Nhớ về Đà Nẵng lần thứ 8: Ngày ấy… năm ấy…

Quay trở lại Đà Nẵng sau 29 năm, những ký ức đẹp chợt ùa về với nhiều nghệ sỹ khi đã có mặt tham dự mùa sen vàng lần thứ 8. Dưới đây là câu chuyện của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cùng một vài nghệ sĩ đã làm 'nên chuyện' ở Đà Nẵng năm ấy.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã – Biên kịch xuất sắc (Phim Chuyện cổ tích cho tuổi 17)

Năm ấy, tôi vừa tròn 30 tuổi, cùng cả Xưởng Phim truyện Việt Nam đổ vào Đà Nẵng trên một chuyến tàu. Giám đốc là đạo diễn Hải Ninh đi từ toa nọ qua toa kia xem anh em có ổn không. Mọi người đều vui như đi hội. Tôi được ở khoang phòng 4 giường cùng diễn viên Trà Giang, Ngọc Bích và hai người khác thuộc Ban Dựng phim.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã

Cạnh đó là khoang phòng của thầy tôi, nhà biên kịch Bành Châu và đạo diễn Khánh Dư. Ngày đó chưa ai có danh hiệu NSƯT hay NSND như bây giờ, nhưng được ở bên cạnh những nghệ sĩ lớn ấy, với tôi là niềm háo hức và vinh dự không tả xiết. Thích nhất là chị Trà Giang.

Ở trên tàu cùng nhau gần 3 ngày, thỉnh thoảng chị lại ngắm tôi và bảo: “Sao mắt em sáng thế?”. Tôi bảo có lẽ tại em bị bướu cổ. Những người bị bướu cổ hay còn gọi là Bazedow thường hay có ánh mắt quá sáng và sau đó có thể sẽ là thời kỳ bị lộ nhãn (lồi mắt ra). Chị Trà Giang mắng tôi nói nhảm, vì bệnh ấy của tôi đã được điều trị từ lâu và đã gần như khỏi.

Sau này vào Liên hoan, tôi được nhận giải Biên kịch xuất sắc cùng anh Đoàn Trúc Quỳnh, nhưng dường như mọi chú ý của báo giới đều tập trung vào tôi. Có lẽ vì tôi còn trẻ, lại là kịch bản đầu tay mà đã được giải. Chị Trà Giang bảo: “Thấy chưa, em đang phát tướng nên mắt mới sáng thế!”. Trò chơi đoán tướng ấy khiến chị em tôi thân nhau đến bây giờ.

Tôi ấn tượng nhất, đó là sự nhiệt tình đầy văn hóa của khán giả Đà Nẵng. Họ hâm mộ điện ảnh và các nghệ sĩ một cách hiếm có nhưng rất lịch sự, ân cần. Ở khu vực thảm đỏ trong những ngày khai mạc và bế mạc, người dân, đặc biệt là thanh niên tự nguyện đến, đứng hai bên và vỗ tay không ngớt khi các nghệ sĩ xuất hiện. Không hề xô đẩy, không bàn tán ngoài lề, cũng không vỗ tay theo hiệu lệnh. Họ đến vì tình yêu điện ảnh thực sự và chúng tôi như trôi đi trong tiếng vỗ tay hoan hỉ của tình yêu vô điều kiện ấy, dù chưa ai biết ai sẽ có giải hay không?

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã (hiện tại)

Trong lần giao lưu ở một trường cấp 3, tôi lại được cảm nhận cái tình yêu đặc biệt của các em học sinh đối với điện ảnh. Các em hỏi rất nhiều về việc tôi làm thế nào mà kể được câu chuyện về một thuở mới lớn của các cô cậu học trò Hà Nội trong chiến tranh mà ngọt ngào, giản dị như vậy. Khi biết tôi đã trải qua sáu lần sửa chữa kịch bản để có được điều giản dị và xúc cảm đó, họ ngạc nhiên lắm và có một bạn gái đã thốt lên điều mà tôi không bao giờ quên: “Làm một bộ phim giản dị mà khó đến thế hả chị?”.

LHP năm đó được tổ chức ở Nhà hát Trưng Vương. Tôi nhớ sân khấu rất giản dị, ánh đèn cũng không màu mè rực rỡ như bây giờ. Đứng trên sân khấu nhận bằng khen (hồi đó chưa có cúp, mà chỉ có tấm bằng bìa đỏ), tôi nhìn xuống khán phòng và thấy mình nhỏ bé quá. Những người lên nhận giải cũng không có thời gian nói lời cảm ơn này nọ, mà chỉ nghe xướng tên thì đi lên, nhận bằng khen, nghe vỗ tay rồi… đi xuống.

Sau đó, chúng tôi dự liên hoan do Thành phố mời, và tôi được giám đốc Hải Ninh trao thêm quà của Xưởng tặng riêng cho các nghệ sĩ đoạt giải. Đó là một cặp khăn bông cỡ lớn. Chỉ thế thôi, nhưng cái cách mà giám đốc mang đến tận phòng ở của tôi để trao món quà ấy khiến tôi hiểu ông đã và sẽ còn mong chờ những thành công của tôi trong tương lai.

