Nhớ về sinh nhật Bác Hồ năm 1969

Giữa tháng 5 lịch sử ngát hương sen, ta lại nhớ ơn Người, nhớ về sinh nhật cuối cùng cách đây 52 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Tiến sĩ Trần Viết Hoàn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh từng kể: Sau khi nước nhà giành được độc lập, sáng ngày 19/5/1946, tại Bắc Bộ Phủ, Bác Hồ tiếp đại biểu thiếu nhi Thủ đô, tự vệ và hơn 50 đại biểu Nam Bộ đến chúc mừng Bác nhân ngày sinh. Đây cũng là kỷ niệm sinh nhật đầu tiên của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946. Ảnh Internet

Sau này, hằng năm, cứ đến dịp sinh nhật, Bác luôn dặn trước các địa phương, các cơ quan, đơn vị là không nên tổ chức chúc thọ linh đình cho Bác. Nhiều năm cuối đời, nhất là trong thời kỳ ác liệt của chiến tranh, Người thường đi công tác hay tìm cách đi một nơi khác để tránh những phiền phức, tốn kém cho cơ quan.

Và dịp sinh nhật năm 1969, năm Bác 79 tuổi đã đến. Trước đó từ sáng ngày 10/5, Bác đi dự Hội nghị Trung ương, Bác phát biểu và nhấn mạnh mấy nội dung. “Một, Mỹ ở thế thua, ta ở thế mạnh, thế thắng. Mỹ còn ngoan cố, ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác. Hai, phải ra sức phát triển nông nghiệp. Ba, phải làm tốt quản lý kinh tế, từ trên xuống dưới, thực hành tiết kiệm. Nhà nước, Nhân dân phải tiết kiệm. Thi đua phải thiết thực. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chống chủ nghĩa cá nhân. Bốn, phải giữ bí mật. Năm, phải giữ vững tinh thần độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế”. Hơn nửa thế kỷ rồi mà nhiều nội dung trong những lời căn dặn ấy vẫn còn mang tính thời sự.

Cũng đúng ngày 10/5 (1965), Bác bắt đầu viết và sửa chữa bản Di chúc. Ngày 10/5/1969, Bác viết: “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ. Nhưng ai đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân được bao lâu nữa? Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

Bác Hồ viết bản Di chúc - Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước

Đây cũng là lần cuối cùng 4 tháng trước khi mất, Người đã dành liên tục 10 ngày đọc lại, sửa lại, hoàn thành một công việc hệ trọng, tổng kết một cuộc đời, một sự nghiệp để thanh thản ra đi. Khiêm nhường và chu đáo đến như vậy ở một người mang tầm vóc vĩ nhân, cốt cách hiền triết, có lẽ trên đời này chỉ có ở Hồ Chí Minh.

Ngày 11/5/1969, buổi chiều Bác đến thăm và nói chuyện thân mật với Hội nghị cán bộ cấp cao toàn quân. Hôm đó, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ thay mặt anh em mang hoa đến chúc thọ Bác. Sau lời chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu, toàn thể lực lượng vũ trang nhân dân hứa tin tưởng tuyệt đối và biết ơn sâu sắc sự lãnh đạo, giáo dục và thương yêu chăm sóc của Đảng, của Bác.

Vừa dứt lời, Bác vui vẻ rút một bông hoa đẹp nhất tặng lại Vương Thừa Vũ. Một cử chỉ thật âu yếm, thân tình. Nhưng có ngờ đâu giây phút này đây lại là buổi gặp gỡ cuối cùng ngày sinh Bác Hồ của lực lượng vũ trang.

Ngày 18/5/1969 cũng đã đến, anh em trong cơ quan tổ chức mừng thọ Bác. Hôm ấy, Bác vui vẻ báo tin: Ngày 16/5 vừa qua, trạm tự động Sao Kim 5 của Liên Xô đã đổ bộ nhẹ nhàng xuống sao Kim mang theo huy hiệu Lê-nin và quốc huy của Liên Xô. Chờ anh em vỗ tay xong, Bác tiếp tục báo tin: “Đó là tin thế giới, còn trong nước là tin thắng trận, sân bay Đà Nẵng bị pháo binh quân giải phóng bắn phá…”.

Mọi người phấn khởi thưa với Bác đó là quân và dân miền Nam lập công kính dâng lên Bác nhân ngày sinh lần thứ 79 của Bác. Nghe nói thế, Bác thân mật hỏi lại:

“Thế các chú ở đây chúc thọ Bác cái gì nào?”. Đồng chí Vũ Kỳ thay mặt mọi người đứng dậy nói:“Thưa Bác, nguyện vọng tha thiết của anh em là cố gắng mọi mặt, mong Bác ăn được ngon, ngủ được tốt. Kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu, lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1969. Ảnh: Internet

Thật hạnh phúc biết bao cho những cán bộ, đảng viên có được vinh dự to lớn là hằng ngày được sống cạnh Bác, phục vụ Bác. Mỗi lần đến dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác lại được quây quần quanh Bác như đàn con cháu vây quanh người cha, người ông rất đỗi gần gũi thân thương hết mực.

Và có ngờ đâu, đó lại là kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ cuối cùng mà họ được hưởng niềm hạnh phúc lớn lao ấy!

Sang ngày 19/5/1969, đúng 9 giờ, Bác lại ngồi vào bàn làm việc với tài liệu “tuyệt đối bí mật” (bản Di chúc), sau đó Bác tiếp chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi) và buổi chiều viết thư khen thiếu niên Hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫu, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc đã có nhiều thành tích trong chăm sóc trâu bò. Cũng trong ngày 19/5/1969, Bác đã gửi tặng cán bộ, Nhân dân tỉnh Nghệ An tấm chân dung của Người. Phía dưới tấm ảnh, Bác viết:

“Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân”.

Sau đó, vào ngày 23/5/1969, Bác đã gửi thư cảm ơn chung nhân dịp sinh nhật và đó là lời cảm ơn cuối cùng; lời chúc, mong ước thấu tâm can của Người trong cuộc đời 79 mùa xuân. (Theo Nhớ mãi ngày sinh Bác Hồ - TS Trần Viết Hoàn. NXB CT Quốc gia Hà Nội năm 2005).

Suốt cả cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ luôn dành tình thương yêu, sự quan tâm đặc biệt đối với các em thiếu nhi. Ảnh Internet

Với một tầm vóc trí tuệ văn hóa của lãnh tụ thiên tài, sự từ chối nghi lễ phiền phức của Người về sinh nhật của mình có nghĩa là khước từ của cải tiền bạc; tránh việc chúc thọ ở mức độ không cần thiết; đó là tầm cao của sự khiêm tốn, sự mẫn tiệp, cách ứng xử văn hóa của tương lai. Đó cũng là tấm gương mẫu mực với những đức tính và đạo lý cao đẹp của người Việt Nam.

Đã 52 năm đi qua, bóng hình Bác vẫn khắc sâu trong tâm trí mỗi người con đất Việt. Để rồi “Xin nhớ từ đây, nhớ lại ngày/ Bác Hồ từ giã cõi hôm nay/ Bảy mươi chín tuổi xuân trong sáng/ Vào cuộc trường chinh nhẹ cánh bay” (thơ Tố Hữu).

Phan Trung Thành

(sưu tầm và biên soạn)

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/nho-ve-sinh-nhat-bac-ho-nam-1969/212005.htm