Nhớ Viện Âm nhạc Miền Nam

Sau năm 1975, theo đề xuất của nhạc sĩ Lưu Hưu Phước, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam, đã chuyển tổ chức âm nhạc giải phóng thành Viện Nghiên cứu Âm nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 12 tháng 12 năm 2020, Viện Âm nhạc Việt Nam có trụ sở chính tại Khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm Hà Nội tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập. Xét về tuổi đời, Viện Âm nhạc Việt Nam còn nhiều tuổi hơn cả Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trường Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế và Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. Các cơ sở trên đều thành lập năm 1956. Riêng Viện Âm nhạc, tiền thân là Ban Âm nhạc thuộc Vụ Văn học Nghệ thuật đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”. Cơ quan này vốn quy tụ nhiều gương mặt sáng giá trong nền âm nhạc nước nhà, từ nhạc sĩ Văn Cao vốn là Trưởng ban Âm nhạc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước – Trưởng ban Nhạc vũ đầu tiên cho đến các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Hoàng Kiều, Tô Vũ, Lê Yên, Tú Ngọc, Nguyễn Đăng Hòe, Tân Huyền, Trần Kiết Tường, Nguyễn Văn Tý, Phạm Đình Sáu, Nguyễn Thụy Loan, Nguyễn Viêm, Nguyễn Tài Tuệ, Nguyễn Hữu Ba, Lê Thương, Tô Ngọc Thanh, Lê Huy, Phạm Hồng Thao, Huy Trân, Ngô Đông Hải, Trương Đình Quang, Lan Hương…

Sau năm 1975, theo đề xuất của nhạc sĩ Lưu Hưu Phước, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam, đã chuyển tổ chức âm nhạc giải phóng thành Viện Nghiên cứu Âm nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 25 tháng 8 năm 1976 Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh chính thức được thành lập có trụ sở đóng tại số 2 Trần Quý Khoách, phường Tân Định, thành phố Hồ Chí Minh. Viện trưởng đầu tiên là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Viện phó là nhạc sĩ Tô Vũ cùng các thành viên: Ngô Đông Hải, Lư Nhất Vũ, K’pa Y Lăng, Văn Luyện, Lê Thương, Nguyễn Văn Hoa, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Hữu Ba, Trần Quang Huy, Kiều Tấn, Mai Khanh, Đặng Hùng, Trần Thế bảo, Lưu Hữu Chí, Hoàng Hương, Vũ Hồng Thịnh, Bùi Lẫm, Nguyễn Thị Minh Châu, Bảo Phúc…

Thời huy hoàng nay còn đâu

Ngày nay, rất ít người còn nhớ Viện Âm nhạc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí ký ức về nó không hề được lưu giữ trong bộ nhớ của Google. Trong quá khứ, cơ quan này từng tồn tại suốt những năm tháng khó khăn của đất nước. Sau một giáp (12 năm) hoạt động, tháng 6 năm 1988, Bộ Văn hóa ra quyết định hợp nhất Viện Văn hóa, Viện Nghiên cứu Sân khấu, Viện Âm nhạc và Múa để thành lập Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật. Sau khi tái cơ cấu, nhập chung với Viện văn hóa, Sâu khấu và Múa, Viện Âm nhạc bắt đầu chuyển đổi chức năng, dẫn tới sự ra đi của nhiều nhạc sĩ, như Trần Quang Huy, Kiều Tấn sang Đài truyền hình, nhà nghiên cứu Thế Bảo về Hội âm nhạc, nghiên cứu viên Vũ Hồng Thịnh sang trường Đại học Sư phạm, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu trở ra Viện  nhạc Hà Nội… trong số cán bộ nghiên cứu ở lại, như: K’pa Y Lăng, Phan Chí Thanh, Bùi Lẫm, Hoàng Hương, Lưu Hữu Chí, Nguyễn Văn Tiến… có những người tiếp tục công tác tới lúc nghỉ hưu, số khác nhận nhiệm vụ mới, thậm chí đảm nhận vị trí quan trọng, như Hoàng Hương, Lưu Hữu Chí, nhưng trong xu hướng hội nhập với các tổ chức khác, “dư địa” cho hoạt động nghiên cứu âm nhạc đã bị thu hẹp. Đặc biệt, chiến lược nghiên cứu của một cơ quan chuyên trách về âm nhạc bắt đầu chuyển đổi chức năng, mở rộng phạm vi, đối tượng nghiên cứu, từ đó kéo theo những chuyển biến không phù hợp với sở trường từng cá nhân, cũng như đối tượng được phân công.

