Nhói lòng với điều ước đêm Trung thu của trẻ mồ côi, khuyết tật miền sơn cước

'Con mong có cái ô tô điều khiển màu đỏ giống trên ti vi…con muốn được nhảy múa và rước đèn giống các bạn…Con ước bố đến thăm mình…', đó là những câu trả lời chẳng đợi suy nghĩ khi được hỏi của những đứa trẻ mồ côi và khuyết tật về điều ước ngày Tết Trung thu.

Bé bỏng những phận đời

Cách đây 7 năm, khi mới 1 tuổi, cậu bé H.G.B được bác ruột gửi đến Cơ sở Bảo trợ Xã hội Tổng hợp (CSBTXHTH) tỉnh Lạng Sơn. Bố mẹ B. mất trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc, còn B. vì vậy mà bị chấn thương nặng nề và từ đó cuộc đời cậu gắn liền với chiếc xe lăn.

G.T.H.N (8 tuổi) cũng được bà ngoại đưa đến CSBTXHTH tỉnh Lạng Sơn cách đây 3 năm do bà tuổi cao, sức yếu, không còn khả năng nuôi dưỡng em. N. không phụ thuộc vào xe lăn giống B. nhưng lại mang trong mình căn bệnh HIV. Mẹ N. mất cũng vì bệnh này.

B. chơi đùa cùng bong bóng trong sân CSBTXHTH tỉnh Lạng Sơn.

B. chơi đùa cùng bong bóng trong sân CSBTXHTH tỉnh Lạng Sơn.

Cuối tháng 7 năm 2018, Đ.T.K.L khi ấy mới 4 tuổi được lực lượng chức năng giải cứu khỏi đường dây buôn bán người sang Trung Quốc mà kẻ chủ mưu chính là đấng sinh thành của em. Sau đó, cha đi tù, mẹ và ông bà nội, ngoại đều đã mất nên L. được CSBTXHTH tỉnh Lạng Sơn đón về nuôi dưỡng.

Còn hai chị em T.T.T.X (9 tuổi) và T.T.T.T (8 tuổi) lại đặc biệt hơn khi tự tay viết đơn xin được vào cơ sở bảo trợ vào hồi tháng 8 vừa qua. Trong phần tự khai về hoàn cảnh gia đình, hai em nhỏ chỉ ghi vỏn vẹn dòng chữ nắn nót: “Bố mẹ mất sớm, không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn”.

Chị Diệp Tuyết Lan, Phó Giám đốc CSBTXHTH tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm đơn vị này tiếp nhận và nuôi dưỡng từ 90 đến 120 đối tượng; trong đó bao gồm trẻ em khuyết tật, thiểu năng, mồ côi, nhiễm HIV, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Điều ước đêm Trung thu

Được sự đồng ý của Phó Giám đốc CSBTXHTH Lạng Sơn và sự giúp đỡ của chị Thu Huyền – cán bộ chăm sóc, một mâm cỗ trông trăng sớm cho những đứa trẻ kém may mắn đã được bày biện.

Đang cầm chiếc đèn ông sao để hứng quả bong bóng lớn do chị em X.- T. thổi ra, L. lí nhí hỏi: “Cô ơi, Trung thu có được ước không cô, nếu được con ước bố đến thăm con nhé…”. Nghe vậy, N. đang ở gần đó cũng chạy lại, ngước đôi mắt trong veo nói: “Con cũng muốn ước, con muốn gặp em con, em đang ở với dì và bà ngoại… Con cũng nhớ cả bố cả mẹ nữa”.

Những người lớn chưa biết nên trả lời hai đứa trẻ ra sao thì chị em X. – T. đã ôm nhau khóc thút thít ở một góc, càng vỗ về thì chúng càng khóc to hơn và nói trong tiếng nấc: “Bố bảo ngoan… chúng con ngoan sẽ mua bờm trung thu có đèn nhấp nháy trên đầu… cho con và chị…X… Các cô…ở đây hay khen…con ngoan mà….bố ơi, mẹ ơi…”.

T. sụt sùi bên chiếc đèn ông sao.

Còn B. tỏ ra cứng cỏi bảo: “Con không khóc như con gái đâu…con chỉ muốn Trung thu mình có một cái xe ô tô điều khiển màu đỏ giống trên ti vi, cái mà hè trước ông bà nội mua cho con. Nếu được thêm thì con ước mình có thể đem ô tô đi rước đèn, nhảy múa với các bạn và cô chú trong đây rồi hát bài ‘Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu, cán đây rất dài,..’ cô có thuộc không? Cô hát với con”.

Lúc ấy, dường như đã cố gắng nhưng không ai có thể cất lời hát theo B. khi cổ họng đang nghẹn đắng. Những giọt nước len lén rơi nơi khóe mắt và một cảm giác xót xa dâng lên trong lòng.

Các em nhỏ trong CSBTXHTH Lạng Sơn đang chơi đùa bên cầu trượt và xích đu mới.

Dưới ánh trăng đêm Trung thu, tất cả cùng nhau hát “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu. Cán đây rất dài cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan! Tùng rinh rinh, tùng tùng rinh rinh. Đây ánh sao vui chiếu xa sáng ngời…”.

Chị Diệp Tuyết Lan cho biết: “Tất cả trẻ tại cơ sở luôn được đảm bảo các điều kiện về chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng chế độ, chính sách của Nhà nước như được đảm bảo về chế độ ăn uống, sức khỏe; văn hóa – thể thao phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các trường hợp trong độ tuổi đi học nếu đủ khả năng về sức khỏe, tinh thần thì 100% được đến trường”.

Mặc dù như vậy, chị Lan nghẹn ngào cho biết trẻ ở đây không được người thân, gia đình đến thăm thường xuyên. Đây là điều chị và các cán bộ nơi đây rất trăn trở và cố gắng làm mọi việc có thể để bù đắp về mặt tinh thần cho các em.

Lộc Liên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhoi-long-voi-dieu-uoc-dem-trung-thu-cua-tre-mo-coi-khuyet-tat-mien-son-cuoc-1728391.tpo