Nhọc nhằn gánh mưu sinh thị thành

Tìm đến các đô thị với hi vọng có được cơ hội kiếm tiền rộng mở hơn nhưng kèm theo đó, lao động ngoại tỉnh phải chịu vô vàn những khó khăn, chấp chận điều kiện sống tạm bợ, thiếu thốn...

Tôi qua chợ Đồng Xuân vào cuối ngày, cũng vừa đúng giờ dọn hàng của các tiểu thương, người và hàng như quyện lấy nhau, những xe đẩy và gánh hàng nối đuôi nhau “rồng rắn” đi về khiến cả một con đường thêm tấp nập, hối hả hơn.

Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, ai cũng cắm cúi vội vàng như muốn chạy đua cùng thời gian, trời dần tắt nắng cũng là lúc những đôi chân mỏi mệt khao khát được nghỉ ngơi nhất. Ra vào vài vòng trong chợ, cũng cảm thấy ái ngại nếu chặn đường hỏi han những người đang hối hả ngược xuôi, vì vậy, chờ tới khi những con phố đã lên đèn, tôi mới đánh bạo bắt chuyện với những lao động đang nghỉ ngơi ở gốc cây ven đường.

Nhọc nhằn mưu sinh

Ngại ngùng giấu vội củ khoai lang sau vành nón, từ chối cho tôi biết tên và địa chỉ, nhưng người phụ nữ bán bánh dạo vẫn đồng ý lán lại chia sẻ với tôi đôi câu về công việc của chị. “Ngày nào cũng rã rời chân tay, mệt lắm chứ, vất vả lắm chứ, nhưng cũng tự biết thân biết phận, mình ở quê lên phố chả có gì ngoài gánh hàng rong kiếm “ba cọc ba đồng”, víu lấy được cái nghề này mà mưu sinh là tốt lắm rồi”.

Chị cũng tâm sự thêm: “Ruộng ở quê có hai ba sào, tranh thủ về nhà mấy hôm cấy xong rồi lại lên phố, cứ trông chờ vào ruộng thì lấy đâu ra tiền nuôi con cái”.

Nhiều lao động ngoại tỉnh về Thủ đô kiếm kế sinh nhai.

Ngược xuôi với gánh hàng trên các con phố Hà thành, chị thật thà chia sẻ kiếm được khoảng hai trăm nghìn đến ba trăm nghìn mỗi ngày. “Trừ tiền nhà và tiền sinh hoạt, một tháng cũng tích góp được vài ba triệu gửi về cho gia đình”.

Tiếng con nhà nông, chị cho biết bản thân cũng quen nhiều với cái khổ cái đau, cả ngày dài đi vài chục ki lô mét vẫn có thể kham được, chỉ sợ ông trời không thương đổ mưa dầm dề thì “vài nghìn bạc cũng chẳng đào đâu ra”.

Chị ngậm ngùi tâm sự: “Nhìn mặt thiên hạ mà sống, gặp người có đức thì không sao, phải người khó tính mình vô tình nghỉ chân trước nhà người ta thôi là đã bị quát mắng không ra gì rồi. Kiếm sống ở thiên hạ mà, muốn có tiền thì phải nhẫn nhịn, khổ cực cũng không sao”.

Nhìn "bữa tối" tạm bợ trong tay chị, tôi xót xa: "Chị ăn như thế này thì lấy sức đâu mà làm?"

"Rong ruổi ngoài đường từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới về đến nhà thì em xem, còn cơm nước gì nữa, thỉnh thoảng có xin được rau ế, rau già ngoài chợ thì còn nấu, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy".

“Ráo mồ hôi là hết tiền”

Áp lực mưu sinh khiến lao động nông thôn buộc phải rời quê hương để lăn lộn giữa chợ đời kiếm kế sinh nhai. "Ăn bát cơm thiên hạ" không phải việc dễ dàng, nhưng họ đều cho rằng, chỉ vậy mới có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cái đói, cái nghèo.

"Dân ở quê lên phố giờ cũng đông lắm, phải cạnh tranh nhau mà sống, nhưng so với làm ruộng thì cũng gọi là khấm khá hơn. Ăn uống trên này đắt đỏ mà sinh hoạt thì tạm bợ, muốn thì ai chả muốn có công việc ổn định, được ở nhà với vợ với con nhưng hoàn cảnh không cho phép" - chú Mạnh (Phú Thọ) lái xe ôm khu chợ Đồng Xuân chia sẻ.

Người làm thuê lên phố cần thời gian để “bắt nhịp”, làm quen với môi trường làm việc và con người để tìm được “cái nghề” phù hợp với bản thân, có người mất một năm, hai năm, cũng có người mất vài ba năm để làm được điều đó.

Chú Mạnh là một điển hình như thế. Chú tâm sự: “Ở quê cực khổ nên theo anh em lên Hà Nội làm công trình thuê, sau rồi không chịu nổi khắc nghiệt chuyển qua bốc vác ở chợ Đồng Xuân, cái nghề này cực lắm, đau sống lưng, phồng rộp hết chân tay, con nhà nông đấy nhưng cũng không chịu được, cuối cùng đành lái xe ôm mà kiếm sống”.

Những việc hôi hám, bẩn thỉu nhất không ai làm thì họ làm

Không ít lao động tôi đã gặp đều thừa nhận, kiếm sống ở nơi phố thị, họ phải lầm lũi, nhặt nhạnh, chắt bóp từng đồng, bởi vì “ráo mồ hôi là hết tiền”. Những việc hôi hám, bẩn thỉu, vất vả nhất không ai nhận thì họ làm, tất cả đều vì gánh nặng cơm, áo, gạo tiền, vì hình ảnh người thân nơi quê nhà đang ngày đêm mong ngóng “chén cơm” họ mang về.

“Không có cái khổ nào bằng nỗi vất vả tha phương cầu thực, nhưng cứ chôn chân ở quê mà bám cây lúa, cọng rau thì sao đủ sống” – chị Hà (Vĩnh Phúc) gánh hàng thuê chợ Đồng Xuân chia sẻ.

Thùy Dung

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/nhoc-nhan-ganh-muu-sinh-thi-thanh/765857.antd