Nhọc nhằn xử lý rác tại Hà Nội

Dù người dân đã dừng vây đường vào bãi rác, nhưng câu chuyện bãi rác Nam Sơn vẫn gây nhiều bức xúc và tiếp tục là điểm nóng gây tranh cãi trong thời gian qua tại Hà Nội.

Có thể thấy, từ khi bãi rác Nam Sơn được thành lập vào năm 1999, từ một vùng nông thôn trù phú ở Sóc Sơn (Hà Nội) suốt 20 năm bị "bức tử" bởi núi rác cao hàng chục mét, đến mức không ai còn muốn ở lại mảnh đất này.

Người dân xã Nam Sơn chặn đường xe chở rác vào bãi

Người dân xã Nam Sơn chặn đường xe chở rác vào bãi

Sống chung với rác

Hiện gần 1.000 hộ dân thuộc 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ (thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đang sinh sống trong vùng ô nhiễm (bán kính 500 m tính từ bãi rác) đều ngày ngày chịu cảnh sống chung với rác.

Trước đó, nhiều người dân ở xã Nam Sơn và Hồng Kỳ đã chặn xe rác vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, vì cho rằng thành phố và huyện chậm trễ thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500 m) của bãi rác này.

Tình trạng người dân chặn không cho xe rác vào đây đã diễn ra nhiều năm, đặc biệt là vào những mùa nắng nóng đỉnh điểm trong các tháng 6, 7 trong vòng vài năm trở lại đây. Ông Trần Văn Tuấn (58 tuổi) cho biết, giữa năm 2017, nạn ruồi nhặng hoành hành từng khiến người dân bức xúc. Họ mang hàng cân xác ruồi ra chặn giữa đường không cho các xe chở rác vào bãi.

“Cùng thời điểm này năm 2018, cực chẳng đã, chúng tôi lại phải chặn xe rác vì thời tiết nắng nóng cộng với mùi hôi thối làm bà con không chịu nổi. Chính quyền huyện lại xuống đối thoại, người dân lại giải tán nhưng vẫn không được giải quyết và kéo dài đến hôm nay”, ông Tuấn trao đổi.

Đối với người dân Nam Sơn, cứ chặn xe rác thì rác thải sẽ ùn ứ ở nội thành vì không có nơi xử lý. Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc Cty Môi trường đô thị Hà Nội cũng xác nhận, do người dân chặn xe tại bác rác Nam Sơn trong những ngày qua, ước tính nội đô ùn ứ khoảng 10.000 tấn rác. Mặc dù sau khi người dân dừng chặn xe, các đơn vị tăng cường để vận chuyển rác tồn đọng, tuy nhiên, dự kiến 3-5 ngày tới mới giải phóng rác tồn.

Do vậy, điều này đã thành một tiền lệ, cứ chặn xe rác là cách hiệu quả nhất để thành phố phải sốt ruột với nỗi khổ của người dân hàng chục năm ô nhiễm nguồn nước, ruồi nhặng bu đầy, không có đất canh tác.

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã triệu tập một cuộc họp khẩn để giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn (trong bán kính 500 m) và một số dự án trong vùngbãi rác. Tuy nhiên, người dân vẫn đang thấp thỏm chờ đợi, không biết đến bao giờ họ mới chính thức “chia tay” mảnh đất này.

Vấn đề căn cơ

Để giải quyết nhanh chóng bức xúc của người dân, ngoài việc bồi thường theo giá đất của loại đất tại vị trí theo đúng quy định, Hà Nội đã cho phép UBND huyện Sóc Sơn lập, phê duyệt bổ sung chính sách hỗ trợ khác với mức hỗ trợ không quá 500.000 đồng/m2.

Mặc dù vậy, vấn đề rác thải sinh hoạt đang là thách thức rất lớn đối với Hà Nội và là cái gốc cần xử lý về lâu dài. Với tốc độ đô thị hóa và phát triển mạnh mẽ, theo báo cáo giám sát cuối tháng 6 vừa qua của HĐND thành phố Hà Nội, tổng khối lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 6.500 tấn/ngày.

Trong thời gian tới, cả 2 bãi rác chủ lực là Nam Sơn và Xuân Sơn đều sắp hết khả năng tiếp nhận rác. Do đó, Hà Nội cần phải có giải pháp căn cơ về xử lý rác thải sinh hoạt.

Bãi rác Nam Sơn đang xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp. Theo PGS. TS Nguyễn Đức Khiển, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phân tích, đúng quy định, các lớp chôn phải được phủ vôi bột hoặc lớp đất. Nước rác phải được thu gom tập trung để xử lý trước khi thải ra môi trường.

Nhưng trên thực tế, các bãi rác sử dụng công nghệ này đều không đạt được yêu cầu kỹ thuật. Thậm chí, trước đây, khi các dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao còn đang triển khai thì đa số rác thải của thành phố hiện vẫn phải xử lý bằng hình thức chôn lấp. Với các dự án đốt rác của thành phố đều trong trạng thái chậm tiến độ.

Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đang đề xuất với thành phố phương án chôn lấp rác áp dụng công nghệ xanh nhằm nâng sức chứa các ô chôn lấp giai đoạn 2. Dự kiến tiếp nhận khối lượng rác không được xử lý đốt của thành phố là trên 2.000 tấn/ngày và đảm bảo kéo dài tuổi thọ của bãi là 7-8 năm. Tuy nhiên, tất cả các giải pháp này sẽ không thực sự hiệu quả nếu không hạn chế được lượng rác phát sinh hàng ngày.

Trong thời gian tới, cả 2 bãi rác chủ lực là Nam Sơn và Xuân Sơn đều đã hoạt động nhiều năm, sắp hết khả năng tiếp nhận rác. Do đó, Hà Nội cần giải pháp căn cơ về xử lý rác thải sinh hoạt.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nhoc-nhan-xu-ly-rac-tai-ha-noi-153738.html