Nhọc nhằn 'thắp lửa' nơi vùng cao khắc nghiệt

Đi vùng cao đã nhiều, nhưng chưa ở đâu lại làm lay động lòng người như ở vùng biên giới Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ, Lai Châu). Có lên đây mới thấu hiểu về nỗi vất vả nhọc nhằn của những con người nơi địa đầu Tổ quốc. Mặc dù sống trong gian khó, nhưng tình thầy trò vẫn gắn bó keo sơn, ngày đêm miệt mài 'thắp lửa' với hy vọng ngày mai, ngọn lửa yêu thương ấy sẽ tỏa sáng mảnh đất vùng biên này.

Đại diện đoàn từ thiện "Những người bạn" ở Hà Nội tặng quà trường Tiểu học Pa Vây Sử. Ảnh: Phương Châu Trang

Đại diện đoàn từ thiện "Những người bạn" ở Hà Nội tặng quà trường Tiểu học Pa Vây Sử. Ảnh: Phương Châu Trang

Hun hút.. vực thẳm, cheo leo... đèo

Chuyến đi thăm thầy trò trường Tiểu học Pa Vây Sử lần này có lẽ thu hút sự quan tâm và háo hức nhất từ trước đến nay. Chặng đường hơn 200km từ Hà Nội lên thành phố Lào Cai khá thuận lợi. Tuy nhiên, chặng đường còn lại phải vượt qua 4 con đèo hiểm trở mới thực sự là cung đường thử thách lòng can đảm của con người. Trong đó, phải vượt qua "vua đèo" Ô Quý Hồ, với mệnh danh là "anh cả" trong "tứ đại đỉnh đèo". Với độ cao 2.400m so với mực nước biển, đèo lạnh lẽo và quanh năm sương mù dày đặc.

Rời quốc lộ 4D, chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ 132, con đường nhỏ và trơn trượt. Mặt đường hẹp và xóc mắt nảy đom đóm. Những khúc cua tay áo liên tiếp, có chỗ vào cua gấp, không may sơ ý một chút là xe có thể ở trạng thái rơi tự do xuống miệng vực sâu hoắm. Nhiều đoạn, cả đoàn phải xuống hộ tống để xe nhọc nhằn bò qua những con dốc dựng đứng. Trời đang sáng bất chợt tối sầm do những mảng mây mù bất chợt theo từng cơn gió đến bao phủ. Cảm giác bồng bềnh, huyền thoại như đi trên mây càng làm cho những vị khách miền xuôi thêm háo hức. Càng lên cao, mây mù càng đặc sánh bao phủ làm cho đoàn xe phải nhọc nhằn dò dẫm từng mét đường.

Xe đang đi bỗng đứng sững lại làm mọi người giật thót, mặt mày tím tái. Hàng ngàn mét khối đất từ trên đồi cao rào rào đổ xuống chôn lấp cả một đoạn đường. Thế là hành trình không được như dự tính ban đầu. Sau một hồi dò dẫm mới tìm được lối vượt rồi nhọc nhằn vận chuyển từng bao hàng vượt qua cung đường nhầy nhụa bùn đất để tới điểm trường. Thượng tá Điêu Văn Dim, cán bộ Biên phòng tỉnh điềm tĩnh nói: Lở núi, sạt đường là chuyện thường ngày với vùng cao ấy mà. Có được cung đường này đã sướng lắm rồi, chứ mấy năm trước chỉ là con đường mòn với những cái dốc dựng đứng áp sát mặt người. Điện chưa có, đường giao thông cách trở, cả xã không có "giao dịch thương mại" đã trở thành rào cản giữ cái nghèo "chung thủy" mãi với vùng cao.

Nỗ lực cho những mầm xanh

Chúng tôi đến trường Tiểu học Pa Vây Sử trong không khí tràn ngập niềm vui, những tiếng reo hò của các cháu học sinh làm ai cũng cảm động. Ngôi trường nhạt nhòa trong sương sớm, những giọng nói không rõ tiếng phổ thông nhưng vẫn cảm nhận được niềm vui trên gương mặt và những giai điệu vùng cao.

