Nhọc nhằn của người nuôi trồng rong biển

Dù rong biển mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đời sống của người dân ổn định, nhưng người nuôi trồng rong biển đã phải vất vả, nhọc nhằn, truân chuyên đủ đường, thậm chí phải ăn ngủ, sinh hoạt trên bãi bờ nhiều hơn ở nhà. Nhưng, sau bao vất vả, người dân vẫn can trường bám nghề mưu sinh nhờ rong biển.

Ông Nguyễn Văn Đay - một người trồng rong sụn lâu năm ở Sơn Hải.

Ông Nguyễn Văn Đay - một người trồng rong sụn lâu năm ở Sơn Hải.

“Đổi đời” nhờ rong biển

Từ lâu, Ninh Thuận được biết đến là nơi có nghề trồng rong biển phát triển khá sớm. Ven biển Ninh Thuận có khí hậu ôn hòa, dòng hải lưu gần bờ, nhiều bãi rạn san hô là điều kiện tốt để phát triển cây rong. Trong số các làng biển của Ninh Thuận, làng biển Sơn Hải (thuộc xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) đã bắt đầu với nghề trồng rong từ những năm 1995.

Từ nghề truyền thống khai thác cá biển, chài lưới, nuôi tôm… cuộc sống bấp bênh, con cái không có điều kiện đến trường học, phải lo từng bữa cơm qua ngày, chỉ từ khi xuất hiện nghề mới là nghề trồng rong sụn thì thực sự làng biển Sơn Hải đã đổi đời. Có lúc rong sụn còn được coi là cây “xóa đói, giảm nghèo”, cây “làm giàu chính đáng” cho bà con vùng biển.

Ông Nguyễn Văn Đay - một người trồng rong sụn lâu năm ở Sơn Hải.

Chỉ tính từ năm 1995 đến năm 2001, Sơn Hải đã phát triển nghề trồng rong với diện tích khoảng 15 ha ngay trong Đầm Sơn Hải. Tuy nhiên, do Đầm Sơn Hải ngày càng bị bồi lắng cạn dần do các hoạt động đào ao nuôi tôm, xả nước thải trực tiếp vào đầm nên đã làm ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của rong sụn.

Vì vậy, đến năm 2002, 50 hộ trồng rong Sơn Hải đã đưa rong sụn ra trồng ở vùng nước sâu ven biển. Nhờ điều kiện tự nhiên ở vùng biển này rất thuận lợi cho rong phát triển như nước sạch, độ mặn ổn định, nền đáy cát bùn và có rạn san hô nên rong sụn phát triển nhanh, thuận lợi. Từ đó, diện tích số hộ trồng rong ở đây ngày được nhân rộng.

Do không bị dịch bệnh mà hiệu quả lại cao, đặc biệt là loài rong sụn còn làm sạch môi trường rất tốt nên hàng năm diện tích trồng rong sụn tại Sơn Hải liên tục tăng. Từ vài héc ta ban đầu, đến năm 2005, diện tích đã tăng lên trên 150 ha. Cũng trong năm đó, người dân Sơn Hải được mùa lớn rong sụn, cả thôn thu hoạch trên 700 tấn khô, giá bán lúc đó là 12.000 đồng/kg rong khô.

Trong vùng đã có nhiều hộ dân nhờ trồng rong sụn mà xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt và cuộc sống được cải thiện. Có không ít hộ dân kinh tế gia đình trở lên khá giả trông thấy, tạo dựng được cơ ngơi bề thế với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt cho gia đình, là tấm gương điển hình cho bà con xung quanh học hỏi, noi theo.

Chăm rong như “chăm con”

Với khuôn mặt khắc khổ, sạm đen vì nắng gió, ông Nguyễn Văn Đay (46 tuổi), một người dân có nghề trồng rong sụn lâu năm ở Sơn Hải cho biết, gia đình ông bắt đầu trồng rong từ năm 1996. Thời điểm đó, diện tích nuôi rong sụn ở đây gấp khoảng 10 lần hiện tại. Người dân ngoài nghề đi biển, câu mực, đánh bắt cá, còn có nghề chính là trồng rong sụn.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thêm (46 tuổi) - người có thâm niên trồng rong sụn ở Sơn Hải 20 năm.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người trồng rong sụn lâu năm và có diện tích trồng gần như lớn nhất ở Sơn Hải, ông Đay chia sẻ, quá trình nuôi trồng rong rất cực, không phải cứ thả xuống biển là được. Mặc dù khi thả rong xuống biển để nuôi trồng, họ không phải tốn tiền để phun thuốc, dùng chất kích thích cho cây rong phát triển. Nhưng thời gian và công sức bỏ ra để chăm sóc, nâng niu cho rong là rất nhiều.

