Nhớ thương mùa hè

Quên đi cái nắng như nung, cũng đừng nhớ về những cơn mưa rào bất chợt, hãy để lòng mình tĩnh lặng để cảm nhận những dấu yêu của mùa hè.

Lập thu rồi. Mùa hè lướt qua kẽ tay nhanh hơn cả một cái chớp mắt. Trong những buổi chiều chập choạng, chợt giật mình vì tiếng sấm giữa trời quang. Phố xá như bừng tỉnh sau một ngày dài mỏi mệt. Người và xe hối hả hơn, mong về nhà trước khi cơn mưa dông ập xuống.

Sáng sớm, trời se se lạnh, nắng vàng mượt và bớt đi vài phần oi ả. Trên phố, các cửa hàng văn phòng phẩm tấp nập hơn ngày thường. Đã đến lúc lũ trẻ chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Chợt tôi giật mình vì cây phượng vĩ ở góc đường vẫn còn lác đác vài bông hoa mới. Những cánh hoa cuối mùa dường như thắm sắc hơn. Nhìn thấy nó tôi chợt nhớ cây phượng già nơi góc phố nghèo. Suốt cả mùa hè, lũ chúng tôi ngắm nó để đong đếm thời gian.

Khi trên cành lác đác những bông hoa đỏ rực, lũ trẻ con càng nôn nóng mong mau chóng được nghỉ học. Ngày hoa phượng nở rộ cũng là lúc tiếng trống bế giảng vang lên. Thoát cái, mấy quả phượng dài đuồn đuỗn đã đung đưa như trêu tức chúng tôi trên cành. Cả đám thở dài nhìn nhau, thế là hết một mùa rong chơi.

Nói là chơi cả mùa hè cũng không đúng. Ở miền Trung quê tôi, cứ đến đầu tháng năm là nắng nung mất nửa ngày. Thế nên, khi được nghỉ học, phần lớn bọn trẻ nít bị nhốt trong nhà, hoặc loanh quanh phụ mấy việc vặt như phơi thóc, hái rau, cho gà ăn hay cơm nước. Buồn chán quá, mấy đứa bạn “kề tường sát vách” lại í ới gọi nhau qua nhà chơi. Hôm nào không được đi chơi, mấy anh em lại tha thẩn ở nhà cả ngày với bà.

Trong giấc ngủ mơ màng của trưa hè oi bức, tôi ngửi thấy mùi thơm của đỗ đen, cả cái ngầy ngậy, beo béo của cùi dừa già. Không phải là mơ, hóa ra bà nấu chè đỗ đen thật. Nói đến ăn, đứa nào cũng hăm hở. Nhưng khi bà sai đi mua đá, là cả bọn lại đùn đẩy nhau. Thời đó, ở quê hiếm nhà có tủ lạnh, mỗi lần cần dùng đến đá, lại phải đạp xe ra mấy quán giải khát ở ngoài đường cái để mua. Lúc xách túi đá về, cô bán hàng còn gọi với theo: “Nhớ về nhà ngay nhé cháu, la cà đi chơi là đá tan hết đấy”.

Mấy bà cháu vừa ăn chè, vừa nói cười hỉ hả. Cái nắng như thiêu của ngày chính hạ lùi xa căn nhà nhỏ. Chợt đứa em út của tôi giật mình, như nhớ ra điều gì đó. Nó ngước đôi mắt tròn, trong veo lên nói khe khẽ với bà: “Bà ơi, chiều bố mẹ con về lại không có đá để ăn chè rồi”. Bà chẳng biết nói gì, chỉ khẽ xoa đầu đứa cháu nhỏ.

Mùa hè đỏng đảnh luôn gây cho người ta cảm giác khó chịu, nhưng được cái hoa trái lại nhiều. Cứ bước chân ra vườn thể nào cũng có cái ăn. Nào ổi, sung, dái mít rồi đến khế chua, nhưng dừa luôn là thứ quả khiến bọn trẻ con thèm nhỏ dãi. Mùa hè nóng nực, được uống một cốc nước dừa ngọt mát thì còn gì bằng. Khổ nỗi, dừa lại đắt, người lớn hay để dành đi bán chứ chẳng mấy nhà dám ăn.

