Nhớ ông Chín Cần - người tiên phong đổi mới

Ông Chín Cần tâm sự: “Tôi có một niềm tin và một chỗ dựa giúp tôi và Ban Thường vụ kiên quyết chỉ đạo triển khai thực hiện đến nơi đến chốn Đề án đã được tập thể thông qua và nhất trí cao. Niềm tin và chỗ dựa ấy chính là ý kiến nhắc nhở của Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc đương nhiệm. Mỗi lần gặp tôi, ông đều căn dặn: “Trung ương đề ra đường lối, chủ trương; địa phương phải căn cứ vào tình hình thực tế, thực tiễn, và nguyện vọng của nhân dân mà sáng tạo ra cách làm hay”.

Ông Chín Cần (thứ 2 từ phải qua) và tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy Long An trao đổi
Đề án “Đổi mới giá - lương - tiền”. (Ảnh tư liệu của Tỉnh ủy Long An).

Quyết tâm đổi mới trên cơ sở thực tế

Cuối năm 1979, ông Bùi Văn Giao- Trưởng Ty Thương nghiệp cùng ông Hồ Đắc Hy- Phó Ty Thương nghiệp tỉnh Long An gặp Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) đề xuất xóa bỏ chế độ bao cấp trong việc cung ứng hàng công nghệ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng. Việc này nhằm chấm dứt tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, kéo tư thương hợp tác với thương nghiệp nhà nước hình thành mạng lưới lưu thông phân phối nhanh và hợp lý.

Ông Chín Cần đã chấp nhận ý kiến của lãnh đạo Ty Thương nghiệp đồng thời chỉ đạo xây dựng Đề án “Cải tiến phân phối lưu thông, thực hiện cơ chế một giá”. Ông yêu cầu, khi xây dựng Đề án cần quan tâm một số vấn đề: thu mua nông sản của nông dân phải dựa trên sự thỏa thuận về giá cả và hợp đồng đối ứng hai chiều. Ở khu vực người lao động, công nhân viên chức hưởng lương thì kiên quyết bỏ chế độ tem phiếu thay bằng bù giá vào lương các mặt hàng được phân phối, làm sao để mọi người có thể sống được bằng chính đồng lương của mình.

Trong khi cả nước sống “nhờ bao cấp” thì tỉnh Long An lại nghĩ ra phương pháp “xóa bao cấp”. Ông Chín Cần tâm sự: “Tôi có một niềm tin và một chỗ dựa giúp tôi và Ban Thường vụ kiên quyết chỉ đạo triển khai thực hiện đến nơi đến chốn Đề án đã được tập thể thông qua và nhất trí cao. Niềm tin và chỗ dựa ấy chính là ý kiến nhắc nhở của Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc đương nhiệm. Mỗi lần gặp tôi, ông đều căn dặn: “Trung ương đề ra đường lối, chủ trương; địa phương phải căn cứ vào tình hình thực tế, thực tiễn, và nguyện vọng của nhân dân mà sáng tạo ra cách làm hay”.

Cuối năm 1980, Bộ Chính trị mời lãnh đạo tỉnh Long An ra Trung ương báo cáo toàn bộ nội dung Đề án Cải tiến phân phối lưu thông Long An đang thực hiện. Ông Nguyễn Văn Chính cùng các ông Nguyễn Văn Mới- Chủ tịch UBND tỉnh Long An; ông Bùi Văn Giao, Trưởng Ty Thương nghiệp ra Thủ đô Hà Nội.

Sáng hôm sau, tại buổi làm việc chính thức với đoàn Long An có nhiều vị trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư cùng một số phụ trách các Ban, Bộ của Trung ương. Ông Chín Cần kể: “Khi đoàn Long An đang trình bày, có một đồng chí đứng lên chất vấn, hỏi Long An lấy tiền đâu trả lương cho Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh tới 600 đồng/người/tháng? Rồi tôi được đồng chí Lê Duẩn yêu cầu báo cáo. Đi vào nội dung cụ thể, nhiều lần Tổng Bí thư Lê Duẩn vui mừng, thốt lên “Thế hả! Thế hả!”. Kết thúc cuộc họp căng thẳng nhưng đầy ấn tượng, Bộ Chính trị kết luận: Long An đã làm được một số việc lớn, kết quả rất lớn, cho phép Long An tiếp tục thực hiện, làm thí điểm cho cả nước. Bộ Chính trị cũng giao các Bộ, ngành Trung ương giúp Long An thực hiện Đề án có kết quả để sớm tổng kết.

Giữa năm 1980, Long An thực hiện xóa bỏ cơ chế nhiều giá, thực hiện cơ chế một giá. Chủ trương này được nhân dân trong tỉnh đồng tình hưởng ứng. Việc cải tiến thu mua nông sản của nông dân cùng với việc phân phối vật tư nông nghiệp và hàng công nghệ phẩm, vật liệu xây dựng… thực hiện việc thống nhất một giá bán lẻ, xóa bỏ tận gốc chế độ hành chính bao cấp tràn lan. người được hưởng lương và các chế độ cung cấp được bù giá toàn bộ vào lương.

