Nhớ Tết Trung thu xưa...

Trung thu xưa là đêm hội truyền thống để mọi người, mọi nhà quây quần phá cỗ trăng Rằm. Trung thu nay, cũng với con người ấy, không gian ấy, sao chúng ta không còn cảm giác tha thiết như xưa...

Trẻ em ngày xưa háo hức với những chiếc đèn ông sao được bố mẹ làm cho trong dịp Tết Trung thu. Ảnh: Internet.

Trẻ em ngày xưa háo hức với những chiếc đèn ông sao được bố mẹ làm cho trong dịp Tết Trung thu. Ảnh: Internet.

Vì sao lại như vậy?

Tết Trung thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, ngày này đã trở thành tết của trẻ em hay còn gọi Tết trông Trăng hoặc Tết hoa đăng.

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, ban ngày làm cỗ gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt.

Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm đủ các màu sắc, sặc sỡ, xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành hình các bông hoa, nặn bột làm con tôm, con cá ...

Đồ trẻ con chơi trong Tết này toàn là các thứ bồi bằng giấy như là: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm cá, bươm bướm, bọ ngựa, cành hoa, giàn mướp, đèn cù, ông nghè đất, con thiềm thừ,... những năm gần đây còn có nhiều đồ chơi bằng nhựa, bằng sắt...

Vào đúng đêm Trung thu, trẻ em dắt nhau từng đàn từng lũ, đám thì nhảy ô, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường phố, đường làng...

Vào ngày này, cha mẹ thường bày cỗ cho các con để mừng Trung thu, mua và làm nhiều loại lồng đèn thắp bằng nến, treo trong nhà và hoặc tổ chức cho trẻ em rước đèn.

Trung thu xưa, mọi người còn mua bánh Trung Thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác.

Trung thu xưa đơn giản và ấm áp như vậy đó!

Trung thu bây giờ thế nào?

Hôm nay mới chính thức là ngày “phá cỗ”, thế nhưng cả tuần nay, không khí Trung thu đã tràn ngập khắp phố phường.

Lồng đèn, ánh sáng đã tràn ngặp khắp mọi ngả đường. Khung cảnh vẫn náo nhiệt như những mùa Trung thu trước, thế nhưng có thể nhận thấy trẻ con ngày nay không còn quá háo hức với Trung thu, cảm giác mà Trung thu mang lại với những người lớn "đã từng là trẻ con" cũng không còn như xưa nữa.

Còn đâu những chiếc đèn cù, đèn ông sao giản dị mà các ông bố cất công tự làm trong sự háo hức của con trẻ. Giờ đây, chỉ cần ít phút ghé qua cửa hàng, bố mẹ đã có thể mua cho con những chiếc đèn lồng đa dạng màu sắc, đủ kiểu, có các chức năng phát sáng, phát nhạc...

Cuộc sống hiện đại cũng khiến những món đồ chơi dân dã ngày nào được thay thế bằng nhiều món đồ chơi hiện đại được sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài, mà đa phần là đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc.

Trung thu giờ không chỉ là tết riêng của trẻ con nữa mà là tết của tất cả mọi người không phân biệt lớn bé, già trẻ. Đây cũng là dịp để người lớn đi chơi, hoặc để những cha mẹ biếu quà hay những hộp bánh thượng hạng có giá tới hàng triệu đồng cho cấp trên hay đối tác...

Còn nhớ Trung thu xưa, người lớn đã từng là trẻ con như tôi rất thích ngắm ánh trăng sáng như gương, soi sáng cả một góc sân rộng. Ngày nay, không phải chỉ đêm Trung tu, việc ngắm trăng trong thành phố vào tất cả các đêm rằm đều rất khó khăn bởi sự xuất hiện của nhiều cao ốc, tòa nhà cao tầng...

Trẻ em ngày nay thường phải đi chơi Trung thu giữa phố xá đông nghẹt người, ồn ào và náo nhiệt. Chúng chỉ biết đến những món quà bố mẹ mua cho chứ không thật sự hiểu những câu chuyện về chị Hằng, chú Cuội và những nét đẹp truyền thống vốn có...

Xin hỏi, có bao nhiêu người làm cha, làm mẹ trong số chúng ta dành thời gian để kể cho con cháu của mình nghe những câu chuyện về nguồn gốc và phong tục Trung thu xưa cũ…

Vẫn biết nhu cầu của con người ngày càng cao, sự đủ đầy vật chất là thước đo cho một đất nước đang trên đà phát triển. Chúng ta phải đổi mới cả trong kinh tế và văn hóa xã hội.

Thế nhưng, đổi mới, hiện đại vẫn cần phải dựa trên những giá trị văn hóa của dân tộc. Bởi đằng sau những cái tết Trung thu là cả một câu chuyện dài về bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chuẩn văn hóa đạo đức sẽ chệch hướng, lệch lạc nếu không có cái “mỏ neo” truyền thống với tư cách là “bà đỡ” cho tâm hồn.

Trung thu này lại nhớ Tết Trung thu xưa...

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nho-tet-trung-thu-xua-157632.html