Nhớ những người thầy mặc áo lính

'Ngày mai, 15/11/2020, trong Lễ kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội), 11 liệt sĩ - học sinh của nhà trường sẽ được 'trở về' hội khóa, được nhắc tên và tưởng nhớ công ơn. Các em - những chàng trai Hà thành tuổi vừa mười chín đôi mươi tình nguyện tòng quân và để lại tuổi xuân nơi chiến trường khốc liệt. Lòng thầy thương các em vô hạn' - thầy giáo già Trần Đình Phong đã thốt lên những lời như thế khi nhắc đến thế hệ học sinh của nhà trường những năm 1978-1979 đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ và mãi mãi nằm lại chiến trường.

Để ngày hôm nay, thầy đã lập nên nhóm “Bảy cánh sen hồng” cất công đi tìm học trò với niềm day dứt khôn nguôi...

Nếu còn sống trở về…

Nhà thầy giáo Trần Đình Phong nằm sâu trong con ngõ 103 đường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội. Đúng hẹn, khi tôi đến, người thầy giáo 77 tuổi vẫn bộ quần áo lính chỉnh tề đã pha ấm trà, ngồi đợi tôi. Câu chuyện miên man không dứt thầy kể tôi nghe trước sau vẫn chỉ về học trò.

Từ thế hệ học trò đầu tiên ở Trường cấp 3 Tây Sơn - Nguyễn Huệ (nay là Trường THPT Quang Trung,) đến khóa cuối cùng ở Trường THPT Quốc gia Chu Văn An - hai ngôi trường mà thầy từng giảng dạy. Từ những học trò đã trưởng thành vẫn trở lại thăm thầy đến những người học trò đã hy sinh vì Tổ quốc, đã lâu “vắng mặt” trên cõi đời này, thầy đều nhớ và nhắc tên.

Thầy giáo Trần Đình Phong giảng bài ở Trường Chu Văn An, năm 1986.

Thầy giáo Trần Đình Phong giảng bài ở Trường Chu Văn An, năm 1986.

Thầy kể, thời điểm năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã mở rộng ra khắp miền Bắc. Trường Nội trú học sinh miền Nam số 11 nơi thầy đang công tác phải sơ tán ra Móng Cái, Quảng Ninh. Tạm biệt trường, thầy giáo trẻ 23 tuổi Trần Đình Phong đã tình nguyện trở về Hà Nội nhập ngũ để trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 30/4/1966, chàng trai Hà thành ấy đã lên đường chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Đến năm 1971, Trần Đình Phong bị thương nặng, phải trở về Hà Nội, tiếp tục gắn bó với bảng đen phấn trắng tại Trường cấp 3 Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Thầy nhận lớp chủ nhiệm - một lớp có nhiều học trò cá biệt, lưu ban với lời gửi gắm đầy tin cậy và cũng là giao phó của vị hiệu trưởng nhà trường, rằng “lớp này cần phải có người thầy mặc áo lính như cậu”.

Từ cuộc chiến trở về, thầy Phong đứng trên bục giảng với tâm thế của một người lính. Điều đặc biệt là suốt những năm tháng dạy học và đến tận bây giờ, thầy Phong hầu như chỉ mặc áo lính. Mới đầu, đám học trò lạ lắm, rỉ tai nhau về thầy giáo ngày nào cũng mặc một màu áo xanh. Chúng đâu biết rằng, với thầy Phong, màu áo xanh ấy gắn liền với một kỉ niệm đau thương.

Năm xưa, giữa chiến trường khốc liệt, thầy ôm chặt người đồng đội trong vòng tay. Người trai trẻ 19 tuổi ấy vừa hy sinh, máu của đồng đội thấm đẫm áo thầy. Chiếc áo thấm máu ấy thầy đã giữ bên mình từ đó đến tận hôm nay. Và từ đó, thầy Phong dặn lòng mình suốt cuộc đời mặc áo lính để tưởng nhớ đồng đội, để cố gắng sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh ấy.

Quay lại bục giảng chưa lâu, khi những vết thương ở chân, tay dần liền da thì vết thương trên đầu tái phát. Thầy Phong thường xuyên phải chịu những cơn đau đến điên loạn không kiểm soát được hành vi. Trong cơn đau, những tháng ngày chiến đấu dội lại trong đầu.

Thầy vẫn tưởng tượng ra mình đang quần nhau với địch ở chiến trường, miệng liên tục thét lên như hiệu lệnh truyền cho đồng đội. Vì tình hình sức khỏe không tốt, thầy phải nghỉ dạy để vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Mãi đến năm 1975, khi sức khỏe ổn định hơn, thầy mới quay về Trường cấp 3 Tây Sơn - Nguyễn Huệ tiếp tục dạy học.

