Nhọc nhằn nghề xiếc

Nhìn chiếc vòng khổng lồ thiết kế giống con số tám quay liên tục ở độ cao 10 m, trên đó hai diễn viên nhảy múa, lên xuống, ra vào trên hai đầu hình tròn, nhiều khán giả tại Rạp Xiếc T.Ư không khỏi hồi hộp mỗi khi thấy diễn viên dường như trượt chân ngã, nhiều người thốt lên sự lo lắng… Ðó là khung cảnh của một tiết mục xiếc mạo hiểm hiếm gặp ở nước ta hiện nay.

VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN

Tiết mục xiếc mạo hiểm Ðu quan họ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: Daniele Rotondo

Tiết mục xiếc mạo hiểm Ðu quan họ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Ảnh: Daniele Rotondo

Xiếc mạo hiểm rủi ro cao

Cao trào của tiết mục nêu trên là diễn viên Ðức Huy lấy chiếc mũ mầu đen che kín mặt và vẫn tiếp tục bước đi trên vòng quay. Bỏ mũ ra, anh dùng dây thừng nhảy trên chiếc vòng quay trên cao khiến khán giả thót tim. Chỉ cần sơ sểnh một chút, tai nạn có thể xảy đến với chàng trai 18 tuổi. Ðức Huy tiết lộ, anh phải dành sáu tháng tập luyện liên tục cho tiết mục "Vòng quay mạo hiểm". Một lần, suýt ngã, anh bám được vào thành chiếc vòng. Song, một diễn viên trẻ đồng nghiệp của Huy đã rơi tự do từ độ cao 10 m xuống đất, bị rạn gót chân, chùn một đốt sống. Hiện diễn viên này đang điều trị; và phải thêm một năm nữa mới biết có tiếp tục biểu diễn được xiếc mạo hiểm nữa hay không? Lẽ ra trên chiếc "Vòng quay mạo hiểm" đó, hai diễn viên cùng bịt kín mặt bằng khăn đen và sẽ song song nhảy dây, nhưng vì tai nạn xảy ra, cho nên giờ chỉ còn Ðức Huy thực hiện những động tác khó này.

"Vòng quay mạo hiểm" là tiết mục xiếc khá hấp dẫn, đã xuất hiện trên sân khấu thế giới. Lúc ấy, diễn viên Việt Nam cũng rất muốn thực hiện, song chưa đủ điều kiện và nhân lực. Năm ngoái, mọi người mới quyết tâm làm. Khâu đạo cụ rất khó khăn. NSƯT Ðỗ Hùng, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tác giả của tiết mục cho biết, khi xây dựng đề án, nghệ sĩ và các chuyên gia cơ khí phải nghiên cứu rất kỹ. Lưới của vòng quay làm bằng i-nốc phải đặt mua từ nước ngoài theo đúng tỷ lệ. Các động tác kỹ thuật cũng mới, cho nên cả thầy và trò phải tự mò mẫm, tính toán sao cho an toàn cao nhất, chọn lựa những diễn viên giỏi nhất cho pha mạo hiểm. Nhưng với xiếc, không có an toàn tuyệt đối.

