Nhớ những cành hoa dại một thời tặng cô!

Có món quà chỉ là những cành hoa dại ngắt ven đường, hay những bông hoa bằng giấy nhẹ tênh nhưng để lại một miền ký ức sâu đậm trong lòng những học trò thôn quê ngày xưa mỗi dịp 20.11 về.

Những món quà giản đơn nhưng là cả tấm lòng học trò dành tặng thầy cô - Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cả một trời thương nhớ

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm trước, thằng cháu mới học lớp 3 của tôi hối mẹ đi mua quà về tặng cô, mẹ nó mua về xấp vải áo dài nhưng nó nằng nặc không chịu, đòi mẹ mua thêm hoa vì nó bảo bạn bè của con ai cũng tặng quà và hoa. Thế là chị họ tôi phải đi mua thêm hoa nhưng trước khi đi nó còn dặn mẹ mua nguyên bó chứ đừng mua một cành hoa như năm trước.

Thấy chị họ vất vả vì chạy đôn chạy đáo lo chuyện quà cáp cho cháu đi tặng cô, tôi bảo với đứa cháu: “Thầy cô đâu ai đòi hỏi quà cáp gì đâu con, chỉ cần con học giỏi là thầy cô vui rồi. Ngày xưa, dì đi học chỉ tặng cô một nhành cỏ dại ven đường thôi mà cô vui cười tít mắt rồi”.

Nghe tôi bảo tặng hoa dại, thằng bé vừa cười vừa nói: “Hoa dại sao dì tặng cô được. Hoa dại mọc ngoài đường mà”.

Thế đấy, giờ nói lại tụi nhỏ chẳng tin là ngày ấy có những món quà giản đơn đến vậy nhưng tình cô trò luôn nồng thắm và thiêng liêng.

Tôi vẫn còn nhớ như in, cái ngày 20.11 năm ấy, cô nhận được bó hoa dại tôi cất công hái và bó tỉ mỉ, cô cười tít mắt nhưng sau đó lại ôm tôi. Và chắc ngày ấy cô khóc vì sau khi ôm tôi, thấy cô quay lưng và làm hành động đưa tay quệt vội những giọt nước mắt.

Mỗi lần về quê, ra nhà cô chơi tôi đều mua hoa đến cắm ngay cái bàn khách. Nhưng lần nào cô cũng nói, hoa đẹp thật nhưng không thơm bằng những bó hoa dại ngày xưa. Đấy, cô cũng nhớ mãi và tôi cũng nhớ mãi, những món quà giản dị của đứa học trò nghèo ngày xưa.

Cũng tựa ký ức của tôi, Rcom H’Tuyết (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) nhớ những bông hoa giấy nhẹ tênh nhưng nặng nghĩa tình ngày xưa mà Tuyết dành dụm tiền để mua tặng cô. Trong những dòng chia sẻ của mình, Tuyết viết: “Ngày 20.11 lại đến, nhưng năm nay đặc biệt hơn những năm trước ở chỗ tôi đã không còn là một cô bé học sinh nữa, giờ đây tôi là cô sinh viên năm nhất với những bước đi chập chững tới tương lai. Nhưng những ký ức của ngày 20.11 trước đây là những tháng ngày khó quên trong tôi. Nhớ lại hồi tiểu học khi còn là những cô nhóc, cậu nhóc bé tí nhưng lại rất háo hức mỗi khi đến ngày nhà giáo. Lúc ấy, đứa nào cũng để dành tiền ăn quà vặt để mua vài bông hồng giả cho thầy cô (vì lúc đó không có nhiều tiền để mua hoa tươi). Đến ngày 20.11 là cả lũ lại rủ nhau chạy đến quán gần cổng trường mua dăm ba bông hồng giả (khi ấy một bông hồng thường là 2.000 đồng, đẹp hơn là 3.000 đồng). Tuy đó chỉ là những bông hồng được làm thủ công thô sơ nhưng với chúng tôi thì đó đã là những món quà vô cùng giá trị. Một thời ngô nghê đã qua, nhưng những cảm xúc háo hức, hồi hộp khi tặng hoa cho thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam vẫn còn y nguyên”.

Thổ lộ tình cảm qua những trang báo tường

Khi được hỏi về những mùa 20.11 khó quên, Hoàng Dung (làm việc tại Duyên Hà Resort, Cam Ranh, Khánh Hòa) nhớ lại năm học lớp 3, đến ngày 20.11 cô bạn lớp trưởng của Dung đã đề nghị cả lớp đến thăm nhà cô giáo chủ nhiệm. Rồi cả lớp dồn tiền mua tặng cô một bộ tách trà bằng sứ khoảng 50.000 hay 70.000 đồng. Cá nhân ai có thêm gì thì tặng, có đứa tặng cô đồng hồ để bàn, có đứa tặng cô bột ngọt, đường, có đứa tặng xà phòng tắm,…Nói chung nhà đứa nào bán cái gì hay có sản vật gì là mang tặng cô.

“Quà thế này đối với chúng tôi hồi đó to lắm cơ, vì mỗi ngày bố mẹ cho 200 đồng ăn quà vặt, muốn mua quà cho cô mỗi đứa cũng 5.000 đồng rồi đấy. Còn tôi thì dành dụm tiền mua tặng thêm cô một bông hồng (giá của nó hình như 1.000 đồng). Chắc món quà của tôi là ít tiền nhất, nhưng vốn dĩ nhà tôi hồi ấy cũng chẳng có nhiều tiền. Hơn nữa, chúng tôi chẳng có ai có xe đạp, cả lớp 20 bạn kéo nhau đi bộ gần 6 km để lên tận nhà cô. Lần ấy là lần đầu tiên tôi được ra khỏi 'ao làng', lần đầu tiên được bước chân qua địa phận của một làng khác và hạnh phúc hơn vẫn là được đem món quà mà mình đã chuẩn bị đến thăm nhà cô giáo. Đôi dép của tôi ngày ấy cũng chẳng lành lặn gì, đi bộ một quãng đường xa thế là nó bị nứt đầu dép, thành ra, mấy ngón chân của tôi dính toàn đất nước bẩn, nhưng mà niềm vui thì khó tả…”, Dung kể.

Còn Nguyễn Thị Ngọc Hương (sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) thì nhớ như in những tập báo tường mỗi dịp 20.11 đến.

“Ngày đó gia đình nghèo, cũng ít khi phải nghĩ đến chuyện tặng quà cho cô. Nhưng 20.11 về, tụi mình gói ghém hết những tình cảm thân thương nhất và viết vào những bài báo tường để 'thổ lộ tình cảm' với cô. Những dòng tản mạn ngây ngô nhưng đầy tâm huyết của tụi mình. Rồi tỉ mỉ ngồi thiết kế, vẽ vời đủ các kiểu để làm tập báo tường đẹp nhất. Những dịp này tụi mình còn được chụp hình với các thầy cô để dán vào tập báo tường. Từ tháng 10 là đã háo hức các khâu chuẩn bị rồi, nên đến khi sản phẩm 'ra lò', cả cô và trò đều hạnh phúc vô bờ. Và đấy là tất cả tấm lòng tụi mình dành cho thầy cô mỗi dịp 20.11 về”.

Hoa Nữ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/nho-nhung-canh-hoa-dai-mot-thoi-tang-co-1023347.html