Nhọc nhằn bên nông trường 'vàng trắng'

Nhiều người chẳng thể ngờ rằng, có một ngày, họ sống và làm việc ngay bên nông trường 'vàng trắng' cao su mà lại đầy ắp lo toan và nhọc nhằn đến thế...

Thời hoàng kim của cây cao su, nhiều người dân có vườn phất lên khá giả, công nhân cạo mủ thuê thì dư dả đồng ra đồng vào. Nhưng giờ giá mủ liên tục sụt giảm, doanh nghiệp, công nhân, nhà nông đều than khó!

Chẳng ngờ lại bấp bênh thế…!

Là lao động chính trong nhà, ngoài bố mẹ già, anh Lê Dũng Công (ngụ xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, Bình Phước) còn phải lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Anh công cho biết, hơn 8 năm nay anh là công nhân cạo mủ thuê, trước đây mủ có giá, lương anh không dưới 10 triệu/tháng, tuy nhiên hiện tại lương của anh chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này chỉ đủ trang trải cho các con của anh ăn học, mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình đều phải đi vay mượn hoặc mua thiếu, mua chịu các quán tạp hóa trên địa bàn.

 Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, anh Lê Dũng Công (đội nón) cùng đồng nghiệp dùng tạm gói mì khô để tiếp tục công việc. Ảnh: Trần Trung.

Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, anh Lê Dũng Công (đội nón) cùng đồng nghiệp dùng tạm gói mì khô để tiếp tục công việc. Ảnh: Trần Trung.

Anh Công trải lòng: “Công việc này vất vả, nhọc nhằn, không chỉ cạo mủ trên cây mà còn phải đi trút mủ đưa về nông trường, gần trưa lại đi trút mủ lần hai để trưa kịp nhập mủ, buổi chiều tiếp tục chăm sóc cao su… Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, anh phải gắn bó với nghề, hy vọng giá mủ lên, lương lên để công nhân có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai”.

Anh Vũ Văn Cường (ngụ xã Phước Minh) là một thợ cạo mủ cao su tự do có tiếng ở khu vực huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), nhờ tay nghề cao nên mấy năm trước không lo thiếu việc làm. Hai vợ chồng anh Cường nhận 2 lô cao su cạo, thu gom mủ, úp chén, lột mủ khô,... bình quân mỗi tháng thu nhập hơn 16 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, chỉ một mình anh Cường có việc làm, còn vợ phải chạy chợ tìm kế sinh nhai.

Anh Cường cho hay, mủ xuống thấp, các chủ vườn cao su tiểu điền cũng giảm chi phí tối đa, chỉ thuê cạo, không thuê thu trút mủ nên thu nhập của anh chỉ 100.000 đồng/lô 450 cây tương đương 3 triệu đồng/tháng. Để tăng thu nhập, ban đêm anh đi cạo, ban ngày đi phụ hồ kiếm thêm. Anh Cường chia sẻ: “ tôi còn may mắn giữ được nghề chứ nhiều thanh niên trong ấp đã chuyển qua nghề khác thu nhập cũng bấp bênh không kém”.

Có thâm niên gần 15 năm làm công nhân cạo mủ, chị Hoàng Thị Liễu, đồng nghiệp anh Công cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Chị Liễu cho biết, do mủ thấp nên nhiều công nhân xin nghỉ việc, để đảm bảo kế hoạch sản xuất, nông trường giao khoán thu hoạch mủ cao hơn mọi năm, để bảo đảm suất cạo được giao, chị phải huy động cả mẹ già ra hỗ trợ.

Chị Liễu phải nhờ cả mẹ già ra làm phụ mới đủ sản lượng được giao. Ảnh: Trần Trung.

Chị Liễu chia sẻ: “Năm ngoái nông trường chỉ giao tôi cạo 300 cây/đêm, lương nhận được 4,5 triệu đồng/tháng. Năm nay, để có khoản thu ấy, tôi phải nhận cạo 500 cây. Nếu tính cho 2 người, thì thu nhập như vậy là thấp nhưng đành chấp nhận bởi làm phụ hồ thì tôi không đủ sức khỏe, làm xí nghiệp thì quá tuổi, không ai tuyển cả… ”.

Người cạo mủ thuê khó khăn, còn các nông hộ sở hữu vườn cao su (tiểu điền) ra sao?