Cũng chính vì sự nguy hiểm luôn thường trực đối với các diễn viên dẫn đến một thực trạng của xiếc Việt Nam là đang mất dần các tiết mục xiếc mạo hiểm, nhất là những tiết mục xiếc mạo hiểm lớn đòi hỏi sự cầu kỳ, sự chuẩn mực về sân khấu, không gian, ánh sáng. Theo NSƯT Ðỗ Hùng, xiếc mạo hiểm có hai góc độ: Của khán giả bình thường và của người xem có chuyên môn. Có những tiết mục khán giả cảm thấy rất nguy hiểm, nhưng người có chuyên môn biết rằng nó không quá ghê gớm. Cũng có những tiết mục nguy hiểm thật sự mà người có chuyên môn xem cũng phải thót tim. Vì đặc tính này, cho nên diễn viên hiện chỉ thích sáng tạo những tiết mục mà khán giả xem cảm thấy nguy hiểm nhưng bản thân diễn viên thì "không như khán giả nghĩ". Trước kia, do đặc thù yêu cầu kỹ thuật cao, độ hấp dẫn, những tiết mục xiếc mạo hiểm luôn được đánh giá cao trong các kỳ liên hoan. Xiếc mạo hiểm Việt Nam ra đấu trường thế giới cũng từng ghi được dấu ấn, như: Các tiết mục Ðu siêu nhân đoạt Huy chương vàng (HCV) Liên hoan Xiếc quốc tế tại Tây Ban Nha năm 2012; Ðu quan họ đoạt HCV Liên hoan Xiếc quốc tế tại I-ta-li-a năm 2014; Ðu lụa đôi Romeo và Juliet đoạt HCV tại Liên hoan Xiếc quốc tế tại Huế năm 2016… Xu hướng chung của các diễn viên hiện nay là tự tìm tòi tập các tiết mục an toàn, dễ biểu diễn, năng động, linh hoạt, thích ứng trên mọi sân khấu để có thể dễ nhận "sô", bảo đảm cuộc sống. Ðó là lý do mà khoảng 10 năm trở lại đây, những tiết mục xiếc mạo hiểm lớn vắng bóng trên sân khấu, trong khi bản chất của xiếc là mạo hiểm; diễn viên phải làm được những điều mà người bình thường không làm được; khiến khán giả cảm thấy nín thở, hồi hộp mỗi khi xem.

Xiếc mạo hiểm đòi hỏi người dàn dựng có chuyên môn tốt, tập hợp được đội ngũ diễn viên giỏi và các thành viên phải đoàn kết. Xây dựng tiết mục đã khó, việc duy trì còn khó hơn nhiều. Chỉ cần một diễn viên gặp vấn đề, cả đội phải nghỉ. Cũng chính vì thế mà nhiều tiết mục hay ngày trước không thể khôi phục được trong thời điểm hiện tại, chẳng hạn "Ðế trụ tập thể trên cao" không thể tập hợp đủ diễn viên giỏi; "Nhào lộn trên sào" được coi là nguy hiểm nhất cũng đang phải gác lại vô thời hạn do diễn viên nữ chính nghỉ thai sản. Phụ nữ sau khi sinh nở khó biểu diễn được như trước, sẽ tập tiết mục nhẹ nhàng hơn; diễn viên trẻ thì chưa thay thế được. Những tiết mục mạo hiểm nếu không được biểu diễn liên tục sẽ cứ tự mất đi như thế. Hiện Liên đoàn Xiếc Việt Nam duy trì được vài ba tiết mục xiếc mạo hiểm lớn. Và trên cả nước, cũng chỉ liên đoàn có sân khấu đủ chuẩn về trang thiết bị, kỹ thuật bảo đảm biểu diễn các tiết mục mạo hiểm lớn. Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đang trong quá trình sáp nhập xiếc với rối, cho nên chưa có sàn diễn để tập luyện và diễn xuất, vì thế một sân khấu đạt chuẩn vẫn là ước mơ. Các đơn vị địa phương càng không dám mơ dàn dựng được những tiết mục "thót tim" khán giả để xứng với danh xưng của xiếc. Trong khi, một chương trình xiếc thiếu tiết mục mạo hiểm thì rất nhạt nhẽo.

Một bất cập nữa là xiếc mạo hiểm rủi ro cao, trong khi thu nhập quá thấp. Nếu như ở nước ngoài, diễn viên xiếc mạo hiểm được trả cát-xê cao gấp nhiều lần so với xiếc thường thì ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, diễn viên biểu diễn tiết mục mạo hiểm được thêm từ 10.000 đến 30.000 đồng so với tiết mục nhẹ nhàng, không nguy hiểm. Sự chênh lệch này chẳng đáng là bao và người diễn tiết mục mạo hiểm nhìn thấy ngay sự thiệt thòi của mình, khi tự hỏi: Nếu chẳng may tai nạn xảy ra, ai sẽ lo cho mình? Vì thế, họ dần lánh xa xiếc mạo hiểm.

