Nhớ về Bác để tiếp tục vững bước

Tới giờ ông Toản vẫn không nhớ chính xác mình đã trở về mảnh đất này bao nhiêu lần. Mỗi lần trở về đây, ông như trở về nhà, thân thuộc từng cành cây, ngọn cỏ. Đó chính là Côn Đảo. Và mỗi lần trở lại nơi đây ông lại nhớ như in hình ảnh anh em tù nhân truyền tai nhau những câu nói trong Di chúc của Bác...

Vừa qua, trong chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 do Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức, nhiều tập thể, cá nhân với những việc làm thiết thực, gương mẫu đã có những chia sẻ về Bác. Trong đó có TS Sử học Bùi Văn Toản, một cựu tù Côn Đảo. TS Bùi Văn Toản kể, trong chính sách tố cộng, diệt cộng của chính quyền Sài Gòn, lực lượng tù chính trị được phân làm 2 thành phần: một thành phần là kiên trung với lý tưởng cách mạng, kiên quyết bảo vệ uy danh của Đảng, của Bác Hồ; còn lại là thành phần bị địch khuất phục về mặt chính trị, phải thực hiện theo nội quy nhà giam mà địch đề ra.

“Chúng tôi bị giam ở “chuồng cọp”, biệt giam - không được ra ngoài, khi có tin Bác mất nhưng chúng tôi hoàn toàn không tin, coi đây là thủ đoạn tâm lý của địch để đánh lạc hướng, làm suy giảm lòng tin của những người tù. Mãi đến tháng 12-1969, khi những anh em ở đất liền bị đày ra đảo báo lại, anh em mới tin là Bác đã mất. 1 xà lim địch nhốt 5 người, tuyệt đối không được nói chuyện với nhau, không được nằm quay mặt vào nhau. Đến cuối năm 1969, địch giải tỏa, đưa tất cả anh em lên phòng giam lớn, mỗi phòng từ 40-50 người. Để chuẩn bị cho kỷ niệm Sinh nhật Bác, ngày 19-5-1970, toàn trại phát động học tập Di chúc Bác Hồ.

Chúng tôi học Di chúc Bác trong 2 tháng, truyền cho nhau, thảo luận từng lời, từng ý để thấm vào con người, từ đó đề ra kế hoạch cho cả bạn, cho cả phòng và tổ chức tự kiểm điểm, tự phê bình từng người, phải đề ra ý thức phấn đấu cá nhân. Anh em tù nào cũng nhớ như in câu đầu tiên của Di chúc: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”, TS Bùi Văn Toản chia sẻ.

Cũng theo người cựu tù Côn Đảo Bùi Văn Toản, câu đó đã động viên những tù nhân giữ vững niềm tin vào cách mạng, thắng lợi của cách mạng, vào ngày nước nhà độc lập, thống nhất, nhân dân được hưởng trọn vẹn niềm vui thái bình.

TS Bùi Văn Toản cùng cuốn sách “Tù nhân Côn Đảo 1940-1945”.

TS Bùi Văn Toản cùng cuốn sách “Tù nhân Côn Đảo 1940-1945”.

Và cũng với tâm nguyện phải làm điều gì đó cho những người đã ngã xuống, suốt gần 20 năm qua, ông “tự trao nhiệm vụ cho mình” một công việc đặc biệt, thầm lặng: Kiếm tìm tư liệu, chứng cứ, tên tuổi, lai lịch các liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo. Cần mẫn, đau đáu theo đuổi thông tin mới, ấm lòng khi kết nối với thân nhân gia đình liệt sĩ. Nhiều người kính trọng gọi ông với cái tên “tư liệu sống” của Côn Đảo.

Ông chính là cựu tù chính trị Côn Đảo, TS sử học, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới - Bùi Văn Toản. Mỗi lần nhớ lại ký ức đau thương mà hào hùng thuở ấy, trong lòng người cựu tù Côn Đảo lại trào dâng vô vàn cảm xúc. Trong hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt, thiếu thốn trăm bề, nhóm của ông ngoài biên tập, trình bày báo tường... còn có nhiệm vụ quan trọng là ghi danh sách tù nhân toàn trại để khi có cơ hội thì đấu tranh yêu cầu trao trả tự do. Ông Toản bùi ngùi: “Bạn tù vừa đọc tên, bí danh, quê quán cho mình đêm trước, có khi hôm sau bị tra tấn, đánh đập đến chết. Có lúc vừa chép xong phải cho giấy vào miệng nhai nuốt để tránh bị địch phát hiện...”. Từ những mảnh giấy hiếm hoi chép nắn nót thông tin những bạn tù, ý thức lưu giữ cũng bắt đầu từ đấy.

Sau ngày giải phóng, hàng chục lần, ông Toản cùng những cựu tù trở lại Côn Đảo tìm tư liệu về cuộc sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng của những đồng đội cũ.

Tự thấy mình như “mắc nợ” với con người và mảnh đất này, ông xin nghỉ hưu non để dành thời gian trọn vẹn cho tâm nguyện đau đáu của mình. Tác phẩm “Ác liệt Côn Đảo” là thành quả đầu tiên của những năm tháng đam mê kiếm tìm tư liệu. Nguồn tư liệu sống động về Côn Đảo được nghiên cứu, phân tích, kết nối thành những chứng cứ thuyết phục, cũng lần lượt được ông Bùi Văn Toản tái hiện qua hơn 10 cuốn sách “Côn Đảo - 6.694 ngày đêm”, “Những bức tranh Côn Đảo”, “Những tờ báo của tù nhân Côn Đảo”, “Côn Đảo - Bản anh hùng ca bất khuất”, “Huyền thoại Côn Đảo”... Ông Toản ở tuổi 60 bắt đầu lọ mọ tự học đánh máy vi tính, soạn thảo văn bản giấy tờ. Mò mẫm mãi rồi ông cũng sử dụng thành thạo phần mềm xử lý những chồng tài liệu, số liệu ngồn ngộn đã sưu tầm, tra cứu được.

Bộ sách “Nhà tù Côn Đảo - Danh sách hy sinh và từ trần giai đoạn 1930 - 1975” ra mắt công chúng tập hợp thông tin của 3.277 tử tù, liệt sĩ tại Côn Đảo, được biên soạn theo họ tên, năm sinh, quê quán, ngày hy sinh, tình trạng mộ phần, số tù tại Côn Đảo, mức án, nội dung bản án... Chẳng cho phép mình nghỉ ngơi trong cuộc hành trình ngược về quá khứ, còn thấy đủ sức để đọc, để đi và để trả “món nợ” với anh em bạn tù, ông sưu tầm, biên soạn bộ sách thứ hai gồm ba tập mang tên: “Tù nhân Côn Đảo 1940-1945” với hơn 3.200 trang, cung cấp thông tin của 6.342 người tù, với phần tra cứu được xếp theo từng tỉnh, thành trong cả nước...

Thực hiện lời của Bác về việc tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những người đã hy sinh máu thịt của mình để mang lại hòa bình độc lập cho dân tộc, những việc làm của người cựu tù Côn Đảo, TS Sử học Bùi Văn Toản đã góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, giúp thế hệ sau hiểu được cha ông ta đã làm được những gì cho đất nước. Và dù sức khỏe ngày càng suy giảm, nhưng TS Bùi Văn Toản vẫn đang nỗ lực chạy đua với thời gian để chống lại căn bệnh quái ác mà rất nhiều đồng đội của ông cùng mắc phải, để hoàn thành nốt những tâm nguyện của cuộc đời mình.

Thái Yên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nho-ve-bac-de-tiep-tuc-vung-buoc-159730.html