Ông Điểu Vĩnh ở xã Thanh Lương huyện Bình Long (Bình Phước) có 3 ha cao su đang cho khai thác mủ năm thứ 4, đến thời điểm này vẫn chưa chuẩn bị cho thu hoạch. Ông Vĩnh cho biết, năm ngoái, tuy giá mủ có thấp nhưng vẫn duy trì mức 300 đồng/độ, sau khi trả tiền công người cạo, gia đình còn dư một ít để chi tiêu. Năm nay, đầu mùa mà giá mủ chỉ 230 đồng/độ, tương đương 1 kg mủ được 5.000 đồng, trung bình 1 ha cao su cạo D2 mỗi ngày thu chưa được 50 kg mủ, trong khi giá nhân công lên đến 250 ngàn đồng/ngày. “Với giá mủ này thì người trồng phải bù lỗ tiền thuê công, chưa kể các chi phí khác phát sinh” ông Vĩnh nói.

Vườn cao su của ông Điểu Vĩnh vẫn tồn tại được nhờ phương châm "lấy công làm lời". Ảnh: Trần Trung.

Để giải quyết khó khăn trước mắt, ông Điểu Vĩnh huy động toàn bộ người thân ra cạo mủ với phương châm “lấy công làm lời”.

Tương tự gia đình ông Nguyễn Thanh Như ở xã Thiện Hưng, Bù Đốp cũng gặp muôn vàn khó khăn khi mủ rớt giá thảm. ông Như cho biết, cả gia đình 4 miệng ăn đều dựa vào 2 ha cao su. Trước đây, khi cao su có giá, ngày nào gia đình ông cũng thuê thêm 2 người đi cạo mủ, trừ toàn bộ chi phí, công cán, tiền trả lãi thì mỗi tháng cũng kiếm được 5-7 triệu đồng. “Nay giá cao su thấp quá, hơn 1 tháng nay, gia đình tôi vẫn chưa mở miệng cạo, bởi lẽ, nếu mở miệng cạo là đồng thời với đầu tư phân bón, kiềng máng và nhân công”, ông Như thổ lộ.

Ông Như vẫn chưa mở miệng cạo cho vườn cao su của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Xoay xở để tồn tại

Theo tìm hiểu chúng tôi, mặc dù giá giảm mạnh nhưng hầu hết nông dân vẫn tìm nhiều giải pháp để bám vườn cây. Theo đó, thay đổi chế độ cạo là giải pháp được nhiều người dân áp dụng trong mùa thu hoạch mới năm nay.

Ông Tăng Quốc Triệu ở xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản được nhiều người biết đến là “cổ thụ” ngành cao su bởi ông có thâm niên hơn 20 năm canh tác loại cây này. Ông Triệu cho biết, gia đình ông bắt đầu trồng cao su vào những năm 1990, hiện gia đình ông có gần 20 ha cao su. Trong đó, 7 ha đang cho khai thác mủ, trong khi nhiều người bỏ mặc vườn cây thì ông vẫn đầu tư, chăm sóc bình thường. Ông Triệu chia sẻ “vì giá mủ thấp nên tôi thay đổi chế độ cạo, thay vì chế độ cạo d2 (2 ngày/lần) sang d3 (3 ngày/lần) giúp giảm được công cạo. Đồng thời, vườn cây có thêm thời gian phục hồi, độ mủ tăng lên, ít hao vỏ cạo hơn”.

Cạo d3 giải pháp khi cao su trượt giá. Ảnh: Trần Trung.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Quốc ngụ xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp thì thực hiện giải pháp lùi thời gian khai thác. Ông Quốc cho biết, vào tháng tư hàng năm là vào đầu mùa cạo, tuy nhiên đến nay ông mới bắt đầu khai thác trở lại.

Ông Quốc chia sẻ, thông thường mủ đầu mùa có sản lượng thấp, độ DRC không cao, với việc lùi thời gian khai thác đã giúp tôi giảm được 1 tháng lương tiền thuê nhân công tương đương gần 10 triệu đồng, ngoài ra độ mủ tăng lên giá bán cũng được cao hơn. “Nếu như cùng kỳ năm ngoái, mủ khai thác chỉ đạt 50 kg/ha thì nay gần 60 kg/ha, độ mủ cao cũng được thương lái thu mua giá cao hơn thị trường 20 đến 30%, qua đó gia đình vẫn có thu nhập, dù thấp. Đây là cách mà không chỉ tôi mà nhiều hộ tiểu điền trong vùng đang thực hiện”, ông Quốc cho hay.

