Nhờ Taliban xử IS, Mỹ tự xé thỏa thuận hòa bình Afghanistan

Taliban sẽ để mặc IS và Al Qadae hoành hành, bởi đó cơ hội giúp họ thực hiện những phi vụ triệt tiêu những đối thủ tiềm tàng là các quan chức....

Afghanistan nhuốm màu tang tóc, ngày về của Mỹ còn rất xa vời

Reuters đưa tin, ngày 12/5, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tuyên bố đã chỉ thị cho lực lượng an ninh và quân đội nước này chuyển từ thế phòng thủ chủ động sang trạng thái tấn công để ngăn chặn bạo lực.

"Để đảm bảo an ninh công cộng, đồng thời ngăn chặn các vụ tấn công của Taliban và các nhóm khủng bố khác, tôi chỉ thị cho lực lượng an ninh và quân đội Afghanistan chuyển từ thế phòng thủ chủ động sang trạng thái tấn công, chống lại kẻ thù".

Tuyên bố của Tổng thống Ghani là nhằm phản ứng với hai vụ tấn công đẫm máu vừa mới xảy ra, chủ yếu nhắm vào dân thường và địa điểm công cộng, nên đã gây thương vong rất lớn.

Tổng thống Ghani kêu gọi lực lượng an ninh và quân đội chuyển sang trạng thái tấn công

Tổng thống Ghani kêu gọi lực lượng an ninh và quân đội chuyển sang trạng thái tấn công

Vụ thứ nhấtlà vụ đánh bom tự sát tại một đám tang ở tỉnh Nangarhar, miền đông đất nước Afghanistan khiến ít nhất 24 người chết và 68 người bị thương, theo báo cáo sơ bộ của văn phòng tỉnh trưởng tỉnh Nangarhar.

Được biết, khi ông Atahullah Khogyani, phát ngôn viên chính phủ Afghanistan đang tham dự lễ tang ông Sheikh Akram, một chỉ huy cảnh sát ở tỉnh Nangarhar, thì một kẻ khủng bố đã kích nổ trong đám đông.

Vụ thứ hai là có một nhóm 3 tay súng mặc đồng phục cảnh sát đã tấn công Bệnh viện phụ sản Barchi do chính phủ Aghanistan quản lý và nhận sự hỗ trợ từ tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF).

Lực lượng an ninh Afghanistan đã có mặt và tiêu diệt nhóm tay súng nói trên, đồng thời sơ tán khoảng 80 sản phụ và trẻ sơ sinh khỏi hiện trường. Ít nhất 2 trẻ sơ sinh cùng 11 sản phụ và y tá đã thiệt mạng trong vụ tấn công này.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm trong việc gây ra vụ tấn công liều chết tại đám tang chỉ huy cảnh sát ở tỉnh Nangarhar, nẳm ở miền Đông Afghanistan.

Tuyên bố đăng trên Telegram, IS cho biết phần tử thánh chiến Hồi giáo Abdallah al-Ansari đã đánh trúng các mục tiêu an ninh Afghanistan và dân quân đồng minh tại Nangarhar, gây thương vong cho 100 người "không có niềm tin tôn giáo".

Tuy nhiên, IS không đề cập tới một vụ tấn công xảy ra cùng ngày tại Bệnh viện phụ sản Barchi, nhưng theo giới chức an ninh Afghanistan thì thủ phạm vụ tấn công đẫm máu này không ai khác ngoài IS, thậm chí không loại trừ cả Taliban.

Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan cho biết, các cuộc xung đột diễn ra trong 3 tháng đầu năm nay tại xứ A-phú-hãn đã khiến gần 1.300 dân thường thương vong, trong đó có 152 trẻ em và 60 phụ nữ. Số dân thường thiệt mạng tăng mạnh.

Như vậy, đất nước Afghanistan vẫn nhuốm màu tang tóc, bất chấp thỏa thuận Mỹ ký với Taliban nhằm mang lại hòa bình cho xứ A-phù-hãn đã vào giai đoạn thực thi và giảm bạo lực là mục tiêu đầu tiên nhất của giai đoạn này.

Và với tuyên bố của Tống thống Ashraf Ghani rằng đã chỉ thị cho lực lượng an ninh và quân đội Adghanistan chuyển từ thế phòng thủ chủ động sang trạng thái tấn công, cho thấy việc Mỹ có thể rút chân khỏi vũng lầy A-phú-hãn còn rất xa vời.

Bệnh viện phụ sản Barchi, nơi vừa xảy ra vụ tấn công đẩm máu ngày 12/5

Nhờ Taliban xử IS-Al Qadae, Mỹ đã tự tay xé thỏa thuận hòa bình

Xin nhắc lại, ngày 29/2/2020, Mỹ và Taliban đã ký một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm tại Afghanistan, sau khi Mỹ tấn công lật đổ Taliban với lý do che giấu trùm khủng bố Bin Laden - nghi phạm tổ chức vụ khủng bố 11/9.

Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban được biết bao gồm 4 vấn đề chính là: (1)Taliban có trách nhiệm đảm bảo không cho các nhóm khủng bố IS và Al Qadae có thể sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công khủng bố;

(2) Lực lượng Mỹ và NATO sẽ rút khỏi Afghanistan; (3) Các bên tại Afghanistan phải đối thoại hòa bình trực tiếp với nhau, và (4) Một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn phải đạt được giữa các bên.

