Nhớ về Trưởng phòng Nội san CAND Lê Tri Kỷ

Một phần quan trọng của Chương trình nghệ thuật 'Giữ trọn lời thề' kỷ niệm 72 năm Ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1-11-1946 – 1-11-2018) diễn ra vào lúc 20h ngày 24-11 sẽ dành để vinh danh các cố lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ của Báo. Trong số những người được tôn vinh ấy, có cố Đại tá, nhà văn Lê Tri Kỷ (1924 – 1993), người đã gắn bó với Nội san CAND (tiền thân của Báo CAND) giai đoạn từ 1959 đến 1965.

Lê Tri Kỷ với Báo CAND

Theo tài liệu lữu trữ của Báo CAND, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đến năm 1959, Nội san CAND được Bộ cho thành lập một đơn vị chuyên trách làm báo nội bộ và tuyên truyền ra ngoài nhân dân. Đó là Phòng Nội san - Tuyên truyền thuộc Văn phòng Bộ. Phụ trách phòng hồi ấy là đồng chí Lê Tri Kỷ và đồng chí Vũ Thế Lộc.

Cuối năm 1960, Bộ Công an chỉ đạo Nội san CAND cần tăng cường phần nghiên cứu lý luận, hướng dẫn nghiệp vụ. Nội dung của Nội san khi ấy mang cả “2 màu sắc” của tờ báo và tạp chí. Thời gian này, Phòng Nội san - Tuyên truyền đã tách ra làm 2 phòng; đồng chí Hoàng Mai, Chánh Văn phòng kiêm phụ trách Nội san, đồng chí Lê Tri Kỷ, Trưởng phòng Nội san kiêm Phó ban biên tập và Thư ký tòa soạn.

Bên cạnh đồng chí Lê Tri Kỷ, Phòng Nội san khi ấy còn có thêm 9 cán bộ khác chuyên trách làm báo. Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng lực lượng CAND lá cờ Thi đua luân lưu “Đơn vị thi đua khá nhất”. Kể từ đây, hàng năm, những đơn vị vinh dự được nhận cờ Thi đua của Bác đều được tuyên truyền bằng nhiều tin, bài và ảnh trên Nội san CAND.

Các nhà văn trong Chi hội Nhà văn Công an viếng mộ nhà văn Lê Tri Kỷ.

Khi miền Bắc xảy ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, dưới sự phụ trách của đồng chí Hoàng Mai (lúc ấy đang là Chánh Văn phòng Bộ), đồng chí Lê Tri Kỷ và các đồng nghiệp đã tích cực hoạt động, Nội san CAND càng thêm phong phú và mang tính thực tiễn cao. Hàng loạt bài hướng dẫn công tác phòng không nhân dân, phòng chống địch đổ bộ đột xuất, biểu dương tinh thần chiến đấu quên mình vì nhân dân, vì tài sản Nhà nước... của Công an, dân phòng, bảo vệ dân phố, đã được Nội san CAND kịp thời tuyên truyền, phản ánh…

Đến tháng 8-1965, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 116 về việc chuyển hướng tổ chức cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Bộ Công an đã thực hiện điều chỉnh một số bộ phận. Đối với Nội san CAND, Bộ chủ trương tách phần tuyên truyền phổ cập và cổ động sang Tuần báo, còn phần nghiên cứu, lý luận và hướng dẫn nghiệp vụ thì chuyển sang Tạp chí. Đồng chí Lê Tri Kỷ cùng một số cán bộ của Phòng Nội san ở lại Bộ để ra Tạp chí CAND.

Hình mẫu đẹp trong tâm tưởng các con

Trong quá trình thực hiện bài viết này, tôi đã đến thăm gia đình bác Nguyễn Duy Hoài, người con trai cả của nhà văn Lê Tri Kỷ (nhà văn Lê Tri Kỷ tên thật là Nguyễn Duy Hinh - PV). Đối với người con trai cả Nguyễn Duy Hoài, nhà văn Lê Tri Kỷ là một người cha rất mực phúc hậu, thương yêu và quan tâm giáo dục con cái.

Bác Hoài nhớ lại, năm 1964, khi ấy bác mới 9 tuổi, trước sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, 3 anh em trai bác đã phải rời xa bố mẹ, cùng với đoàn con em cán bộ của lực lượng Công an đi sơ tán tại Bắc Ninh (từ năm 1964 đến 1973 – PV). Lúc ấy, cũng giống như bao gia đình khác, nhà văn Lê Tri Kỷ cùng với người vợ của mình vẫn bám trụ lại ở Hà Nội để làm việc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Nếu thu xếp được công việc, cứ cách một vài tuần là bố lại đạp xe lên thăm 3 anh em chúng tôi. Một hôm có việc gia đình, bố lên rồi chở một mình tôi từ Bắc Ninh về Hà Nội. Đang đi giữa đường thì gặp máy bay Mỹ thả bom. Ngay lập tức, bố dừng xe rồi kéo tôi vào lề đường trú ẩn tránh bom. Khi ấy, Mỹ thả bom là việc mà tôi, các em tôi và những bạn nhỏ trong khu sơ tán thường xuyên phải chứng kiến trong sợ hãi. Nhưng hôm đó, nép trong lồng ngực của bố, thực sự tôi không sợ hãi gì cả mà chỉ thấy rất ấm lòng” - bác Nguyễn Duy Hoài xúc động kể lại.

Trong trí nhớ thời thơ ấu của bác Hoài, lúc ấy, bác chỉ biết người cha Lê Tri Kỷ của mình là Công an và là một người rất đam mê viết văn. Gần như mỗi khi ở nhà, bố ông đều dành thời gian và không gian yên tĩnh để viết (nhà văn Lê Tri Kỷ vinh dự được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2014 – PV). Vì là người viết, nên nhà văn Lê Tri Kỷ cũng rất quan tâm đến việc học hành của các con.

Trong ký ức của người con dâu cả Nguyễn Thị Mai Loan, nhà văn Lê Tri Kỷ còn là một người chồng rất mực thương yêu vợ. Hơn 10 năm làm dâu, dường như bác Loan chưa thấy 2 bố mẹ chồng to tiếng với nhau bao giờ. “Có lần tôi đến thăm bố mẹ thì thấy bố đang đứng ở ngoài ban công (khu nhà tập thể - PV). Thấy vậy, tôi hỏi, sao bố đứng ở đây? Bố cười và trả lời tôi rằng, mẹ đang cáu, bố đứng ở đây đến khi mẹ nguôi rồi bố mới vào nhà” - bác Nguyễn Thị Mai Loan nhớ lại.

Nhà văn Lê Tri Kỷ cùng người bạn đời của mình sinh ra được 3 người con trai. 2 người con đầu của ông theo nghiệp bố vào học tại Học viện An ninh nhân dân và sau khi ra trường, họ từng có thời gian dài công tác trong lực lượng CAND. Còn người con trai út của ông công tác trong Quân đội tại Học viện Kĩ thuật Quân sự. Đến nay, cả 3 người con của 2 vợ chồng nhà văn Lê Tri Kỷ đều thành đạt và có một cuộc sống hạnh phúc. Đó có lẽ là món quà quý báu nhất mà sinh thời nhà văn phúc hậu Lê Tri Kỷ và người bạn đời của mình vẫn hằng ước mong.

Chương trình nghệ thuật “Giữ trọn lời thề” sẽ diễn ra vào 20h ngày 24-11 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình CAND (ANTV). Chương trình có sự đồng hành giúp đỡ của các đơn vị: Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam.

Vũ Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/nho-ve-truong-phong-noi-san-cand-le-tri-ky-521335/