Vị ngọt mát của những trái dừa xiêm ngày hè khiến người ta lưu luyến.

Vị ngọt mát của những trái dừa xiêm ngày hè khiến người ta lưu luyến.

Ngày bà gọi người đến mua dừa, mấy đứa cháu vui như mở hội. Những quả dừa xấu xí, vẹo vọ, không bán được sẽ là phần của đám trẻ đang hau háu thèm thuồng. Cứ thấy quả nào nhỏ thó, bị vứt ra góc vườn là anh tôi hăm hở ra nhặt để bổ cho em. Đa phần, chúng đều là dừa “điếc”, chỉ có một tẹo nước, có khi vừa đủ rót vào cái chén mắt trâu. Cùi dừa cũng mỏng dính, cạo mòn cả thìa mà chẳng bõ dính kẽ răng.

Ngoài dừa, na, ổi, mít… mùa hè còn vô khối thứ quả “ngon lành”. Nào là quả duối dại, ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Dẫu người lớn hay dọa trong bụi duối có nhiều rắn, nhưng khi nhìn thấy những quả duối mỡ màng, chỉ nhỉnh hơn hạt ngô đang mời gọi, cả bọn đánh liều chui vào bụi duối nơi bờ ao. Vừa nghe tiếng sột soạt, mấy đứa đã sợ xanh mặt, nhảy vội ra ngoài, vì nghĩ rắn cắn đến nơi. Hóa ra, chỉ là một con chẫu chàng đi lạc.

Ngay cả quả mây xanh, chát xít mà đám trẻ nhà quê chúng tôi cũng không tha. Từ chùm mây vắt vẻo trên cao, xung quanh đầy gai nhọn như trêu tức những đứa trẻ hiếu thắng. Ăn được một quả mây nhỏ tí không cẩn thận là gai cào xước hết cả tay. Có đứa đen đủi còn bị rách cả áo. Thế mà vẫn thấy thích mới lạ.

Những quả bàng chín, báo hiệu mùa hè đã qua. Ảnh: Khoahocdoisong.vn.

Làm sao có thể quên những trái bàng chín mơ màng nơi sân trường vắng lặng. Hôm bế giảng, chúng còn khoảng lớp áo xanh thẫm kiêu kỳ. Chúng tôi hẹn nhau, lời hẹn cuối mùa hè, khi những quả bàng đã chín. Mấy đứa ở gần trường cứ thế nhấp nhổm không yên. Chùm quả trên cao vừa mới kịp ngả sang màu vàng, chúng tôi đã í ới gọi nhau, tụ tập trước cổng trường.

Cùi bàng dù chín vẫn chan chát, chẳng ngon lành gì. Chỉ còn nhân bàng là bùi bùi, béo ngậy, hấp dẫn. Nhưng để ăn được nhân của hạt bàng cũng không phải dễ. Khi đám con trai trèo lên cây hái quả, mấy đứa con gái đã hăng hái đi tìm những viên gạch to để đập vỡ hạt bàng. Suốt buổi chiều, đập đến đau cả tay, viên gạch cũng vỡ vụn mà đôi khi cái hạt bướng bỉnh đó vẫn trơ trơ. Mùa hè của chúng tôi khép lại khi những quả bàng chín nằm lăn lóc ở góc sân.

Những thứ quả hoang dại ấy không chỉ là thức quà để ăn chơi, chúng còn chứa đựng niềm vui hồn nhiên của tuổi nhỏ. Quê nghèo, suốt thời thơ ấu chẳng có lấy một món đồ chơi tử tế nhưng chẳng ai thấy buồn. Bởi hàng ngày, từng ngọn cỏ, nhành cây đều đã gieo vào lòng chúng tôi những niềm vui thuần khiết.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nho-thuong-mua-he-post970944.html