Nhớ thời hoa lửa

Cựu chiến binh Tô Xuân Phương luôn tự hào về một thời tuổi trẻ. Ông trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam trong đội hình Trung đội Trinh sát (Cục Hậu cần). Đơn vị đã anh dũng đánh trả các cuộc tập kích của địch, lập nhiều chiến công.

Mới đây, chúng tôi đến thăm gia đình ông Tô Xuân Phương, tổ dân phố Chi Ly, phường Trần Phú (TP Bắc Giang). Ở tuổi 71, ông Phương vẫn còn khỏe mạnh và luôn giữ tác phong của một người lính.

Mặc dù chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng mỗi khi nhắc đến những ngày tháng Tư lịch sử, ký ức về một thời đạn bom vẫn in sâu trong tâm trí người lính trinh sát năm nào.

Ông Tô Xuân Phương và vợ.

Ông Tô Xuân Phương và vợ.

Ông Tô Xuân Phương nhập ngũ năm 1968. Sau thời gian huấn luyện, ông cùng đồng đội được biên chế vào Trung đội Trinh sát thuộc Trung đoàn bộ (Cục Hậu cần) và tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Trong trí nhớ của người cựu binh trinh sát, ngày ấy, hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ là một hành trình gian nan bởi không chỉ phải leo núi, lội suối, đi bộ cả tháng trời mà còn phải chống chọi với "mưa bom" của kẻ thù. Không kể ngày hay đêm, giặc Mỹ cho máy bay B52 oanh tạc với hàng trăm tấn bom mỗi ngày hòng cắt đứt tuyến đường chi viện từ Bắc vào chiến trường miền Nam.

Hồi ấy, căn cứ Cục Hậu cần đặt tại tỉnh Tây Ninh, nằm giữa khu rừng già, xung quanh không một bóng nhà dân. Trung đội Trinh sát có nhiệm vụ bảo vệ kho vũ khí và lương thực bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến. Sau chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, địch tăng cường càn quét vào căn cứ hậu phương của ta, đặc biệt là khu vực kho, bệnh viện, xưởng cơ khí… nhằm phá hoại hậu phương, làm giảm sức chiến đấu của quân ta.

Lúc này, hậu phương cũng đã trở thành mặt trận trực tiếp đánh địch bảo vệ căn cứ, kho tàng. Trung đội Trinh sát của ông nhiều lần chiến đấu với giặc Mỹ, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Ông Tô Xuân Phương nhớ lại: Một trong những trận đánh ác liệt vào giữa năm 1970, khi địch tổ chức nhiều đợt càn quét, bầu trời không lúc nào ngớt tiếng máy bay, đạn pháo. Nhiều khu rừng già, cây cối đang xanh ngát nhưng sau trận bom của địch bị đổ như vừa phát rẫy, khói lửa cháy đỏ cả một vùng.

Đặc biệt, ngày 25/5/1970, do địch phát hiện được tín hiệu đài thông tin từ kho hậu cần, chúng đã dội bom, đạn pháo vào căn cứ. Sau khi san bằng khu căn cứ, địch cho quân đổ bộ càn quét, xóa sổ kho vũ khí, lương thực của quân ta. Sau khi nhận được tin địch đổ bộ hướng về đơn vị, Trung đội Trinh sát được lệnh chuẩn bị chiến đấu.

Khoảng 17 giờ, địch áp sát căn cứ, Trung đội trưởng Nguyễn Huy Cận yêu cầu không được nổ súng khi chưa có lệnh. Chờ đến khi địch còn cách khoảng 30 m, Trung đội trưởng lệnh nổ súng. Những đường đạn đỏ rực kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Với 7 đồng chí, Trung đội Trinh sát đã anh dũng chiến đấu buộc hơn 100 tên địch phải rút lui.

Sau trận đánh, những người lính của đơn vị tìm kiếm nhau trong bóng tối. Khi tìm thấy đồng chí Trung đội trưởng Nguyễn Huy Cận cũng là lúc anh hy sinh; hai đồng chí khác bị thương nặng. Về phía địch đã có 30 lính Mỹ bị tiêu diệt.

Ông Phương kể tiếp: Mệnh lệnh không được nổ súng khi chưa có lệnh của người chỉ huy đã cứu sống nhiều đồng đội. Nếu đánh địch ở khoảng cách xa, chúng sẽ dùng máy bay ném bom, bắn đạn pháo, cối để dọn đường trước khi tiến vào. Khi đánh giáp lá cà vừa gây bất ngờ vừa hạn chế tối đa hỏa lực của địch. Qua đó, thấy sự sáng suốt, bản lĩnh của người chỉ huy khi đối đầu với kẻ thù.

Sau trận đánh, ông Tô Xuân Phương được cấp trên tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Từ chiến công đó, đến khi đất nước thống nhất, ông Phương cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh khác. Trong thời gian tham gia kháng chiến tuy gian khổ và hy sinh nhưng cũng để lại nhiều kỷ niệm đẹp đối với người lính trinh sát.

Cựu chiến binh Tô Xuân Phương không thể nào quên bữa cơm mùng một Tết Quý Sửu 1973, chỉ có cơm trắng với rau rừng nhưng ăn rất ngon bởi được tin Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Trên bàn thờ Tổ quốc, tuy không có nhang thơm nhưng vẫn có ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc với những bông hoa rừng tươi thắm.

Sau khi đất nước thống nhất, ông Phương trở về quê hương và xin chuyển ngành vào công tác tại Sở Thương nghiệp Hà Bắc, đến năm 1993 ông nghỉ hưu. Trở về với đời thường, ông tích cực tham gia hoạt động ở địa phương như làm cụm trưởng dân cư, trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư, hiện nay là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh. Dù ở vị trí nào, cựu binh Tô Xuân Phương cũng giữ vững phẩm chất của người lính, truyền lửa cho thế hệ trẻ biết trân trọng lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp sức xây dựng và phát triển quê hương.

Bài, ảnh: Trung Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-phong/357348/nho-thoi-hoa-lua.html