Nhói lòng 2 nữ sinh nghi nhảy chung cư tự tử: Chuyên gia tâm lí nói gì?

Ở Việt Nam, trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là giới trẻ. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, vấn đề tự tử của học sinh thời gian gần đây như một hiện tượng bị lây lan.

Ngày 22/3, Công an quận 12, TPHCM đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân hai cô gái trẻ nghi rơi lầu tử vong tại chung cư Topaz Home trên đường Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất). Trước khi rơi ở chung cư Topaz Home tử vong, hai nữ sinh 16 tuổi bỏ nhà đi nhiều ngày và có những tin nhắn thể hiện ý định tự tử.

Vào đầu tháng 3, một nữ sinh lớp 6 treo người lơ lửng trên tầng cao của Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) khiến nhiều người chứng kiến hoảng loạn. Rất may nữ sinh được cứu kịp thời.

Vào thời điểm trên, một nữ sinh mặc đồng phục Trường THCS Minh Đức đu trên thành tường lan can ở lầu cao nhất của trường. May mắn, có người xuất hiện kịp thời, chộp tay kéo nữ sinh này vào trong, thoát khỏi nguy hiểm. Nữ sinh này trước đó có buồn chuyện gia đình, nảy sinh ý định dại dột.

Vào tháng 12/2020, nữ sinh lớp 10 ở An Giang được cho là uống thuốc tự tử vì uất ức trong xử lý vi phạm của nhà trường. Mẹ của nữ sinh này chia sẻ, con gái mình bị uất ức do bị nhà trường xử lý vi phạm quy chế, mà nguyên nhân là do Y. không tham gia học phụ đạo do trường tổ chức có thu phí. Phía nhà trường thừa nhận có sai sót.

Trước đó, hàng loạt vụ tự tử xảy ra như trường hợp nam sinh lớp 10 ở TPHCM để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử ngay trong trường học; Nữ sinh lớp 11 ở Bình Phước tự tử để lại 5 bức thư tuyệt mệnh; …đều là những vụ đau xót xảy ra mà nguyên nhân từ áp lực học tập.

Tình trạng tự tử ở độ tuổi học sinh gia tăng?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 20% trẻ em và vị thành niên có rối loạn tâm thần, 50% khởi phát ở độ tuổi 14. Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây ra tử vong ở lứa tuổi 15-19.

Cũng theo tổ chức này, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe con người (chỉ sau tim mạch).

Ước tính mỗi năm có hàng chục ngàn người tự tử do trầm cảm, gấp 2,5 lần so với số người chết vì tai nạn giao thông. Ở Việt Nam, trầm cảm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là giới trẻ.

Theo nghiên cứu gần đây nhất, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần dao động từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên.

Ngoài ra, theo số liệu của 1 số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Các vụ tự tử ở Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, tỉ lệ nữ sinh có xu hướng tự tử cao gấp 3 lần so với nam sinh. Đây được xem là tỉ lệ chênh lệch khá cao so với các nước trên thế giới.

Theo PGS-TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), ước tính, ở Việt Nam, tỷ lệ thanh thiếu niên và trẻ em có các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng khoảng 12%, tương đương 3 triệu thanh thiếu niên có nhu cầu hỗ trợ và trị liệu? PGS Nam cho rằng, đó là dấu hiệu cảnh báo chúng ta cần phải quan tâm một cách nghiêm túc đến vấn đề sức khỏe tâm thần ở độ tuổi học đường.

Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân

PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tổn thương sức khỏe tinh thần của học sinh. Một trong số đó là các sang chấn tâm lý trong môi trường sống và học tập. Những yếu tố gây áp lực lớn cho học sinh bao gồm mâu thuẫn trong các mối quan hệ.

Đầu tiên là mâu thuẫn giữa kỳ vọng của cha mẹ về học tập, định hướng nghề nghiệp và mong muốn bản thân, mâu thuẫn với bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác thể hiện trong việc bị cô lập, bị bắt nạt, bạo lực trực tiếp hoặc trực tuyến; mâu thuẫn với giáo viên liên quan đến phương pháp học tập và kỳ vong kết quả,...

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, vấn đề tự tử của học sinh thời gian gần đây tăng lên như một hiện tượng đang bị lây lan.

Theo các nhà tâm lý, hiện nay, giới trẻ đứng trước áp lực của cuộc sống, bạn bè, bản thân, học hành thì thường bế tắc. Nhiều em không có cách giải quyết và phải âm thầm chịu đựng, tự tìm cách giải quyết.

Khi phải tự giải quyết thì ở độ tuổi của các con chưa phát triển, cảm xúc còn mong manh, các con chưa tìm ra được hướng tích cực và thường đi vào hướng đi tiêu cực và định kiến tiêu cực. Và đến lúc các con không thể chịu đựng được nữa thì các con buộc phải có hành động giải thoát cho bản thân là tự tử.

