Nhớ thương ngày Tết quê nhà

Chị chộn rộn đi ra đi vào. Hôm nay đã bước sang tháng Chạp. Chị hai mới gọi lên nói đủ chuyện về Tết quê.

Ảnh minh họa từ internet.

Ảnh minh họa từ internet.

Năm nay chợ hoa mở sớm. Thương lái đã đem hoa về từ nhiều nơi, chất dọc một khúc sông. Mà hoa mới chớm nụ thôi. Có vài chậu cúc nở sớm, họ để chưng chơi cho đẹp chợ.

Chị hai nói, tháng trước ba đã ra vườn lặt lá mai. Năm nay trời lạnh hơn mọi năm, giờ này mai vẫn chưa hé nụ. Ba nói vài ngày nữa ba sẽ chườm các túi ấm để quanh gốc cây, yên tâm, rồi cận Tết hoa sẽ nở đẹp thôi. Người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng vườn, với cây cỏ, chuyện hoa nở đúng vụ có khó khăn gì.

Bữa trước má đã xới lại cái vườn, trồng một hàng hoa cúc, hoa mào gà cho đẹp vườn. Từ hồi mấy chị em còn nhỏ má luôn trồng hoa trước Tết. Má nói, ra chợ mua mấy cái chậu bông loe que mắc lắm. Má trồng trước mấy khóm bông, Tết là nó nở đẹp, cắt vô cúng ông bà, tổ tiên cho xôm tụ bàn thờ, rồi vui cửa, vui nhà. Mà hoa má trồng không giống hoa bán ngoài chợ đâu. Nó nhỏ hơn, nhưng sắc đậm đà, tươi tốt phơi phới, ai nhìn vô cũng thấy mê. Má nói, là vì má thương hoa nên hoa nó thương lại má. Ngày nào má cũng vun, bón, tưới, âu yếm như đối với đàn con nhỏ. Nhiều người chung quanh hỏi má mua hoa đem về chưng Tết, nhưng má từ chối, má trồng hoa để ngắm chứ không để bán. Không bán nhưng má đem tặng hàng xóm, bạn bè. Và mỗi năm, má lại trồng nhiều hoa hơn năm ngoái, vì người xin hoa má nhiều quá.

Chị hai kể, thằng út đã lợp lại cái mái nhà xong, nó cũng mới đóng xong bộ ngựa mới thay cho bộ ngựa 40 năm đã hư. Gian nhà cũng đã được nới ra thêm một phòng bằng gỗ be bé, xinh xinh, ấm cúng. Qua Tết là cả nhà sẽ tưng bừng vì rước dâu mới. Vợ sắp cưới của Út là giáo viên mầm non. Chị hai kể, mấy ngày nay nó cũng xuống xắng xởi phụ má lo Tết, thấy đảm đang lắm. Cả nhà an tâm cho thằng út, còn mỗi đứa út ít, làm nghề mộc, lẻ bóng bao nhiêu năm cuối cùng cũng có đôi.

Chị ngồi nhẩm tính ngày. Tầm vài ngày nữa, tùy vào thời tiết lúc đó nóng lạnh, má qua rủ chị hai đi chợ, mua nếp, thịt, đậu về gói bánh Tét. Ba sẽ đi rọc lá chuối, chẻ sợi lạt. Hai má con ngồi gói bánh, ba và út làm một bếp lửa to trong sân, cả nhà sẽ ngồi gói lá suốt ngày, rồi canh nấu bánh đêm. Hai đứa con chị hai sẽ chạy tung tăng quanh sân ra chiều phấn khích lắm. Sẽ có những chiếc bánh tét thơm phức, nhiều nhân đậu thịt, vừa dẻo, vừa ngon để biếu xóm làng, chưng bàn thờ và ăn ngày Tết.

Má với chị hai cũng xúm lặt củ kiệu, phơi khô, bào rau cải cà rốt để làm dưa món. Bào dừa, hái mãng cầu xiêm sên đường làm mứt. Rồi kho nồi thịt trứng vịt với nước dừa thật to để hai nhà ăn Tết. Tết nào cũng vậy, nhà ba má và nhà chị hai sẽ sửa soạn chung, rồi chia ra cả hai nhà cùng dùng.

