Nhớ những ngày cắm mốc quốc giới

Thượng tá Phan Thanh Hồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang, BĐBP Nghệ An từng có nhiều năm liền gắn bó với nhiệm vụ tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới tuyến Việt Nam - Lào. Trong quãng thời gian dài đó, anh cùng đồng đội, đồng chí thuộc các lực lượng hai bên biên giới trải qua biết bao gian khổ, hi sinh. Ký ức những ngày cắm mốc biên giới luôn là những kỷ niệm đẹp theo suốt cuộc đời anh.

Thượng tá Phan Thanh Hồng (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội những ngày dựng mốc biên cương. Ảnh: Viết Lam

Thượng tá Phan Thanh Hồng (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội những ngày dựng mốc biên cương. Ảnh: Viết Lam

Đồn Biên phòng Tam Quang nằm trên một quả đồi cao, được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng trong những ngày đầu năm 2019. Từ sân đơn vị có thể nhìn bao quát được các bản làng, khu dân cư gần đó. Đã hẹn trước, Thượng tá Phan Thanh Hồng xuống tận cổng đồn đón mọi người. Anh Hồng như trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 50 của mình, thân hình săn chắc. Cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị thường nói rằng, trong những chuyến tuần tra biên giới, theo kịp những bước chân của đồn trưởng là điều không dễ.

Khi được hỏi về câu chuyện trên thì Thượng tá Hồng chỉ cười và nói rằng: “Để có sức khỏe tốt, tôi vẫn duy trì thói quen tập luyện, sinh hoạt như những năm tháng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt giữa chốn rừng thiêng, nước độc”. Trước khi được bổ nhiệm làm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang, Thượng tá Hồng có 7 năm liền thực hiện nhiệm vụ tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới tuyến Việt Nam - Lào, đoạn qua Nghệ An và các tỉnh đối diện.

Từ năm 2008-2010, Phan Thanh Hồng giữ cương vị là Đội phó Đội cắm mốc số 1, của tỉnh Nghệ An. Cuối năm 2010, từ yêu cầu thực tế, Nghệ An đã thành lập Đội cắm mốc số 2, anh Hồng được giao nhiệm vụ làm đội trưởng, cho đến năm 2014, khi quá trình cắm mốc trên thực địa hoàn thành.

Bên cốc chè xanh buổi sáng, mắt nhìn về cánh rừng biên giới, Đồn trưởng Hồng nhớ lại những ngày làm nhiệm vụ trước đây, anh nói: “Đó là quãng thời gian tôi cùng đồng đội, đồng chí hai bên biên giới phải trải qua rất nhiều gian khổ, hi sinh, nhưng đầy tự hào. Lạc đường, đói rét... là chuyện rất bình thường, nhưng với sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ liên lạc với những người bạn, người đồng chí từng đồng cam cộng khổ”.

Theo quy định, để hoàn thành nhiệm vụ tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa hai nước, lực lượng làm nhiệm vụ phải trải qua các giai đoạn chính như khảo sát đơn phương, song phương và thi công thực hiện. Ngoài cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị hai bên, đội công tác cũng được phép thuê thêm nhân công để phục vụ việc vận chuyển vật liệu dựng cột mốc.

Chính vì vậy mà có lúc con số tham gia sinh hoạt, thực hiện công việc giữa chốn rừng sâu lên đến hàng chục người. “Nhiệm vụ rất nặng nề, giữa núi rừng trùng điệp, hiểm nguy rình rập, việc đảm bảo an toàn cho mọi người luôn được đặt lên hàng đầu. Trên cương vị chỉ huy đơn vị, tôi luôn xác định, để nhiệm vụ thắng lợi thì công tác hậu cần phải là yếu tố đầu tiên. Lương thực, thực phẩm, thuốc men, hành quân ra sao, nghỉ ngơi, xử lý tình huống... như thế nào, đều phải được bàn bạc và đưa vào kế hoạch trước những chuyến đi” - Thượng tá Hồng khẳng định.

Thượng tá Phan Thanh Hồng tặng quà các hộ nghèo trên địa bàn xã Tam Quang. Ảnh: Viết Lam

Thế nhưng, dù chuẩn bị chu đáo thế nào vẫn có những tình huống diễn ra ngoài dự kiến khiến Thượng tá Hồng nhớ mãi đến tận bây giờ. Đó là có ngày trời âm u, sương mù dày đặc, mọi người không xác định được phương hướng nên bị lạc đường cả ngày trời. Có những quãng đường dài không có khe suối, mọi người phải hứng từng giọt nước từ hốc đá chênh vênh để nấu bữa ăn. Rồi những đêm Đông, mọi người cùng ngồi bên đống lửa vì lạnh không tài nào ngủ được...

Trong muôn vàn điều đã diễn ra, câu chuyện khiến vị chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Quang nhớ nhất là khoảng tháng 8-2011, sau khi hoàn thành cắm mốc 435 và 436, trên đoạn biên giới tiếp giáp giữa xã Môn Sơn, huyện Con Cuông và địa phương bạn, cán bộ Đội cắm mốc số 2 tỉnh Nghệ An và tỉnh Bô Ly Khăm Xay (Lào) hành quân trở ra. Khi đoàn người qua đoạn suối dốc thì lũ quét bất ngờ ập đến, tất cả chỉ kịp tri hô và chạy lên bờ. Trong phút chốc kinh hoàng đó, Trung tá Xeng Đào, cán bộ tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnhBô Ly Khăm Xa không may bị ngã giữa suối.

Rất may Thượng tá Hồng kịp thời phát hiện và nhanh chóng quay trở ra, dìu được bạn vào bờ vừa lúc con nước hung dữ ập đến. Đến giờ, hai người vẫn giữ mối liên lạc với nhau, tình cảm, tình đồng chí vẫn luôn bền chặt. Cũng qua câu chuyện, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Quang khẳng định rằng, trong cuộc sống sinh hoạt, cán bộ lực lượng hai nước san sẻ ngọt bùi, gian khó, sẵn sàng hi sinh mạng sống cho nhau. Nhưng trong thực hiện nhiệm vụ, họ là những chủ thể độc lập đại diện cho quyền lợi thiêng liêng của đất nước, dân tộc mình. Cả hai đều giữ đúng nguyên tắc làm việc nên cũng có những ý kiến tranh luận trái chiều, nhưng rồi tất cả đều được giải quyết trên cơ sở pháp lý, khoa học và đồng thuận cao của chính quyền, lực lượng hai bên.

Hành quân, sinh hoạt gian khổ, thiếu thốn, vất vả là chuyện rất bình thường với những người lính. Thế nhưng thời gian đi xa, không được liên lạc với gia đình mới là thách thức lớn nhất. Có khi cả tháng trời, họ không biết thông tin, không được nghe tiếng nói của vợ con, người thân. Thượng tá Hồng chia sẻ rằng, anh may mắn vì có vợ cũng là đồng nghiệp nên rất hiểu, chia sẻ, động viên nhau. Nói về những ngày chồng đi làm nhiệm vụ đặc biệt, Đại úy Nguyễn Thị Thúy Hiền, nhân viên quân y Phòng Hậu cần, BĐBP Nghệ An (vợ anh Hồng) chia sẻ: “Mình cũng là người lính nên rất hiểu. Thương anh, mình chỉ biết tập trung lo cho gia đình để chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nho-nhung-ngay-cam-moc-quoc-gioi/