“Việc này đã có dấu hiệu của sự lây lan. Vì các con không chia sẻ được với ai và không có kĩ năng giải quyết vấn đề. Hành động của trẻ muốn chấm dứt ngay là tự tử chính là cách các con lựa chọn”- bà Hà nhấn mạnh.

1 trong 5 lá thư tuyệt mệnh T.- nữ sinh lớp 11 ở Bình Phước để lại

1 trong 5 lá thư tuyệt mệnh T.- nữ sinh lớp 11 ở Bình Phước để lại

"Thư tuyệt mệnh" nữ sinh ở An Giang viết trước khi uống thuốc tự tử (do gia đình cung cấp)

Cần giải quyết càng nhanh càng tốt

PGS.TS tâm lý Trần Thành Nam cho rằng, phải thừa nhận rằng chúng ta chưa quan tâm nhiều đến việc giáo dục sức khỏe cho học sinh cả về sức khỏe thể chất lẫn tâm thần. Mặc dầu trong trường học đã có môn giáo dục thể chất hay các giờ thể dục, còn các nội dung giáo dục về sức khỏe tâm thần thì hầu như không có.

Ngay cả trong chương trình đào tạo giáo viên cũng không có học phần liên quan đến sức khỏe tâm thần, chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo giáo viên cũng không có nhắc đến kiến thức thái độ về các vấn đề sức khỏe tâm thần hay kỹ năng ứng xử phù hợp với những học sinh tổn thương sức khỏe tâm thần

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, để giải quyết vấn đề này thì phải mang tính chất đồng bộ. Có nghĩa là gia đình, nhà trường cần có sự hỗ trợ các con nhiều hơn nữa.

Bà Hà cho rằng, nhận thức ở trong cộng đồng, những người sống xung quanh các con phải thay đổi nhìn nhận, cần phải thấy vấn nạn tự sát, tiêu cực để có thể hỗ trợ bài bản.

Phía gia đình phải quan tâm lưu ý, con mình như để ý con đi học có vui vẻ không, con đi học có chịu áp lực gì không, con mình đang gặp phải vấn đề gì để giúp đỡ, hỗ trợ con. Và phải hiểu giải quyết càng nhanh càng tốt.

“Vì thế bố mẹ cần phải xác định là đồng hành, quan sát con và con có vấn đề giải quyết thì giải quyết cùng con. Còn khi vượt qua mức của bản thân thì tìm các chuyên gia: các bác sĩ tâm thần, các chuyên gia tâm lý, tham vấn cộng đồng’- bà Hà nhấn mạnh.

Thứ hai, theo nhà tâm lý này, thầy cô cũng nắm bắt được học sinh của mình xem: “chúng có câu chuyện buồn nào không, kết quả bài vở ra sao,..”. Tôi không nghĩ bao giờ có dấu hiệu “không sao cả”. Trước đó, trẻ đã có sự suy nghĩ, đấu tranh hàng tháng trời, tạo ra một cơn đau mới dẫn đến hành động tự tử để chấm dứt cơn đau.

Cũng theo bà Hà, điều quan trọng nhất là cần phải có trung tâm tham vấn học đường trong nhà trường.

“Điều này là điều chắc chắn phải làm. Các nhà làm tham vấn được trả lương và có vị trí nghề nghiệp trong hệ thống thì mới thể thúc đẩy hệ thống hỗ trợ tốt hơn. Hiện nay, một số trường có ý thức về việc này và đã bắt đầu có phòng tham vấn nhưng cách làm chưa bài bản, chỉ manh mún”- bà Hà nhấn mạnh

Bà Hà cho rằng, khi ở trong trường không cần phải có các yếu tố quá đặc biệt như các trung tâm tham vấn ngoài cộng đồng mà chỉ cần có một thầy/ cô quan sát, nói chuyện và tìm hiểu với học sinh để xem học sinh có gặp vấn đề gì, xây dựng chiến lược để học sinh tốt về tâm lý hơn, giải quyết mối quan hệ với bạn bè tốt hơn.

"Mỗi trường chỉ cần một người làm chức năng này. Như vậy, đã là tốt lắm rồi và giải quyết được 70% những vấn đề của các học sinh'- bà Hà nói.

Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, để không có những vụ tự tử ở trường thì công tác quản lý học sinh phải thực sự sát sao. Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi phải có con người để làm công việc quản lý học sinh. Nhưng vị trí này hiện không có trong danh mục hay chức danh nghề nghiệp hiện tại.

“Điều này các ban ngành, Bộ GD&ĐT cần phải nhìn thấy được. Đây là vị trí cần phải có ở mỗi nhà trường”- thầy Phú nhấn mạnh.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nhoi-long-2-nu-sinh-nghi-nhay-chung-cu-tu-tu-chuyen-gia-tam-li-noi-gi-1810416.tpo