Hàng ngày, ông Đay dậy từ 4 giờ sáng chèo thuyền thúng ra biển đánh bắt cá. Đến 7 giờ sáng ông trở vào bờ biển để vợ mang cá ra chợ bán. Sau đó, ông tiếp tục chèo thuyền thúng ra khu vực nuôi trồng rong sụn của gia đình (cách bờ biển chừng 1,5km) để chăm sóc rong. Hôm nào suôn sẻ, ông mất 3 tiếng nhưng hôm nào thời tiết xấu, ông Đay phải mất 7 tiếng mới xong công việc chăm sóc rong của mình.

Công việc chăm sóc này được ông Đay tếu táo gọi là “tắm giặt” cho rong. Bởi theo ông Đay, đối với mỗi hộ dân trồng rong nơi đây, cây rong không khác gì những đứa con nhỏ của họ. Mỗi lần tắm giặt cho chúng, người nuôi rong phải “nâng như nâng trứng”, hết sức khéo léo, nhẹ nhàng, cẩn thận. Ngày nào không ra tắm giặt cho rong, họ đều không yên tâm vì sợ cá sẽ ăn mất rong hoặc rong bị sóng lớn đánh rối, gãy cây...

“Vì thế, ngày nào tôi cũng chèo thuyền ra tắm giặt cho rong, quan sát sự phát triển của chúng. Nếu có công việc gì bận rộn, phải đi đâu đó, tôi đều không dám đi vì không yên tâm khi không ra chăm sóc được cho rong của mình”, ông Đay tâm sự.

Tuy nhiên, ngoài chăm sóc rong, người trồng còn làm “nhiệm vụ” nhân giống rong. Theo lời chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng Thêm (46 tuổi, người có thâm niên trồng rong sụn ở Sơn Hải 20 năm), sau khi mua giống ở một số nơi như Hà Tiên, Cam Ranh… về, người nuôi rong sẽ phân đoạn cây rong giống ra với khoảng cách từ 0,2 – 0,3m buộc vào giàn dây và buộc chặt vào cọc gỗ đã cắm sâu dưới đáy cách mặt nước biển khoảng 1 – 1,5m.

Rong sụn được trồng nhiều ở ven biển Sơn Hải.

Sau đó, để rong sụn sinh trưởng với môi trường biển tự nhiên. Rong giống sau khi thả xuống biển nuôi được 25 ngày, chùm rong sẽ phát triển lớn gấp hai hoặc ba lần chùm giống thả nuôi ban đầu. Khi chùm rong đạt trọng lượng 4 – 5 gam với chiều dài khoảng 30 – 40 phân, người nuôi rong sẽ chiết, tỉa giống ra thêm để tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng mà không phải tốn thêm chi phí mua giống. Bình quân mỗi chùm rong phát triển tốt có thể đạt được trọng lượng hơn 3 kg, nuôi khoảng 3 – 4 tháng sẽ được thu hoạch.

Nhưng theo lời của ông Đay và bà Thêm, vì trồng rong mà hầu như các hộ nuôi trồng rong nơi đây đã phải chuyển cả gia đình, con cái tới ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ ở ngay tại trên bờ biển. Họ dựng lên những ngôi lều, lán lá nhỏ để thuận tiện cho việc sinh hoạt và có điều kiện chăm sóc cho rong được thường xuyên hơn.

“Cả năm vợ chồng, con cái chúng tôi đều ở bãi biển là chính, ăn Tết cũng ở đây luôn. Gia đình nào có bà bầu thì đến ngày sinh nở, họ đến trạm xá hoặc bệnh viện để sinh con. Sinh xong lại đưa nhau về đây ở. Nhà cửa của chúng tôi ở trong thôn hầu như khóa cửa hết”, ông Đay tâm sự.

Người dân đã rất vất vả để bám trụ với nghề trồng rong sụn.

Nuôi trồng rong sụn nhọc nhằn, vất vả là vậy, nhưng người dân nơi đây đều vui vẻ, phấn khởi khi đầu ra, thu mua rong khá thoải mái. Bởi từ khi Công ty TNHH Long Hải xây dựng nhà máy thu mua rong sụn ngay tại trên mảnh đất Ninh Thuận, người trồng rong có thể yên tâm tích cực trồng rong mà không phải lo lắng về đầu ra.

“Sản lượng rong thu hoạch đến đâu, đầu mối thu mua lại gom đến đó để cung cấp cho nhà máy của Long Hải. Chưa bao giờ các hộ trồng rong sụn phải lo lắng về đầu ra cho cây rong. Việc Công ty Long Hải đã nghiên cứu, sáng tạo và cho ra đời các loại sản phẩm về thạch, đồ uống có thành phần nguyên liệu từ rong biển là chính khiến người dân nơi đây phấn khởi. Bởi chúng tôi sẽ thấy tin tưởng vào chất lượng các sản phẩm của công ty hơn các công ty khác, đồng thời cũng thấy cuộc sống của người trồng rong sẽ ngày càng được đảm bảo, ổn định hơn”, ông Đay khẳng định.

Dương Tươi

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/nhoc-nhan-cua-nguoi-nuoi-trong-rong-bien-565895.html