Xuất phát điểm của việc sáp nhập tổ chức có thể bắt nguồn từ tình trạng yếu kém trong hoạt động nghiên cứu âm nhạc suốt nhiều năm trước đó. Song, nguyên nhân của những yếu kém chưa được làm rõ để từng bước tháo gỡ các nút thắt thì Bộ Văn hóa đã vội vàng tái cơ cấu đi đến xóa sổ một cơ quan chuyên môn vốn có sứ mệnh gánh vác trách nhiệm quan trọng liên quan tới lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc tại khu vực phía Nam. Kết quả là, sự yếu kém không những không được giải quyết mà còn đánh mất luôn cả cơ quan nghiên cứu âm nhạc.

Trước hết, cần phải nhận diện một cách khách quan, trung tâm của mọi sự yếu kém nằm ở vấn đề nhân sự - nguồn nhân lực. Di sản của thời kỳ chiến tranh, cộng với thời kỳ bao cấp để lại trên chính thực thể của cơ quan nghiên cứu này. Xét về cơ cấu nhân sự thuở ban đầu thấy rõ, Viện Âm nhạc đa số tập hợp những gương mặt có sứ mệnh “Mang gươm đi mở cõi”, như Lưu Hữu Phước, Tô Vũ, Lư Nhất Vũ, K’pa Y Lăng… Họ gánh trên vai trách nhiệm đặt nền tảng cho cơ quan đại diện của Viện Âm nhạc Việt Nam ở khu vực phía Nam. Cơ cấu nhân sự ít nhiều thể hiện sự chỉ đạo từ trên xuống, mang ý chí quyền lực. Các cán bộ nòng cốt được lãnh đạo bổ nhiệm, phân công… Đi kèm với nó là cơ chế bao cấp, từ vật chất đến tư tưởng. Đây là một phương pháp tập kết, huy động nguồn lực đặc thù vào thời kỳ chiến tranh và hòa bình mới lặp lại. Song, xét về chiến lược dài hạn, cách làm này đã nảy sinh nhiều vấn đề. Đứng trước vấn đề đó, Viện Âm nhạc đã phải hy sinh bằng hình thức giải thể cấu trúc.

Như chúng ta biết, mục đích sáp nhập nhằm khắc phục những mặt yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, nhưng giải pháp đưa ra lại tác động vào cơ cấu, tổ chức. Bài toán về vấn đề nhân sự đã đem tới kết quả sai. Một tổ chức cũng giống như cơ quan nội tạng của con người, giả sử một người có chứa năng gan kém, không lẽ chẳng cần cơ quan ấy nữa? Trong trường hợp này, chúng ta phải áp dụng phương pháp hoán đổi, có nghĩa là tập trung giải quyết vấn đề nhân sự nhằm giúp cho bộ máy vận hành ngày càng hợp lý, khoa học hơn. Và một khi những con người sinh ra gắn liền với âm nhạc vốn đã không thể đảm trách nổi công việc này thì không lý do gì họ có thể làm tốt công việc khác (sau khi sáp nhập)? Nói tóm lại, việc sáp nhập Viện Âm nhạc vào các Viện khác đã thể hiện rõ tư duy phiến diện, thiếu tính hệ thống, tạo nên độ vênh giữa “đích” và “đường”. Mục đích là nhằm khắc phục yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, nhưng biện pháp thực hiện lại tiến tới sáp nhập, hủy bỏ một cơ cấu tổ chức.

