Nhớ thương hiệu pháo Bình Đà một thuở

'Nhất pháo Bình Đà, nhất gà Đông Tảo' chính là câu ca người xưa vẫn truyền tai nhau ca ngợi những đặc sản nổi tiếng cả nước, trong đó pháo Bình Đà trứ danh một thời luôn được xếp hàng đầu.

Đình làng Bình Đà - nơi từng diễn ra hội thi pháo giữa các thôn

Đình làng Bình Đà - nơi từng diễn ra hội thi pháo giữa các thôn

Sống bằng pháo, đến khi Nhà nước cấm pháo, cả làng hụt hẫng những tưởng không còn cách kiếm sống. Năm tháng qua đi, nhờ truyền thông tích cực và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ đã khiến nghề làm pháo chỉ còn là “kỷ niệm” tại Bình Đà.

Gốc tích làng pháo

Làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội trước năm 1947 được biết đến là một làng cổ, nơi lưu lại dấu tích của Lạc Long Quân cùng 50 con dừng chân, lập ấp trước khi tiến ra biển Nam Hải. Đền Nội ở làng Bình Đà có bức hoành phi “Đền Quốc Tổ”, trong đền có bảo vật quốc gia “Phù điêu Quốc tổ Lạc Long Quân” hơn 1.000 năm tuổi. Đồi Ba Gò ở cánh đồng làng được cho là nơi Lạc Long Quân hóa về trời, trên đồi đã phát hiện ra một số di chỉ gạch múi cam, được xác định trên 2.000 năm.

Tuy vậy, người ta biết đến Bình Đà là một làng làm pháo (với loại pháo nổi tiếng nhất mang tên “Nam Hải Hoàng Hoa”) suốt từ thời nhà Nguyễn nhiều hơn là những câu chuyện huyền sử vẫn còn là bí ẩn như trên. Bước ngoặt lớn nhất của làng là vào năm 1947 khi quân Pháp đồn trú tại làng. Một tên tướng Pháp lúc đó tên là Ti-bô đã cho thành lập trường bắn gần Bình Đà, bên trong có cất giữ rất nhiều thuốc súng.

Nhiều thanh niên làng tò mò đã trèo vào ăn trộm và lấy thuốc súng về chế tạo pháo, đốt cho vui tai chứ chẳng ai có mục đích làm kinh tế.Sau khi giải phóng miền Bắc năm 1954, trường bắn bị giải tán, lượng thuốc súng lớn thất thoát, hầu hết do thanh niên làng Bình Đà lấy để chế tạo các loại pháo. Hầu như gia đình nào trong làng cũng nắm rõ từ thành phần tới công thức, mức độ an toàn và dần tìm được nguồn nguyên liệu cố định, thường xuyên.

Đốt pháo nổ giờ đây chỉ còn trong hoài niệm.

Trước năm 1960, mô hình hợp tác xã còn hoạt động, pháo được đưa vào hợp tác xã nên nhà nhà người người đi làm pháo. Khi mô hình hợp tác xã giải tán, pháo được mang về từng nhà, từ đó, tiếng pháo nổ, các vụ tai nạn nằm ngoài tầm kiểm soát.

Cứ dịp gần Tết Nguyên đánthời trước năm 1995, làng Bình Đà tấp nập kẻ ra người vào. Làng trên, xóm dưới rộn rã không khí tấp nập, khẩn trương,không khí vui như trẩy hội.Người dân ở các nơi trên cả nước đổ về Bình Đà, vừa để tham quan, vừa mua pháo về chơi. Thời ấy, đặt chân tới đất Bình Đà là đã có thể ngửi thấy mùi thuốc pháođặc quánh khắp làng, mùi xác pháo vừa đốt, mùi giấy cuộn pháo và cảm nhận được sự náo nhiệt của nghề làm pháo.

Cả làng đều làm pháo, không phân biệt tuổi tác, giới tính cuốn theo vòng xoáy của công việc khá nguy hiểm này.Trẻ con thì tiêm pháo, cuộn pháo, những người trung niên có nhiều kinh nghiệm thì nhận nhiệm vụ đổ thuốc. Người ta làm pháo từ sáng sớm tới tối mịt, tình làng nghĩa xóm nhờ đó mà cũng trở nên thân thiết. Dân Bình Đà đều có việc làm và phần lớn đều có cuộc sống rất khá giả. Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn thích ở nhà làm pháo hơn là đi học.

Nghề pháo càng phát triển, những ngôi nhà tầng cũng dần thay thế những mái nhà ngói cũ kĩ, đời sống nhân dân dần được nâng lên.Người Bình Đà rất tự hào vì nghề này đã giúp nơi đây trở thành làng giàu nhất nhì huyện Thanh Oai lúc đó.