Hình ảnh người thầy mặc áo lính luôn trong lòng nhiều thế hệ học trò.

Luôn day dứt trước lời dặn của người đồng đội trước lúc hy sinh, rằng nếu còn sống trở về, hãy coi học sinh như con, như em mà dìu dắt thay người đã khuất. Người thầy giáo thương binh vì thế không chỉ là người thầy với lời giảng văn như rút ruột gan, những bài học làm người mà còn là người cha lo cho các con mình. Vẫn chiếc áo xanh bộ đội, lóc cóc chiếc xe đạp, thầy lần dò địa chỉ đến từng nhà học sinh để trao đổi với phụ huynh về tình hình học sinh.

Thương quý học trò, thầy bỏ công sức rèn giũa, chỉ bảo, uốn nắn. Thầy đã từng rơi nước mắt khi học trò ương bướng; thầy băn khoăn, trăn trở lật từng trang giáo án để xem lại cách dạy của mình cho phù hợp với lũ học trò ngang ngạnh; thầy buồn bã, đau đớn khi học trò không chịu học bài.

Hiểu được điều đó, học sinh dần ngoan hơn, chăm học hơn, vì sợ thầy buồn, thầy đau - nỗi đau của một người cha có đứa con không biết nghe lời. Công thầy đã được đáp đền khi một tập thể lớp từ “cá biệt” đã đoàn kết vươn lên và được khen tặng là “Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa”.

“Bố Phong”!

Năm 1984, thầy Phong được điều chuyển vào Lâm Đồng giảng dạy tăng cường ở vùng kinh tế mới. Năm 1986, thầy quay trở ra Hà Nội và về dạy ở Trường THPT Chu Văn An. Giờ văn đầu tiên ở ngôi trường mới, học trò tròn mắt nhìn thầy giáo bước vào lớp. Trong tưởng tượng của chúng, thầy giáo phải mặc áo sơ mi, quần âu, đeo kính trắng với vẻ nghiêm trang đạo mạo.

Nhưng, người thầy mà chúng nhìn thấy lại mang một dáng vẻ khắc khổ với mái tóc hoa râm, gương mặt xương gầy và mặc bộ đồ lính đã bạc màu thời gian. Vậy mà có đứa lúc trước gặp thầy ngoài cổng lại tưởng thầy là... ông bảo vệ.

Sau này, lũ học trò gọi thầy là “bố Phong” - nghe vừa gần gũi lại vừa sợ sệt. Bởi học trò hiểu “bố Phong” là người lính, bố không chấp nhận những gian dối, phải học thật, thi thật. Thái độ nghiêm túc và lòng kiên trì đã khiến nhiều cô cậu học trò phải đổi thay. Khi có tiết kiểm tra, mặc định là học sinh phải học bài, bởi học trò biết rằng có thầy Phong là mọi “kế hoạch” mờ ám đều thất bại.

“Bố Phong” bảo phải chọn danh dự chứ không vì danh hiệu, phải biết tự trọng chứ đừng tự ái. Đã có bao nhiêu người con của “bố Phong” trưởng thành, đã có bao người từ những bài học văn của bố để nỗ lực sống là người tử tế.

Cả cuộc đời dạy học, thầy Phong đều làm công tác chủ nhiệm và là một thầy giáo chủ nhiệm “khét tiếng”. Khi học thầy, nhiều học sinh toát mồ hôi vì thầy nghiêm nhưng mà nhớ, mà khắc cốt ghi tâm những điều thầy nói. Cuộc đời người lính đã ngấm vào máu, vào từng nếp nghĩ của thầy, tạo nên một nhân cách đặc biệt khiến học trò ấn tượng và kính trọng. Không chỉ những lớp thầy trực tiếp dạy mà cả những lớp không học thầy vẫn yêu quý và tri ân thầy.

Thầy Phong thăm mộ liệt sĩ từng là học trò năm xưa.

Học trò nhớ cả những cơn đau đầu bất chợt kéo đến trong lúc thầy đang giảng bài. Thấy tiếng thấy nhỏ lại, lời giảng hụt đi một nhịp, là biết thầy đang đau, cả lớp lặng im nhìn thầy lo lắng. Ngừng một lát, cơn đau qua đi, thầy lại tiếp tục bài học. Giờ ra chơi, học trò lại líu ríu vây quanh hỏi thăm thầy.

Khóa học sinh đầu tiên thầy chủ nhiệm nay đã về hưu, vẫn đến thăm thầy, câu chuyện, tiếng cười vang trong phòng khách nhỏ. Và rất nhiều lứa học sinh sau này nữa đều nhớ thầy, vẫn đều đặn thăm thầy, mời thầy tham gia các sự kiện họp lớp, hội trường.