Cần một cơ chế đặc thù

Có dịp vào Liên đoàn Xiếc Việt Nam, dễ bắt gặp một người phụ nữ nhỏ bé, ngồi xe lăn say sưa truyền dạy cho các nghệ sĩ trẻ những kinh nghiệm biểu diễn. Chị là NSƯT Tuyết Hoàn, từng là "ngôi sao tỏa sáng trên cao" với những tiết mục xiếc khiến khán giả hồi hộp. Thế rồi, một lần đang "bay" trên không, chị bị ngã và không bao giờ có thể đứng lên, đi lại như bình thường. Không biểu diễn được nữa nhưng Tuyết Hoàn được liên đoàn chuyển sang làm việc tại phòng nghệ thuật. Hằng ngày, trên chiếc xe lăn, chị hướng dẫn các bạn trẻ tập luyện tiết mục mới. Ngần ấy năm lao động miệt mài với nhiều kinh nghiệm xương máu, chị góp phần không nhỏ giúp các chương trình xiếc mới hấp dẫn hơn và diễn viên trẻ biết cách bảo vệ bản thân mỗi khi biểu diễn như "chơi với tử thần". Chị thường nói với các diễn viên trẻ: "Các bạn đừng coi tôi là tấm gương, mà hãy xem như một kinh nghiệm"; nhưng cũng tâm huyết bộc bạch: "Tôi không ân hận khi theo nghề. Thậm chí, nếu chọn lại, tôi vẫn diễn xiếc mạo hiểm trên cao".

NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, đơn vị vẫn khuyến khích các diễn viên tập luyện gian khổ để giữ xiếc mạo hiểm tồn tại bằng cách tăng một chút tiền bồi dưỡng. Khi điều không may xảy ra, ngoài việc được hưởng bảo hiểm y tế như nhân viên bình thường, diễn viên cũng được công đoàn quan tâm hơn. Liên đoàn cũng đã kiến nghị mua bảo hiểm mức cao hơn cho các diễn viên tập mạo hiểm trên cao, song đơn vị đang trong quá trình tự chủ kinh phí mà còn nhiều việc phải lo cho nên chưa thực hiện được điều này. Bên cạnh đó, do các tiết mục mạo hiểm thường chỉ có thể biểu diễn tại sân khấu của liên đoàn để bảo đảm yêu cầu về an toàn kỹ thuật, cho nên các diễn viên rất khó nhận thêm sô tại các hội nghị, ca nhạc tạp kỹ…, thành ra thua thiệt hơn so với tiết mục đơn lẻ. Liên đoàn đang soạn dự thảo chính sách hỗ trợ diễn viên thực hiện tiết mục mạo hiểm lớn được hưởng một khoản tiền để khi không chạy sô, họ vẫn có thu nhập tương tự. Hy vọng điều này được thực hiện trong năm 2019. Liên đoàn cũng cố gắng để mỗi chương trình có từ 30 đến 40% là tiết mục xiếc mạo hiểm, ông Thắng bộc bạch.

Cũng theo NSƯT Tống Toàn Thắng, chưa có cơ chế đặc thù cho diễn viên xiếc. Dù làm nghệ thuật, song diễn viên xiếc cần phải được hưởng chế độ của một vận động viên thể thao. Trong một buổi tập luyện, họ có thể phải nhào lộn, leo cao, ngã xuống đến vài chục lần; gãy tay, gãy chân là chuyện bình thường. Hơn nữa, tuổi nghề của diễn viên xiếc rất ngắn, hơn 30 tuổi thì biểu diễn tiết mục mạo hiểm là điều rất khó khăn. Ðặc thù của sân khấu xiếc là lúc nào cũng "khát" diễn viên trẻ, trong khi nhân sự Liên đoàn Xiếc Việt Nam hơn 30 tuổi đang quá nhiều mà không phải ai cũng có điều kiện đi học thêm ngành nghề khác để chuyển việc. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành để giải quyết việc làm cho diễn viên khi đã hết tuổi diễn mà chưa đủ tuổi về hưu...

THU HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/39681802-nhoc-nhan-nghe-xiec.html