự, lần lượt, vất vả mới ra đáp số.

Song, có học sinh thông minh sẽ phát hiện ra một điều thật thú vị là 1+100=101 và 2+99 cũng=101. Rồi 3+98 cũng=101. Và tất cả có 50 cặp tính cộng đều ra cùng kết quả 101; rồi từ đó, (học sinh thông minh) biết chuyển đổi sang một phép tính nhân 50x101=5.050, đó chính là đáp số của phép tính cộng dài dằng dặc nêu trên.

Nhưng tôi cho rằng việc rèn luyện (tư duy thông minh, sáng tạo) đối với học sinh bậc Tiểu học, nên tiến hành ngay tại trường, mà không cần thiết phải ra bài tập về nhà.

Thí dụ cô giáo có thể ra đề 1 bài toán khó cho học sinh làm ngay tại lớp, xem bạn nào làm xong trước, thì giơ tay lên bảng “trình bày” cho cả lớp biết cách giải (bài toán khó) ấy… Và dĩ nhiên bạn làm xong trước sẽ được cô giáo biểu dương, khen thưởng kịp thời ngay tại lớp.

Đặc biệt, các thầy cô giáo rất cần dạy cho học sinh từ bậc Tiểu học đã biết cách “đơn giản hóa những kiến thức phức tạp”. Và thầy cô giáo tuyệt đối “đừng phức tạp hóa những kiến thức đơn giản” đối với học sinh (ngay từ bậc Tiểu học).

Còn chuyện học sinh Tiểu học bị nhồi nhét "kép" là do tình trạng khá phổ biến - sĩ số các lớp học quá đông, dẫn đến không hiếm 3 học sinh phải ngồi chung 1 bàn “3 trong 1”, làm ảnh hưởng đến sự thoải mái tiếp thu kiến thức của các con, do chỗ ngồi học chật chội, bức bách suốt cả ngày.

Thế mới có “dư luận vui” trong nhân dân về các học sinh (công lập) bậc Tiểu học đang bị nhồi nhét kép “bình phương” cả về kiến thức và chỗ ngồi học.

Tuy nhiên, tình trạng nhồi nhét “3 trong 1” khó có thể khắc phục được ngay một sớm một chiều, vì ngân sách đầu tư ở các trường Tiểu học công lập của chúng ta còn bất cập.

Riêng việc nhồi nhét kiến thức, hoàn toàn có thể chấm dứt được ngay nếu như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng các lãnh đạo nhà trường quan tâm, chỉ đạo các thầy cô giáo thực hiện triệt để, không giao bài tập về nhà cho học sinh bậc Tiểu học, để góp phần nâng cao sự phát triển thể chất và sự vô tư trong sáng tuổi học trò (bắt đầu từ bậc Tiểu học) cho con, cháu yêu quý của chúng ta.

Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn

NGUYỄN THÀNH LẬP (Hà Nội)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhoi-nhet-kep-hoc-sinh-tieu-hoc-den-bao-gio-704803.html