Lại nói về tiền thưởng, thì thật là tôi không nhớ gì hết. Có lẽ vì khoản tiền rất khiêm tốn. Và cũng có lẽ vì niềm tự hào lớn quá khiến không ai quan tâm đến số tiền ấy nữa. Tôi nhớ là đoàn phim Chuyện cổ tích cho tuổi 17 được nhận tới năm giải Bông sen Vàng, trong đó có giải cho phim và bốn giải cá nhân. Cả đoàn phim kéo nhau đi ăn nhậu tới gần sáng mới về. Những cuộc liên hoan còn lai rai mãi cả sau khi chúng tôi đã về đến Hà Nội.

Phim Chuyện cổ tích cho tuổi 17

Còn nhớ, lúc tôi được xướng tên, cứ ngồi đần ra không hiểu sao người ta lại gọi mình. Là vì hồi đó, Ban giám khảo làm việc bí mật lắm, chẳng ai biết trước được chuyện giải thưởng như bây giờ. Đến giám đốc Hải Ninh còn không ngờ, vì so với các tác giả cùng có phim tham dự lúc đó, tôi là một người mới toe, không ai biết là ai. Vì thế khi cô bạn ngồi cạnh đập mạnh vào vai bảo “Lên đi kìa!”, tôi sợ rúm lại. Đi lên sân khấu mà tưởng như sẽ không bao giờ đi tới nơi. Sao cái bục sân khấu ấy nó xa thế! Trước đó, chị Trà Giang cùng nhiều nữ nghệ sĩ khác bảo tôi phải mượn áo dài mà mặc cho mấy chị em cùng đẹp. Tôi bảo các chị là diễn viên phải đẹp, chứ em đẹp làm quái gì. Tôi mặc cái áo sơ mi nghiêm chỉnh nhất có thể, tuy hơi rộng (vì lúc đó tôi bé tẹo), thành ra lúc đi lên nhận giải càng dúm lại vì thấy sao mình thảm hại quá, lại tự trách sao không nghe chị Trà Giang mà mặc cái áo dài?

Sau lễ trao giải, tôi vẫn không hết ngơ ngác. Một phần vì cái bằng khen màu đỏ lúc ấy… không có dòng chữ tên tôi, do Ban Tổ chức chưa kịp điền tên người đoạt giải vào đó. Sau này mới thu lại để viết tên, rồi gửi về Hãng phim. Tôi cho rằng đó cũng là một may mắn cho tôi, bởi cảm giác ngất ngây trên bục chiến thắng không hề chế ngự tôi như nhiều người từng cảm thấy. Thậm chí tôi còn mơ hồ sợ hay có sự nhầm lẫn gì đây. Tất cả đều vì cái bằng chưa điền tên ấy. Khi nhận lại bằng khen có tên mình thì cảm xúc đã nguội đi nhiều lắm rồi...

NSƯT, Đạo diễn Xuân Sơn

NSƯT Xuân Sơn: Đạo diễn xuất sắc (Phim Chuyện cổ tích cho tuổi 17)

29 năm nhìn lại, tôi thấy thời bấy giờ trong sáng lắm, đẹp lắm, ai cũng có chung cảm nhận nghệ thuật điện ảnh đối với công chúng là một sản phẩm, một món ăn tinh thần tuyệt vời, cao quý được mọi người trân trọng, đón nhận. Vì không hề biết trước giải thưởng nên tôi không có sự chuẩn bị từ ngoài Hà Nội. Cũng may vào Đà Nẵng có chú em vợ sống trong đó nên tôi phải mượn bộ comple của chú ấy để mặc hôm lên nhận giải.

Trà Giang trong phim Huyền thoại người mẹ

NSND Trà Giang: Nữ diễn viên xuất sắc (Phim Thủ lĩnh áo nâu và Huyền thoại người mẹ)

Tôi nhớ nhất không khí hai đoàn nghệ sĩ Nam – Bắc gặp nhau, cùng đến giao lưu tại Nhà máy dệt. Bữa đó, sau khi đạo diễn Đỗ Minh Tuấn biểu diễn xong một bài hát tự biên tự diễn thì cả khán phòng cười ngả nghiêng. Sau đó, công nhân cũng lên hát giao lưu cùng các nghệ sĩ. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh chụp ngày hôm đó cùng với diễn viên Hà Xuyên và mấy người nữa cười hớn hở, vui lắm. Năm đó, tôi với đạo diễn Huy Thành được ban tổ chức mời để kéo cờ LHP.

Trà Giang thời trẻ

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Âm nhạc xuất sắc (Phim Thằng Bờm)

Khán giả Đà Nẵng là những con người tuyệt vời. Hàng nghìn người đã có mặt tại Nhà Văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng. Khi ô tô chở diễn viên xuất hiện, từ thanh niên tới thiếu nhi và cả người lớn tuổi ùa ra vẫy tay quanh cửa kính, để được bắt tay những thần tượng của họ.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Trong buổi giao lưu tại nhà máy dệt, tôi đã biểu diễn ngẫu hứng một bài hát có liên quan đến nhân vật thằng Bờm trong bộ phim cùng tên và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả. Tôi vẫn nhớ cuộc hội thảo tại UBND trong một buổi chiều nắng nóng nhưng đã có rất nhiều ý kiến hay. Lúc đó đã gióng lên hồi chuông cần phải có một nền điện ảnh chuyên nghiệp từ những ý kiến của đạo diễn Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thủy và chính tôi cũng có góp ý về vấn đề âm nhạc trong phim truyện phải là một thứ âm nhạc sáng tạo, gắn liền và tôn vinh được ý đồ nghệ thuật của bộ phim.

Kim Anh

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/nho-ve-da-nang-lan-thu-8-ngay-ay-nam-ay-18825.html