Thầy Phong bảo thầy thực sự cảm ơn học trò. Không có chúng với những trò nhất quỷ nhì ma, những lúc trúc trắc, lười học, quậy phá thì “tay nghề sư phạm” của người thầy làm sao cao lên được. Học trò khiến người thầy phải luôn đau đáu, tìm cách uốn nắn, mềm nắn rắn buông, lúc nặng lúc nhẹ để các em tiến bộ. Người thầy ấy, tận đến buổi dạy cuối cùng vẫn chỉ chiếc xe đạp, vẫn màu áo xanh và chiếc mũ cối bạc màu. Học trò gặp lại thầy, vẫn hỏi “chiếc xe đạp thần thánh ấy còn không”.

Cả thầy cả trò cùng cười vang khi thầy bật mí thầy vẫn giữ chiếc xe đạp làm kỉ niệm... Tiếng cười ấy xua đi những cơn đau đầu, những đêm mất ngủ vẫn thường xuyên hành hạ thầy. Thầy Phong bảo, được học trò thương quý, thầy hạnh phúc vì điều đó...

“Tóc bạc, thầy đến bên em”

“Biết em đã về nằm đó/ Tóc bạc, thầy đến bên em/ Mắt nhòa, tim đau quặn thắt/ Thắp hương, tưởng niệm... thương em!”. Đó là những vần thơ từ tâm can của thầy Phong khi thầy lần tìm được thông tin và đến thăm mộ học sinh - liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hoàn, Lớp 10H khóa 1976-1979 Trường cấp 3 Tây Sơn - Nguyễn Huệ, Hà Nội, hy sinh ở mặt trận biên giới Tây Nam. Quá khứ dội về trong lòng thầy giáo già. Những năm 1978-1979 chiến tranh ác liệt, nhiều học sinh của nhà trường đã hăng hái tòng quân. Có nhiều lá đơn xin nhập ngũ được viết bằng máu.

Ngày ấy, thầy từng nói với học trò về lòng yêu nước, động viên các em đi bộ đội, thầy trò bịn rịn chia tay. Giờ đây đất nước thanh bình nhưng các em đã không thể trở về, người thầy luôn khắc khoải, day dứt và xót thương vô hạn. Các em phải được nhắc đến, phải được nhớ mặt nhắc tên, được nêu gương để các thế hệ học sinh hôm nay noi theo. Các em chính là “thế hệ vàng” trong lòng thầy, thế hệ quên mình hy sinh vì đất nước. Nói đến đây giọng thầy Phong nghẹn lại, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt gầy gò khắc khổ.

Di ảnh 11 liệt sĩ - Học sinh tại phòng truyền thống của Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội).

Thầy đã từng đạp xe đến nghĩa trang lần tìm mộ học trò. Khi đọc được dòng tên trên bia mộ, mắt thầy nhòa đi, thổn thức. Thầy đã ngồi bên mộ người học trò rất lâu. Thầy nghĩ rằng chắc chắn còn nhiều học sinh thân yêu của thầy đã lên đường đi bộ đội và hy sinh.

Từ tháng 8/2020, với tư cách là cựu giáo viên môn Ngữ văn, nguyên Bí thư Đoàn Trường cấp 3 Tây Sơn - Nguyễn Huệ, thầy quyết định lập nhóm kiếm tìm những học sinh - liệt sĩ của mái trường xưa. Nhóm tìm kiếm “Bảy cánh sen hồng” do thầy làm trưởng nhóm kết hợp với 6 cựu học sinh của trường đã âm thầm lần tìm và chắp nối thông tin để tìm thông tin về các học sinh - liệt sĩ. Tìm được thông tin một học sinh, thầy và nhóm tìm kiếm lại mừng tủi như gặp lại người thân.

Dù rất khó khăn và mất nhiều công sức, nhóm tìm kiếm đã tìm được thông tin của 11 liệt sĩ chủ yếu đi bộ đội những năm 1978-1979, hy sinh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. 11 liệt sĩ đều được thu thập đầy đủ thông tin: tên tuổi, di ảnh, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh, nơi chôn cất.

Và ngày 15/11/2020, nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày thành lập Trường cấp 3 Tây Sơn - Nguyễn Huệ, nay là Trường THPT Quang Trung, bảng vàng Tổ quốc ghi công ơn các liệt sĩ - học sinh được đặt trang trọng trong phòng truyền thống của nhà trường, nhắc nhớ những thế hệ học sinh hãy cố gắng học tập và rèn luyện tốt để xứng đáng với sự hy sinh của lớp đàn anh.

Thầy Phong ngậm ngùi, việc “tìm” các em dẫu có muộn nhưng không thể không làm. Bởi thầy không chỉ nợ các em một tình thầy mà đó còn là bổn phận và trách nhiệm của những người may mắn được sống cuộc sống yên bình hôm nay.

Huyền Châm

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nho-nhung-nguoi-thay-mac-ao-linh-619918/