Với bốn vấn đề chính ấy, lực lượng Mỹ-NATO được xem là có cơ sở hợp lý để rút quân khỏi Afghanistan, giúp Washington có thể kết thúc một cách "vẻ vang" cuộc chiến tranh dài nhất lịch sử nước Mỹ.

Chính vì vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh thỏa thuận này: “Phía bên kia đã mệt mỏi vì chiến tranh. Tất cả đã mệt mỏi vì chiến tranh. Đó là một cuộc chiến quá dai dẳng và khủng khiếp.

Chúng ta đã đạt được thành công to lớn ở Afghanistan, tiêu diệt được các thành phần khủng bố, song sau nhiều năm dai dẳng như vậy, giờ đã đến lúc ra đi và đưa những người lính của chúng ta về nước”, Reuters tường thuật.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thì ca ngợi Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban là “bước đi đầu tiên tới hòa bình bền vững...Dù phải sẵn sàng đối phó với thất bại, nên không dễ dàng có hòa bình. Song đây thực sự là một bước tiên quan trọng đầu tiên”.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell thì đánh giá thỏa thuận là "bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới một tiến trình hòa bình toàn diện ở Afghanistan,...khi các cuộc thương lượng do người Afghanistan làm chủ".

Tổng thống Ashraf Ghani hoan nghênh thỏa thuận và cho rằng người dân Afghanistan “có ý chí và năng lực chính trị để làm nên hòa bình nhờ sự dẻo dai của xã hội chúng ta, sự năng động của nền kinh tế chúng ta và khả năng của nhà nước chúng ta”.

Ký thỏa thuận với Taliban, Mỹ chấp nhận thua cuộc

Như vậy, với Mỹ-NATO-EU và thực thể thân Mỹ ở Afgahnistan thì Thỏa thuận hòa bình Mỹ-Taliban là một thắng lợi lớn, cho dù còn nhiều vấn đề cần giải quyết để hiện thực hóa giá trị bản thỏa thuận lịch sử này.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đó chỉ là những thắng lợi tinh thần AQ. Bởi thực chất Thỏa thuận Mỹ-Taliban là thất bại của Mỹ, khi cả thế cờ và vai trò quân cờ chủ lực của Mỹ từ nay đều do Taliban quyết định.

Nếu việc Taliban ký thỏa thuận trực tiếp với Mỹ đã biến chính quyền Afghanistan trở thành thực thể phái sinh, khiến tiến trình chính trị cho Afghanistan luôn bế tắc, thì việc nhờ Taliban xử IS - Al Qadae sẽ khiến hòa bình cho xứ A-phú-hãn luôn rất xa vời.

Tiến hình chính trị bế tắc khi chính quyền Afghanistan phải thực hiện nghĩa vụ kép, đó là tuân thù Thỏa thuận Mỹ-Taliban và Tuyên bố chung Mỹ-Afghanistan, khiến Kabul luôn lép vế cùng với đó là cả Kabul lẫn Washington đều lệ thuộc Taliban.

Nền hòa bình cho xứ A-phú-hãn xa vời khi Taliban bị buộc phải có trách nhiệm đảm bảo không cho các nhóm khủng bố IS và Al Qadae có thể sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công khủng bố.

Đơn giản là Taliban sẽ không làm điều đó và không thể làm điều đó, ngoại trừ cả IS và Al Qadae cùng được tham gia vào tiến trình chính trị Afghanistan, nghĩa là cả 3 tổ chức khủng bố này đều có mặt trong bàn cờ chính trị tương lai của Afghanistan.

Taliban không ngăn IS và Al Qadae sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công khủng bố, vì khi IS và Al Qadae không thể sống và diễn ở A-phú-hãn thì Taliban không còn đường lùi, thậm chí như cá nằm trên thớt của Washington.

Taliban không thể ngăn IS và Al Qadae sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công khủng bố, vì Taliban thực ra không đủ khả năng làm điều đó. Đây là trách nhiệm mà Washington giao vượt quá khả năng của Taliban.

Khi không muốn và không thể thì Taliban sẽ để mặc IS và Al Qadae hoành hành, vì đó là cơ hội giúp họ thực hiện các phi vụ triệt tiêu đối thủ tiềm tàng là các quan chức của chính quyền Afghanistan mà nhóm phiên quân xác định cần phải bị trừ khử.

Taliban sẽ học theo Mỹ, khai thác giá trị của IS

Vì vậy, thật bẽ bàng khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi các cuộc tấn công đẫm máu vừa xảy ra tại Afghanistan là “kinh hoàng”, nhưng lại kêu gọi chính quyền Kabul phải hợp tác với Taliban để đưa thủ phạm ra công lý.

Và lời tuyên bố của cựu Giám đốc CIA rằng "chừng nào chưa giảm được bạo lực và không đạt được những tiến triển đáng kể trong tiến trình chính trị, Afghanisan vẫn bị chủ nghĩa khủng bố gây tổn hại”, chỉ là sự cầu cạnh của Washington với Taliban.

Khi cho quân đội Mỹ tấn công Afghanistan, có lẽ chính quyền Washington không thể ngờ rằng đường về lại trắc trở, ngày về lại xa vời như thế này!

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nho-taliban-xu-is-my-tu-xe-thoa-thuan-hoa-binh-afghanistan-3402005/