Nhiều người dân cho biết, lâu nay bà con đã quen thuộc với việc “trồng chặt – chặt trồng” cho nên dù mủ có xuống thấp bà con vẫn quyết tâm giữ lấy vườn cây. Bà con lý giải, ngoài lấy mủ, gỗ cao su vẫn đem lại hiệu quả kinh tế, việc trồng cao su không phải đơn giản, một vườn cây cao su trồng mới phải sau 6 đến 7 năm mới cho khai thác, nếu phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác phải đầu tư, chăm sóc lại từ đầu, chưa kể giá cả nông sản bấp bênh như hiện nay chưa chắc đã có hiệu quả.

Cùng bắt tay để sống…

Ra đời vào thời điểm giá mủ cao su gần “chạm đáy” 2013, với 30 thành viên, hộ ít từ 5- 10 ha, hộ nhiều lên đến hàng chục ha, các thành viên trong CLB cao su Bình Phước đã liên kết lại với nhau, tìm ra giải pháp, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư ban đầu để bù lại giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, ngoài các thành viên là những hộ nông dân tâm huyết, có diện tích cao su nhiều, đến nay CLB còn có sự tham gia của các nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh. Mục tiêu CLB nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao kỹ năng, trình độ, kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ vào canh tác hiệu quả nhất cho người trồng.

CLB cao su Bình Phước trao đổi kinh nghiệm hợp tác sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Ông Đặng Văn Hiếu (ngụ xã Nha Bích, huyện Chơn Thành) thành viên CLB cho biết: “Trước đây, khi chưa tham gia CLB, không nắm được kỹ thuật, làm tự phát, bỏ phân tràn lan, khiến độ mủ thấp, sản lượng mủ giảm. Nhưng nay có đội ngũ kỹ sư, chuyên gia phổ biến cặn kẽ, tôi đã nắm bắt được kỹ thuật, bón phân đủ hàm lượng, xưa 26 độ, nay 29-30 độ. Giá mủ thời gian qua tuy thấp nhưng năng suất cao đã bù lại rồi…!”.

Đứng chân trên địa bàn 3 xã biên giới của huyện Bù Đốp, thời gian qua Nông trường 5, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh quản lý trên 2.796 ha cao su, trong đó có trên 1.584 ha cao su khai thác và 1.212 ha cao su kiến thiết cơ bản. Do ảnh hưởng chung của ngành cao su, một số công nhân nghỉ việc khiến công tác tuyển nhân công gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó giám đốc Nông trường 5 cho biết, hiện đơn vị đang thiếu gần 50 công nhân khai thác mủ. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thu hút nhưng nhiều công nhân không quay lại với nông trường. Hiện lao động trong nông trường trên 35 tuổi rất nhiều.

Theo ông Tùng, nguyên nhân lao động trẻ không muốn vào làm việc trong các nông trường cao su bởi đây là nghề khá nặng nhọc, thời gian làm việc chủ yếu vào ban đêm nên nhiều người không thích ứng được.

Để giải quyết bài toán này, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Phước sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp mở các buổi tư vấn việc làm, sàn giao dịch việc làm để tăng cường thu hút nguồn lao động cho các đơn vị cao su.

Theo sở NN – PTNT tỉnh Bình Phước, năm 2019 toàn tỉnh có 242.014 ha cây cao su, tăng 3.516 ha so với cùng kỳ, cao su vẫn luôn được xác định là một trong những cây trồng mũi nhọn của tỉnh. Việc phát triển cây cao su không chỉ góp phần tạo việc làm cho động nông thôn, cải thiện thu nhập nông hộ, mà còn giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái và có tác dụng như rừng phòng hộ.

Trong lúc cây cao su đang gặp khó khăn như hiện nay, Sở đã đề xuất các ngành hữu quan tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để giúp bà con chủ động chăm sóc, ổn định vườn cây. Đối với diện tích cao su tiểu điền do nông dân trồng tự phát trên diện tích không thích hợp khí hậu, thổ nhưỡng sẽ hướng dẫn người dân chuyển sang trồng cây khác phù hợp với quy hoạch; đồng thời từng bước đưa các hộ dân trồng cao su nhỏ lẻ vào HTX, hội cao su tiểu điền để xây dựng liên kết trong sản xuất…

Trần Trung

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhoc-nhan-ben-nong-truong-vang-trang-d265032.html