Hệ quả từ chuyển hóa bối cảnh

Theo tổng thống Mỹ Richard Nixon: “Người quản lý đại diện cho quá trình, còn nhà lãnh đạo đại diện cho phương hướng; người quản lý đại diện cho hiện tại; nhà lãnh đạo đại diện cho tương lai”. Bấy lâu nay, chúng ta quen đánh đồng hay nói cách khác, nhập nhằng giữa quản lý và lãnh đạo. Trên thực tế, không phải cá nhân nào cũng tích hợp được hai năng lực quản lý và lãnh đạo. Trong nhiều trường hợp, nhà quản lý thuần túy không thể huy động nguồn lực hiệu quả trong những tổ chức dựa trên cơ sở cá nhân. Nguồn lực trong hoạt động nghiên cứu nằm rải rác ở yếu tố con người, chứ không tập trung ở tư liệu sản xuất. Vì vậy, việc tìm kiếm người quản lý ở cơ quan nghiên cứu đồng thời là nhà lãnh đạo sẽ quyết định cả hiện tại lẫn tương lai của tổ chức. Người này phải có tầm ảnh hưởng, có thẩm quyền chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp và đặc biệt có tiếng nói quyền uy để quy tụ hiền tài. Người quản lý có khi chỉ cần làm tốt nhiệm vụ sử dụng nguồn vốn Nhà nước một cách hiệu quả, còn nhà lãnh đạo phải phát huy tối đa nguồn lực, xây dựng đường hướng phát triển, gắn kết yếu tố con người, nâng cao vị thế bằng những đóng góp sáng tạo. Cơ quan nghiên cứu không giống như doanh nghiệp. Nhu cầu của nhà nghiên cứu cũng không thể thỏa mãn bằng giá trị vật chất. Họ cần môi trường, điều kiện để phát triển nghề nghiệp, có đóng góp lâu dài cho lĩnh vực chuyên môn. Ngoài ra, phương thức quản lý không dựa trên đặc thù nghề nghiệp cũng dẫn tới lãng phí về nguồn lực. Trong hoạt động nghiên cứu, thay vì năng cao hiệu quả công tác chuyên môn bằng biện pháp giám sát quá trình thực hiện đề tài, cơ quan lại tiến tới quản lý con người bằng mệnh lệnh hành chính. Cách tuyển chọn cán bộ nghiên cứu coi trọng lập trường quan điểm (hơn năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp). Bởi vậy, nội dung thi tuyển cán bộ công chức nghiên cứu có năm chủ yếu tập trung vào việc sát hạch trình độ lý luận chính trị hay nghị quyết trung ương... về đường lối văn hóa văn nghệ.

Nói chung, để tìm kiếm vị trí lãnh đạo, Nhà nước cần có cơ chế tuyển chọn người tài, những người cộng tồn cả hai năng lực quản lý và lãnh đạo. Cần thay đổi thói quen coi trọng “Sơ yếu lý lịch” nhằm tránh tình trạng chọn nhầm người, thậm chí “giao trứng cho ác” ảnh hưởng tới sự thịnh suy của một tổ chức. Thực tế cho thấy, lãnh đạo giỏi có khả năng hấp dẫn, thu hút hiền tài, thủ lĩnh tốt, nhân tài tụ, thủ lĩnh dở nhân tài tán. Và sự hợp tan của Viện Âm nhạc đã thể hiện rõ quy luật này.