Là xã biên giới giáp với Trung Quốc, Pa Vây Sử có 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là người Mông. Theo ông Hảng A Tủa, Chủ tịch UBND xã thì đời sống người dân đã được cải thiện nhiều từ khi tỉnh lộ 132 được nối dài. Trước đó ít năm thôi, Pa Vây Sử đặc biệt khó khăn vì bị tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi là xã "3 không" (không điện, không đường và thông tin liên lạc). Cả xã cơ bản là hộ nghèo, nói chi đến chuyện học hành, trường lớp. Rót một chén trà nóng, tỏa ra không gian mùi hương hòa quyện với làn sương giăng mù mịt, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn trầm ngâm: Khi cái ăn còn đói thì sự học lại không được người dân chú trọng. Với gần 300 học sinh ở 4 điểm trường, để duy trì sỹ số là một chặng đường đầy gian nan của thầy cô giáo.

Cuộc sống khó khăn, trình độ dân trí thấp khiến cho người dân không mấy thiết tha với cái chữ. Họ có chung quan niệm: "Làm nương không cần nhiều cái chữ" và "Đói ăn thì chết, đói chữ đã chết ai đâu!" nên công tác tuyên truyền, vận động đưa học sinh đến trường của các thầy cô gặp rất nhiều trở ngại. Nhiều thầy sáng dạy học, chiều lại phải đi bộ cả chục cây số đường rừng để đến nhà vận động trẻ đến trường. Để chia sẻ khó khăn, khi thì các thầy cô mua tặng đôi dép, có lúc lại tặng bộ áo quần động viên các em yên tâm đến lớp. Cả đoàn rơm rớm nước mắt khi nghe cô Teo Thị Thanh trăn trở: Giá cả vùng cao đắt đỏ nên đời sống thầy cô cũng gặp muôn vàn gian khó. Dù các em thiếu thốn rất nhiều nhưng cũng chẳng giúp được bao nhiêu. Thương các em nghèo nhưng dường như có lúc bất lực do điều kiện kinh tế thầy cô cũng có hạn!

"Dù khó khăn đến đâu, chúng em cũng vượt qua được, miễn là các em đến lớp đầy đủ. Cũng có đôi lúc thấy nản lòng lắm, nhưng rồi tất cả lại bảo nhau: Nghề giáo là nghề cao quý, "trồng người" ở vùng xa xôi này mới đáng phải cố gắng và phấn đấu để dân mình không bị mù cái chữ được" - thầy Hoàng Mạnh Thắng tâm sự. Chủ tịch Hảng A Tủa thấu hiểu: Phải là những con người rất có tâm huyết với em nhỏ vùng cao, các thầy cô mới trụ lại được mảnh đất khắc nghiệt này!

Những đứa trẻ ở Pa Vây Sử. Ảnh: Phương Châu Trang

Trường cách chợ hơn 30km, mỗi tuần họp cũng chỉ một phiên nên thầy cô hầu như phải tự cung tự cấp. Sau mỗi giờ lên lớp, các thầy cô phân công mỗi người một việc để tăng gia sản xuất nâng cao đời sống cho cả thầy và trò. Trường còn có nhiều học sinh bán trú do nhà xa và thiếu thốn nên ngoài việc dạy chữ, các thầy cô còn phải chăm lo cái ăn, cái mặc và cả khi "trái gió, trở trời" cho những mầm xanh ấy. Cô Trần Thị Sắn bùi ngùi: Thương các em quá, công đoàn nhà trường đã vận động các thầy cô đóng góp phần lương nhỏ bé mua thêm gạo và thức ăn giúp các em nâng cao đời sống.

Ở nơi còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn này, có em ngày đi học, chiều về giúp mẹ làm thêm để chăm bố ốm đau; có em còn phải vượt qua sự ngăn cấm của gia đình để quyết tâm bám lớp và vươn lên học tập tốt. Trong những gương mặt ấy, em Chang Thị Hùa đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào học tập của nhà trường. Từ một em có lực học yếu, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em nhiều lần phải bỏ học giữa chừng. Cảm động trước sự giúp đỡ của các thầy cô và các chiến sĩ Biên phòng ở đây, Hùa đã vượt qua khó khăn quyết tâm vươn lên trong học tập và trở thành cô bé học giỏi của cả khối.

Với những thầy cô nhiệt huyết gieo chữ nơi đây, hy vọng đốm lửa nhỏ nhoi ấy sẽ thổi bùng lên thành ngọn lửa yêu nghề, thắp sáng cho lớp lớp học trò niềm tin vào một ngày mai sẽ tỏa sáng mảnh đất vùng cao biên giới.

Phương Châu Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhoc-nhan-thap-lua-noi-vung-cao-khac-nghiet/