Nhọc nhằn những lớp học ghép ở miền Tây Nghệ An

Những lớp học ghép nằm ở các điểm trường lẻ ở dọc miền Tây xứ Nghệ hầu hết đang còn rất khó khăn. Thầy, cô vất vả khi phải một lúc dạy 2 lớp, trò thì thiệt thòi khi không có nhiều cơ hội để học các môn như Tin học, Tiếng Anh.

Nghệ An vẫn còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, chủ yếu ở các bản vùng cao, biên giới. Sĩ số học sinh mỗi lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay, việc dạy học cũng không thể theo giáo án thông thường. Ảnh: Đức Anh

Nghệ An vẫn còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, chủ yếu ở các bản vùng cao, biên giới. Sĩ số học sinh mỗi lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay, việc dạy học cũng không thể theo giáo án thông thường. Ảnh: Đức Anh

Điểm bản Chà Lò cách trường chính Tiểu học Mai Sơn (huyện Tương Dương, Nghệ An) 15km. Cho đến giờ, nơi này vẫn chưa có phòng học kiên cố, mà chỉ có 5 gian nhà lắp ghép nằm dưới thung lũng. Năm học 2020 - 2021 này, thầy giáo Nguyễn Duy Thắng chủ nhiệm lớp ghép 4 - 5 với tổng số 21 học sinh. Trong phòng học chật chội, có 2 cái bảng được gắn đối diện, học sinh ngồi quay lưng với nhau. Ảnh: Đức Anh

Dạy học ở lớp ghép lượng công việc của thầy giáo nhân đôi so với bình thường. Tuy nhiên, đây là giải pháp trong thời điểm các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh còn thiếu nhiều giáo viên như hiện nay. Ảnh: Đức Anh

Trong các lớp ghép do khoảng cách quá sát nhau, không tránh được tình trạng học sinh lớp lớn lại quay sang nhắc bài cho các em hoặc nói chuyện, trêu đùa. Thông thường, để thuận lợi cho dạy học, các trường thường ghép lớp 2 - 3 vì khối lượng kiến thức còn đơn giản, hoặc 3 - 4, 3 - 5 để giảm bớt gánh nặng cho người dạy. Tuy nhiên, có những thời điểm do sĩ số không đồng đều nên các trường có thể ghép lớp 4 - 5 nên chất lượng dạy học phần nào bị ảnh hưởng. Ảnh: Đức Anh

Do nằm ở các điểm trường lẻ nên khá nhiều lớp học đã xuống cấp. Học sinh ở điểm trường lẻ cũng thiệt thòi hơn vì không có nhiều cơ hội để học các môn như Tin học, Tiếng Anh. Ảnh: Đức Anh

Tại Trường Tiểu học Mường Nọc (Quế Phong) do khoảng cách từ các bản đến điểm trường chính khá xa nên trường vẫn đang còn duy trì các điểm trường lẻ dù sĩ số mỗi lớp chỉ vài em. Ảnh: Đức Anh

Điểm trường Hạ Sơn của Trường Tiểu học Mường Nọc có 5 khối tiểu học nhưng cũng chỉ gần 40 học sinh. Điểm trường lẻ này có 2 lớp ghép 2 - 3 và 4 - 5. Tuy nhiên, ở đây vẫn có 5 phòng học độc lập nhau. Cô Sầm Thị Lâm - Hiệu trưởng cho hay: Thực tế học lớp ghép thì chất lượng dạy và học sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, từ 2 năm nay, chúng tôi hợp đồng 2 giáo viên trẻ để tăng cường cho điểm bản Hạ Sơn. Kinh phí cho giáo viên hợp đồng được trích từ kinh phí chi trả cho giáo viên dạy lớp ghép. Ảnh: Đức Anh

Việc cùng san sẻ trong dạy lớp ghép đem lại hiệu quả cho việc dạy và học ở nhà trường. Trong đó, học sinh là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất. Những giáo viên còn lại, dù phải chia sẻ "tiền đứng lớp" nhưng bù lại có thời gian trau dồi chuyên môn và bồi dưỡng, phụ đạo học sinh. Ảnh: Đức Anh

Những năm qua, để thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục và các địa phương đã xây dựng kế hoạch để dồn các điểm trường lẻ hoặc xóa điểm trường lẻ về điểm trường chính. Tuy nhiên, vì đặc thù riêng do khoảng cách địa hình, điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thiếu phòng học ở điểm trường chính nên việc sáp nhập vẫn còn rất khó khăn. Như ở bậc tiểu học, năm học 2020 - 2021 toàn ngành chỉ xóa được 16 điểm trường lẻ. Ở bậc mầm non, với trên 600 điểm trường lẻ việc tổ chức dạy học và bán trú cũng còn gặp nhiều nan giải và đang cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Ảnh: Đức Anh

Mỹ Hà - Đức Anh

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nhoc-nhan-nhung-lop-hoc-ghep-o-mien-tay-nghe-an-280221.html