Chị nghĩ đến nồi thịt kho hột vịt, nước trong, ngọt tự nhiên, miếng thịt mềm tan trong miệng. Chị nghĩ đến ngôi nhà thơm nức mùi mứt sên đường, tự nhiên nhớ nhà da diết. Tết quê phải chăng đi vào trái tim mỗi người bằng những hương vị giản dị mà thân thuộc ấy?

Ở Sài Gòn, chị khó lòng tìm được những cảm xúc đã từng trải qua ở cái Tết nhà quê trong những năm tháng thiếu thời. Không thể tìm đâu ra ngôi nhà gỗ lợp ngói vẩy cá nép mình dưới rặng dừa, bên cạnh một con kênh. Ở đó, gần Tết là cây mai già trong sân bắt đầu nở những bông hoa đầu tiên trong niềm háo hức của từng thành viên trong nhà. Ở đó có hàng cúc, hàng màu gà của má trồng sao mà tươi sắc đến thế. Trong căn nhà ấy là những mùi hương ngọt ngào thơm ngát của đồ ăn má và chị hai nấu đón Tết.

Đón Tết ở thành thị, làm gì có thời gian để làm những điều ấy. Hai vợ chồng vẫn phải tất bật đi làm ngày 8 tiếng, thậm chí còn tất bật hơn vì những báo cáo, tổng kết cuối năm, tiệc tất niên... Con cái thì vẫn phải lo đưa đón hằng ngày. Cho dù là mai, là cúc hay bất cứ loại hoa gì khác thì cũng chờ cận Tết ra chợ hoa hay vào siêu thị mà mua. Bánh tét siêu thị cũng có bán, củ kiệu, dưa muối, bánh mứt hay ti tỉ đồ ăn ngày Tết đều có thể mua trong siêu thị hoặc đặt hàng giao tận nhà. Thậm chí nồi thịt kho truyền thống ngày Tết cũng có thể đặt hàng, sẽ có người kho theo khẩu vị yêu cầu và mang đến tận nơi. Nhưng có yêu cầu thế nào thì làm sao họ kho ra được vị của má nấu? Việc dọn dẹp nhà cửa lại càng đơn giản, chỉ cần bỏ vài trăm ngàn cho công ty dịch vụ vệ sinh, thế là xong.

Ngày ở quê, chị từng phụng phịu trách má, sao Tết phải làm nhiều vậy má. Ngày nào cũng có việc hết trơn. Sao mình không đi mua của nhà cô Sáu, dì Tư, sao mình không ra chợ huyện mua về như nhiều nhà khác cho tiện hả má? Lúc đó, má chỉ cốc đầu chị, mắng yêu: “Cái con nhỏ làm biếng nhớt thây, phải làm như thế này thì mới ra không khí Tết chứ”. Lúc đó, chị không hiểu, cứ phàn nàn má mua việc vào người. Giờ đây, giữa đô thị hiện đại hàng đầu cả nước, chỉ cần một cái click chuột, một cuộc gọi, không cần động chân tay là mọi thứ có sẵn đón Tết, chị lại thấy lòng mình hụt hẫng, thiếu đi một điều gì đó thiêng liêng lắm.

Gần 20 năm xa quê hương, lập nghiệp nơi đây, năm nào cũng vậy, cứ gần Tết là lòng chị nửa buồn, nửa vui. Nhớ da diết, nhớ nao lòng cái Tết nhà quê, cái Tết thiếu thời. Nhớ là nhớ vậy thôi, chị biết làm sao được. Mỗi một lựa chọn trên con đường đời đều phải đánh đổi. Trong những sự đánh đổi của chị, có cả những ngày đón Tết quê ấm áp, xôn xao mà mãi mãi sẽ khó lòng gặp lại...

N.Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/nho-thuong-ngay-tet-que-nha-570515.html