Tháng 10/1959, Bình Đà vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Điều đặc biệt là Bác đã xuống tận ruộng thăm hỏi người dân Bình Đà thu hoạch lúa mùa tại chính thửa ruộng được cho là nơi năm xưa vua Lý Thái Tông cày Tịch Điền. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1965-1975) nơi đây còn là quê hương của những cánh đồng 5 tấn, 10 tấn, một đơn vị dẫn đầu miền Bắc. Năm 1985, xã Bình Minh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và nhiều Huân chương cao quý khác.

Mốc “chuyển đổi” lịch sử

Tết Ất Hợi năm 1995 là cái Tết không bao giờ quên đối với người dân làng Bình Đà. Đó là năm đầu tiên Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/1995.

Không khí u ám bao trùm lên làng Bình Đà khi Tết Ất Hợi gần đến, một vài nhà “bánh chưng không có” “áo mới chẳng còn”, chẳng ai dám nhắc đến từ pháo. Tuy ngày 1/1/1995 Chỉ thị 406 mới có hiệu lực, nhưng chính quyền xã Bình Minh đã đi làm công tác tư tưởng và thu giữ dụng cụ làm pháo từ cả tháng trước.

Những đồ vật ngày nào như cần câu cơm của dân làng Bình Đà bỗng chốc phải tiêu hủy, pháo bông, pháo bèo, pháo Nam Hải Hoàng Hoa nức tiếng ngày nào chuẩn bị đi vào dĩ vãng.Nhiều nhà lo chết đói, lo Tết không còn vui nữa, nhưng khi nhìn lên bàn tay họ, bàn chân họ, khuôn mặt họ vẫn còn loang lổ sự tàn phá của pháo thì rõ ràng là không cấm không được.

Giao thừa đến. Không một tiếng pháo nổ. Im lìm. Người lớn vỗ tay đôm đốp, trẻ nhỏ thì kêu “bùm, bùm” giả tiếng pháo. Đèn được chính quyền treo đầy đường để thay tiếng pháo không còn nữa.Liên tiếp những ngày sau đó là các bài tuyên truyền trên loa phóng thanh về ý nghĩa của việc cấm pháo, động viên bà con năng động tìm kế mưu sinh mới.Công an huyện Thanh Oai đã thành lập các tổ công tác phối hợp với lực lượng công an xã, các ban, ngành, đoàn thể tới từng hộ dân, cơ quan, trường học đóng trên địa bàn tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo nổ.

Về sau, vẫn còn một vài hộ lén lút làm pháo.Gần Tết, đâu đó vẫn còn tiếng pháo nổ.Sau lệnh cấm, xót xa thay tai nạn về pháo vẫn cướp đi sự lành lặn của một số người. Năm tháng qua đi, nhờ truyền thông tích cực và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ đã khiến nghề làm pháo chỉ còn là “kỷ niệm xưa” tại Bình Đà.

Những năm đầu khi cấm sản xuất pháo, việc chuyển từ nghề truyền thống sản xuất pháo nổ sang nghề mới với người dân Bình Đà là vô cùng khó khăn. Thế nhưng, qua hơn 26 năm kể từ ngày ban hành Chỉ thị 406/CT-TTg, người dân Bình Đà đang từng ngày có bước phát triển mới.

Bình Đà đã đoạn tuyệt hẳn với nghề pháo để xây dựng cuộc sống ấm no, bình yên hơnvà vùng quê có truyền thống lâu đời này đã “thay máu”. Với lợi thế làng ven quốc lộ 21B, dân làng phát triển buôn bán. Đi dọc đường làng bây giờ, dễ dàng chứng kiến không khí tấp nập của kẻ bán, người mua. Nghề dịch vụ phát triển chóng mặt bởi những ngành nghề mới như thêu ren… Lớp trẻ thì thi đua học hành tại nhiều trường đại học lớn đã khiến Bình Đà thay da đổi thịt, đời sống nhân dân khấm khá lên rất nhiều. Ký ức về pháo đã được gói gọn trong những tập sách sử của làng trước năm 1995.

Mỗi khi có các ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán của dân tộc, người dân của làng Bình Đà vẫn cùng nhau tâm sự và bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên về việc đốt pháo để chào mừng. Những người con Bình Đà khi đi công tác, làm ăn sinh sống ở khắp mọi miền của Tổ quốc vẫn rất tự hào khi giới thiệu với bạn bè về quê hương pháo Bình Đà của mình.

Bên cạnh đó, các cụ già, người lớn tuổi khi nhớ lại cái thời huy hoàng tung hoành đi biểu diễn thương hiệu “Pháo Bình Đà” khắp mọi miền của Tổ quốc, thì có đôi chút tiếc nuối nhớ lại quá khứ của làng nghề như sự mất mất to lớn của đôi trai gái yêu nhau “Anh nhớ em như Bình Đà nhớ pháo - Anh mất em như Pháp mất Đông Dương”.

Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nho-thuong-hieu-phao-binh-da-mot-thuo-d147116.html