Ông Chín Cần khẳng định: Đổi mới khâu phân phối lưu thông hàng hóa, nắm hàng cũng đồng nghĩa với nắm tiền, chủ động được giá theo cơ chế thị trường có định hướng của Nhà nước. Đây chính là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhờ đó, từ năm 1984 trước khi ông được Trung ương điều ra làm Bộ trưởng Bộ Lương thực, không năm nào Long An không hoàn thành chỉ tiêu giao nộp ngân sách và các mặt hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp đối với Trung ương. Đời sống người hưởng lương ổn định, nông dân phấn khởi phát triển sản xuất.

Hết lòng vì Hội Nông dân

Nghị quyết 8B của BCH Trung ương (khóa VI) “Về đổi mới công tác vận động quần chúng trong tình hình mới” ra đời cũng là thời gian ông Chín Cần được Bộ Chính trí phân công sang phụ trách Hội Nông dân (HND). Ngay từ những ngày mới về Hội, ông cùng Ban Thường vụ HND xây dựng Đề án “Đổi mới công tác tập hợp nông dân tham gia sinh hoạt Hội”. Mục tiêu của Đề án nhằm thu hút nông dân vào HND không chỉ trong phạm vi địa giới hành chính mà còn gắn với nghề nghiệp người nông đang mưu sinh. Sau 2 năm triển khai, Đề án nhanh chóng đi vào cuộc sống, làm thay đổi không khí sinh hoạt HND ở cơ sở. Từ sinh hoạt theo lối hành chính gắn với chính quyền nơi xóm ấp, nay người nông dân còn được tham gia sinh hoạt HND theo sở thích ngành, nghề ở nông thôn, có cơ hội bàn bạc KHKT, hỗ trợ cây - con giống, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Làm Chủ tịch HND, ông Chính Cần dành nhiều thời gian đi cơ sở. Trong chỉ đạo, ông yêu cầu cán bộ làm công tác HND phải gắn bó với nông dân, phải hướng về cơ sở, nắm tâm tư, nguyện vọng của nông dân. Qua đó, đề ra phương pháp xây dựng và củng cố Hội, hướng dẫn nông dân tạo ra các phong trào ở nông thôn như phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường... Ông cũng thẳng thắn khuyên các cấp Hội và hệ thống báo chí của Hội không nên dùng cụm từ “giáo dục nông dân” trong các văn bản bản báo cáo và trên các ấn phẩm báo chí của Hội. Ông nói: “Nông dân trước tiên là cha, mẹ, là người thân trong dòng tộc mình đang sinh sống ở nông thôn. Chả lẽ, ta lại đi giáo dục họ!”.

Theo ông, thay bằng cụm từ này thành vận động, hướng dẫn sẽ có tác dụng thuyết phục hơn. Nhờ đi sâu, đi sát cơ sở ông ngộ ra, để vay được vốn của ngân hàng, người nông dân phải thực hiện các thủ tục không cần thiết, thời gian chờ giải ngân cũng lâu. Khi cầm được đồng tiền thì lúa ngoài đồng đã trổ bông, làm sao mua kịp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Sự trăn trở này đã giúp ông hình thành ý tưởng tạo cho nông dân một kênh vốn do HND quản lý. Để ý tưởng sớm trở thành hiện thực, ông tranh thủ mọi cơ hội gặp các lãnh đạo ở một số Bộ - ngành Trung ương như: ông Nguyễn Sinh Hùng- Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Giá- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư và cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt để trình bày quan điểm về sự cần thiết phải có thêm kênh vốn của HND.

Sau nhiều nỗ lực của cá nhân và tập thể Thường vụ Trung ương HND, đầu năm 1996 Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 40 tỷ đồng để HND xây dựng nguồn vốn ban đầu. Đến nay, quỹ hỗ trợ đạt 2.000 tỷ đồng hỗ trợ 2 triệu lượt hộ hội viên nông dân đầu tư sản xuất, mua máy móc phục vụ nông nghiệp, chế biến hàng nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Chính (tên gọi thân mật: Chín Cần sinh ngày 1-3-1924 tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV,V,VI,VII ; Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX. Trong70 năm hoạt động Cách mạng, ông Nguyễn Văn Chính giữ nhiều chức vụ: từng là Bí Thư Tỉnh ủy Long An, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), Khu ủy viên Khu 8, Bộ trưởng Bộ Lương thực (nay là Bộ NNPTNT); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Trưởng Ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam- từ trần hồi 16 giớ ngày 29/10/2016 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM, hưởng thọ 93 tuổi.

Khuynh Diệp
(Nguyên cán bộ Hội Nông dân Việt Nam)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/nho-ong-chin-can---nguoi-tien-phong-doi-moi/131474