Những điều đọng lại

Cuối năm 2015, tôi về Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh dự buổi chia tay của ba đồng nghiệp đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ, trong đó có anh Phạm Ngọc Tiến (nghệ sĩ đàn cò). Phạm Ngọc Tiến chính là người cuối cùng mang “dòng máu” của Viện Âm nhạc. Điều đáng suy ngẫm là, tại sao vào thời kỳ hậu chiến sau năm 1975, khi đời sống gặp muôn vàn khó khăn, chật vật, thiếu thốn đủ bề, Viện Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh vẫn trụ vững với nhiều tên tuổi sáng giá. Còn ngày nay, khi thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của cả nước, nơi có đời sống âm nhạc hết sức đa dạng, phức tạp… lại để mất Viện âm nhạc? Hiện tại, miền Bắc và miền Trung vẫn duy trì được cơ quan nghiên cứu âm nhạc, chỉ có miền Nam, quê hương ruột thịt của đất nước bị “đứt” mất cơ quan này. Bởi vậy, đời sống âm nhạc hoàn toàn trôi nổi theo sự đưa đẩy của một thị trường nửa vời, báo chí, truyền thông đóng vai trò dẫn dắt thị hiếu, định hướng công chúng.

Mấy năm gần đây, nhiều người bắt đầu ý thức được sự cần thiết của một cơ quan chuyên nghiên cứu về âm nhạc khu vực phía Nam, nhưng ý tưởng tái thiết đã và sẽ gặp muôn vàn khó khăn cùng thách thức, không chỉ xuất phát từ tài lực hay vật lực, mà chính là nhân lực. Việc thành lập một tổ chức dễ hơn nhiều so với quá trình quy tụ, huy động, đào tạo, gây dựng một đội ngũ làm công tác chuyên môn (nghiên cứu âm nhạc), nhất là trong thời đại mọi thứ đều mong manh, chóng vánh... Nghiên cứu âm nhạc không giống như sáng tác hay biểu diễn có thể thu hút nguồn nhân lực từ nước ngoài trở về. Chúng ta không thể phủ nhận chiều kích quan trọng này, nhưng người làm nghiên cứu không thể thiếu tinh thần dấn thân, gắn bó thủy chung với văn hóa xứ sở, kể cả chịu thương, chịu khó, thậm chí kể cả chịu đựng sự vô lý. Nghiên cứu âm nhạc là một lĩnh vực quan trọng song hành cùng sáng tác, biểu diễn và thưởng thức âm nhạc. Thế nhưng, lĩnh vực này lại bộc lộ rất nhiều yếu kém. Bởi vậy, trong đời sống âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung, đất nước có hai thương hiệu mạnh là “Việt theo” và Việt gấp”. “Việt theo” thể hiện trong lĩnh vực sáng tác (nhất là ca khúc), biểu diễn, thưởng thức và “Việt gấp” thể hiện trong lĩnh vực nghiên cứu, thậm chí bao trùm lên văn hóa xứ sở. Sáng tạo mà theo, nghiên cứu mà gấp thì kết quả sẽ khó thể vượt qua sự thử thách của thời gian khắc nghiệt. Trước đây từng có quan niệm đơn giản rằng, sinh viên không học được ngành biểu diễn thì “nhảy” sang học lý luận. Kết quả là, nhiều sinh viên khoa lý luận sau khi ra trường lại tiếp tục nhảy sang làm nghề khác, rất ít người trụ vững với nghề. Người biểu diễn, sáng tác có nhiều lựa chọn dễ chịu hơn so với lý luận. Vì, nghiên cứu nói chung đòi hỏi sự chịu đựng, chấp nhận rủi ro, sống chung với thị phi và tận hưởng đời sống thanh tịnh. Bấy lâu nay, chúng ta thờ ơ, phó mặc đời sống âm nhạc cho thị trường, báo chí, truyền hình… và hậu quả đã để lại trên chính sự suy đồi của đời sống văn hóa âm nhạc đại chúng.

Nếu còn Viện Âm nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan này vừa qua tuổi 45. Đứt gãy văn hóa đã trở thành căn bệnh mãn tính của đất nước mà sự ra đi của Viện Âm nhạc biểu hiện như kết quả của một tiến trình “khắc nhập”, “khắc xuất” và khắc mất.

Lê Hải Đăng

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nho-vien-am-nhac-mien-nam-a2838.html