Nhờ vốn ngân hàng, người nghèo thành triệu phú

Từ 30 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), sau 3 năm, một gia đình nông dân ở bản Pá Quăn, xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã trở thành triệu phú.

Ông Hà Văn Hôm, ở bản Pá Quăn, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) và đàn bò của gia đình.

Ông Hà Văn Hôm, ở bản Pá Quăn, xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) và đàn bò của gia đình.

Thoát nghèo nhờ vốn ngân hàng

Về bản Pá Quăn, xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), hỏi thăm nhà ông Hà Văn Hôm (60 tuổi), có khá nhiều người biết. Bởi lẽ, ông Hôm là người nông dân đang sở hữu bò hơn chục con, trị giá hàng trăm triệu đồng, nhờ vốn vay của ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).

Nhà ông Hôm nằm ven Quốc lộ 15C, xung quanh là bãi đất rộng thênh thang dưới chân núi. Tuy là ngôi nhà cấp bốn lợp mái phibrô xi – măng, nhưng quanh nhà được quy hoạch vườn trồng rau, ao nuôi cá, chuồng trại nuôi gà, lợn cùng đàn bò hàng chục con. Trong ngôi nhà ngăn nắp của vợ chồng ông Hôm có đầy đủ tiện nghi như ti vi, tủ lạnh, xe máy...

Hôm chúng tôi đến thăm, đàn bò của gia đình ông đang thả trên đồi. Con nào cũng mập mạp, béo núc. “Hồi cuối năm ngoái, đàn bò nhà tôi bị chết mất 6 con, trong đó 1 bò mẹ và 5 con bò nhỡ vì mắc bệnh tụ huyết trùng. Nếu không chết mất 6 con, thì đàn bò của gia đình tôi cũng đã hơn hai chục con rồi”, ông Hôm tâm sự.

Theo ông Hôm, trước đây gia đình ông thuộc diện nghèo trong bản. Năm 2016, vợ chồng ông quyết định vay 30 triệu của Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát để phát triển kinh tế.

Vay được vốn, ông mua 2 cặp bò (2 bò mẹ và 2 bò con) rồi chăm nuôi chúng và nhân đàn lên. Đến nay, đàn bò của ông đã lên tới gần 20 con. Hồi cuối năm ngoái, ông quyết định bán đi 2 con được 28 triệu đồng rồi phụ thêm vào để trả hết nợ ngân hàng.

“Nếu tính tổng giá trị đàn bò của gia đình tôi hiện nay cũng được gần 150 triệu đồng. Sau khi vay thêm 80 triệu đồng, tôi quyết định mua thêm bò, mở rộng chuồng trai nuôi gà và giống lợn cỏ”, ông Hôm chia sẻ.

Hàng nghìn nông dân thoát nghèo

Trò chuyện với GD&TĐ về công tác giúp người nghèo tiếp cận đồng vốn để phát triển kinh tế, ông Nguyễn Đức Thượng - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Mường Lát, cho hay: “Gia đình ông Hôm là một trong những hộ nghèo được vay vốn của Ngân hàng CSXH đã phát huy đồng vốn rất hiệu quả. Bản thân ông Hôm là người chịu khó học hỏi cách thức làm ăn từ các mô hình thực tế và thông qua kênh báo chí, truyền hình”.

Cũng theo ông Thượng, ngoài gia đình ông Hôm, có gia đình anh Giàng A Vảng, ở bản Khằm II xã Trung Lý. Đây là hộ cận nghèo từ năm 2019 đến năm 2020, có 2 lao động/ 7 nhân khẩu. Tư liệu sản xuất của nhà anh Vảng, gồm: 3000 m2 đất trồng lúa; 400 m2 ao hồ nuôi cá; 2ha đất rừng trồng cây; 4 con bò và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Hiện nay, nhà anh Vảng đang vay vốn theo chương trình hộ nghèo. Trong đó, vay vốn hộ nghèo từ năm 2017, với số tiền 40 triệu đồng. Từ khi anh Vảng được vay vốn hộ nghèo, đến nay kinh tế của gia đình anh đã được cải thiện rõ rệt. Hàng tháng, gia đình anh Vảng đều trả lãi kịp thời và gửi tiền tiết kiệm tổ được 935.000 đồng.

Nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH, anh Vảng đã mua 2 con bò. Đến nay, bò của gia đình anh đã có 4 con. Thu nhập năm 2019 đạt khoảng 65 đồng và tạo việc làm ổn định cho 2 vợ chồng và hỗ trợ cho 3 con đi học…. Năm 2019, anh Vảng cũng đã xây được căn nhà mới và làm được công trình nước sách vệ sinh môi trường đảm bảo.

Theo thống kê của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Lát, tính đến tháng 9 vừa qua, đơn vị này đã huy động vốn (kể cả ký quỹ) đạt 53,254 tỷ đồng. Trong đó, huy động vốn trong dân đạt 39,783 tỷ đồng, tăng 7,259 tỷ đồng so với đầu năm. Ký quỹ vốn vay đảm bảo cho người lao động đi Hàn Quốc, đạt 4,949 tỷ đồng. Huy động qua tổ tiết kiệm vốn vay (TKVV) đạt 8.522 tỷ đồng...

Ông Thượng cho biết thêm, do làm tốt công tác giải ngân vốn vay, đến cuối tháng 8 vừa qua, số dư nợ của đơn vị này đạt 213,654 tỷ đồng, với 5.635 hộ vay (tăng 15,687 tỷ đồng so với đầu năm).

Nhờ đồng vốn của ngân hàng CSXH, đồng bào Dao ở bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) trồng ngô cho thu hoạch khá.

Hệ số sử dụng vốn đạt 99,9%, trong đó cho vay hộ nghèo đạt 94,513 tỷ đồng, với 2.483 hộ vay, chiếm 44,23% tổng dư nợ. Hiện nay, số nợ xấu của đơn vị chỉ còn 996 triệu đồng, tỷ lệ 0,47%.

Trong đó, nợ quá hạn 358,5 triệu đồng chiếm 0,17% tổng dư nợ. Đơn vị cũng đã thực hiện khoanh nợ theo quy định với số tiền 637,5 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,3%).

Song song với việc giúp người nghèo có vốn làm ăn, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã thực hiện công tác ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên.

“Trong 8 đầu năm 2020, Ngân hàng CSXH Mường Lát đã tiếp tục phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội cùng triển khai thực hiện tốt công tác củng cố; nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng dịch vụ ủy thác, chất lượng hoạt động của Tổ TKVV, như: sắp xếp, kiện toàn các Tổ TKVV hoạt động yếu kém.

Đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, thu lãi; kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay. Xử lý nợ rủi ro, tuyên truyền nâng mức cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách và nâng cao tỷ lệ cũng như mức gửi tiết kiệm hàng tháng qua các Tổ TKVV.

Kịp thời hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan...”, ông Thượng chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/nho-von-ngan-hang-nguoi-ngheo-thanh-trieu-phu-XqhY2kKGR.html